Nghiên cứu khoa học thúc đẩy sáng tạo trong học sinh, sinh viên
Giáo viên, học sinh Trường THCS xã Minh Phát, huyện Lộc Bình giới thiệu sản phẩm nghiên cứu khoa học “Thuốc trừ sâu từ cây xoan ta” |
Hình thành khả năng tư duy, sáng tạo
Năm học 2012 – 2013 là năm thành công vang dội của ngành GD&ĐT Lạng Sơn với thành tích của em Hoàng Duy Khánh, Trường THPT Lương Văn Tri (Văn Quan) đạt Huy chương vàng sản phẩm “Người máy cứu hộ LVT2” tại triển lãm quốc tế dành cho các nhà sáng tạo trẻ và triển lãm quốc tế về sáng kiến, sáng chế và kiểu dáng công nghiệp (IEYI) lần thứ 9 diễn ra trong tháng 5/2013 tại Malaysia. Năm học 2016 – 2017, ngành tiếp tục đạt nhiều thành tích nổi bật với 2 giải tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, trong đó giải nhất dự án “Máy thu hoạch hồi tự động” của em Lương Gia Khánh, Hoàng Việt Bách, Trường THPT chuyên Chu Văn An (thành phố Lạng Sơn) và giải nhì dự án “Máy lấy phấn hoa na” của em Nguyễn Ánh Đông, Trường THCS Yên Sơn (Hữu Lũng).
Không riêng các trường hợp trên, hằng năm, hàng trăm lượt HSSV có đề tài, dự án NCKH cấp trường, cấp ngành, cấp tỉnh. 5 năm gần đây, cả tỉnh có gần 500 đề tài, dự án, sản phẩm NCKH trên tất cả các lĩnh vực của HSSV tham dự các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật… Em Phương Thị Vân Anh, lớp 12A18, Trường THPT Việt Bắc (thành phố Lạng Sơn) đồng tác giả đề tài NCKH “Chợ phiên Kỳ Lừa xưa và nay” đạt giải khuyến khích tại cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2015 – 2016 do Sở GD&ĐT tổ chức cho biết: NCKH giúp chúng em có khả năng tư duy học tập tốt hơn, biết vận dụng lý thuyết đã học tạo ra những sản phẩm, đề tài khoa học đáp ứng yêu cầu thực tiễn cuộc sống.
Những năm gần đây, nội dung NCKH của HSSV trong tỉnh tương đối phong phú, thuộc nhiều lĩnh vực, chủ yếu phục vụ việc học tập và rèn luyện, hướng tới khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn. Điển hình có thể kể tên như: “Mô hình đường sắt giảm tiếng ồn”, “Sự nở vì nhiệt của chất rắn”, “Máy vẽ tự động” của sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm (CĐSP) tỉnh; “Lò đốt rác trong trường học”, “Thiết bị bắt côn trùng”, “Dụng cụ tra hạt trên địa hình đồi dốc”… của HS các trường trung học.
Khuyến khích nghiên cứu khoa học
Bà Nguyễn Minh Châu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: NCKH là dạng hoạt động trí tuệ đặc biệt mang tính chuyên sâu giúp HSSV tự tìm kiếm, khám phá và ứng dụng tri thức vào thực tiễn. Để hoạt động này được tăng cường, những năm qua, Sở GD&ĐT quan tâm chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch, xây dựng chế tài cụ thể cho công tác NCKH của HSSV. Có thể khẳng định, hoạt động này của HSSV từng bước có chuyển biến tích cực cả về mặt số lượng và chất lượng.
Thực hiện sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT, Trường CĐSP, phòng GD&ĐT cấp huyện, các trường THPT trong tỉnh tuyên truyền rộng khắp đến HSSV về các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật; xây dựng kế hoạch, phân công cho các tổ chuyên môn hướng dẫn HSSV NCKH ở các lĩnh vực khác nhau. Dưới sự hướng dẫn của giảng viên, giáo viên, HSSV được tham gia nghiên cứu, chế tạo, tạo ra các dự án, sản phẩm khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ các yêu cầu sản xuất, lao động, học tập trong đời sống xã hội. Đơn cử trong năm học 2013 – 2014, thầy giáo Nguyễn Sỹ Trọng, Trường CĐSP Lạng Sơn hướng dẫn 28 lượt SV tham gia nghiên cứu thực hiện các đề tài khoa học thuộc 7 nội dung.
Song song với đó, ngành GD&ĐT tỉnh còn có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ HSSV như: quy định mức chi cho hoạt động KH&CN của sinh viên, số giờ NCKH cho giảng viên hướng dẫn, tính điểm học tập và rèn luyện cho HSSV tham gia NCKH, phát triển đảng cho sinh viên có thành tích trong công tác NCKH… Bằng những nguồn động viên, khuyến khích đó, ngành GD&ĐT đã thu hút nhiều đề tài, dự án, sản phẩm KH&CN của HSSV. Từ năm 2012 đến nay, riêng lực lượng SV tỉnh đã có 365 sản phẩm, dự án NCKH.
Ý kiến ()