Nghiên cứu khoa học giữ vững thương hiệu hồi Lạng Sơn
Khách tham quan, mua tinh dầu hồi Lạng Sơn tại ngày hội Na Chi Lăng năm 2017 |
Năm 2011, 2012 bọ ánh kim phá hại mạnh đối với cây hồi trên địa bàn tỉnh. Đây là loài bọ có tốc độ sinh trưởng, phát tán nhanh, lúc cao điểm lên tới 1.300 – 1.500 con/cây. Năm 2012, hàng trăm héc ta hồi bị ảnh hưởng, chủ yếu tập trung tại các huyện: Văn Quan, Cao Lộc, Lộc Bình. Từ tình hình này, năm 2012, đề tài “Nghiên cứu đề xuất các biện pháp quản lý bọ ánh kim hại cây hồi theo hướng phát triển bền vững ở tỉnh Lạng Sơn” được triển khai, có giá trị ứng dụng cao trong thực tiễn. Đề tài đã cung cấp cơ sở khoa học để đề xuất các biện pháp phòng chống bọ ánh kim có hiệu quả, an toàn cho con người và môi trường và là cơ sở để dự tính, dự báo phòng chống bọ ánh kim hại cây hồi nói riêng và sâu bệnh hại hồi nói chung.
Không riêng đề tài trên, từ năm 2007 đến nay, ở tỉnh đã có nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học về sản xuất, chế biến, kinh doanh hồi như: “Nghiên cứu nâng cao năng suất và chất lượng các sản phẩm từ cây hồi ở Lạng Sơn”, “Hợp tác nghiên cứu cải tạo rừng hồi năng suất thấp và ứng dụng kỹ thuật chế biến sản phẩm hồi”, “Xây dựng và phát triển mô hình quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Lạng Sơn” cho sản phẩm hoa hồi”…
Sau khi nghiên cứu, ứng dụng các đề tài, dự án đã đem lại kết quả tích cực cho cây hồi. Cụ thể: hệ thống quản lý và phát triển CDĐL hoa hồi Lạng Sơn được hình thành, đi vào vận hành. Ban đầu, hệ thống chỉ triển khai tại 13 xã, thị trấn, đến nay nâng lên 33 xã, thị trấn trong vùng CDĐL được bảo hộ. Nhiều mô hình sản xuất hồi năng suất, chất lượng cao được hình thành như: mô hình cải tạo rừng hồi năng suất thấp thành rừng hồi năng suất cao triển khai tại 20 xã thuộc các huyện: Văn Quan, Bình Gia với quy mô gần 30 ha; mô hình phơi, sấy, chưng cất tinh dầu hồi và thương mại hóa sản phẩm triển khai tại 3 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản… Đến nay, hồi Lạng Sơn đã đạt tổng diện tích gần 36.000 ha. Năng suất trung bình đạt 2,5 tấn quả khô/ha/năm, cao hơn khoảng 0,2 tấn quả khô/ha/năm so với trước năm 2007. Sản lượng quả hồi khô đạt hơn 10.409 tấn/năm, ước đem lại giá trị kinh tế khoảng 600 – 650 tỷ đồng/năm. Sản phẩm này được xuất khẩu đến hơn 10 quốc gia và được giới thiệu đến các thị trường lớn như: châu Âu, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Ông Trần Hữu Đắc, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết: Năm 2007, hồi Lạng Sơn được nhà nước bảo hộ (chỉ dẫn địa lý). Để bảo vệ thương hiệu, những năm qua, Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và ứng dụng tiến bộ KH&CN trong sản xuất, chế biến, kinh doanh hồi. Nhìn chung các đề tài, dự án đã góp phần thực hiện tốt mục tiêu đề ra.
Mặc dù đã có những tác động tích cực từ nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào sản xuất, chế biến, kinh doanh hồi, song thực tế vẫn còn tình trạng giá hồi bấp bênh, lúc được mùa thì mất giá hoặc mất mùa được giá, năng suất hồi chưa cao, chất lượng hồi chưa đảm bảo… Nguyên nhân là một số hộ trồng hồi nhận thức còn hạn chế về việc thâm canh, chế biến, kinh doanh hồi; chưa thực sự khai thác được các giá trị mà CDĐL đem lại… Ông Nguyễn Công Hà, Phó Chủ tịch Hội sản xuất, chế biến và kinh doanh hồi Lạng Sơn cho biết: Để ngày càng bảo vệ tốt thương hiệu hồi Lạng Sơn, hội đã đề xuất với ngành chức năng tỉnh một số giải pháp về KH&CN trong thời gian tới như: tiếp tục nghiên cứu cải thiện giống và các biện pháp lâm sinh trong nuôi dưỡng, phục tráng, cải tạo rừng hồi; kỹ thuật tạo cây non và thâm canh rừng trồng; tăng cường quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm với hồi.
Ý kiến ()