Nghiên cứu khoa học - công nghệ với mục tiêu năm 2014
Điểm lại, trong năm 2013, ngành khoa học Lạng Sơn đã triển khai thực hiện 44 đề tài, dự án khoa học. Trong đó, 29 đề tài và dự án thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp, chăn nuôi – thủy sản (66%); 15 đề tài thuộc lĩnh vực giáo dục – văn hóa – xã hội và lĩnh vực khác (34%). Phần lớn các đề tài, dự án đều đã được chuyển giao cho bà con nông dân và các đơn vị có nhu cầu ứng dụng. Nổi lên trong những đề tài, dự án khoa học của năm 2013 phải kể đến là: Dự án “ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi bò thịt tại một số xã của tỉnh Lạng Sơn”; “Nuôi thử nghiệm giống gà lai VCN-G15 hướng trứng thương phẩm tại Lạng Sơn”; “Ứng dụng công nghệ vi sinh xây dựng mô hình đệm lớt sinh thái trong chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”… Ngoài những nghiên cứu của chính ngành mình, trong năm qua, Sở KH&CN Lạng Sơn đã phối hợp với một số đơn vị trên địa bàn tỉnh thực hiện 15 đề tài khoa học chuyên ngành. Ví dụ như đề tài “Đánh giá tình hình bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và đề xuất giải pháp phòng, chống tại Lạng Sơn” của Bệnh viện Lao tỉnh; “Nghiên cứu đề xuất giải pháp tăng thu ngân sách nhà nước qua thuế, phí, lệ phí và giá dịch vụ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”…
Các đề tài nghiên cứu khoa học đã mở rộng ra trên một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực y tế |
Tiến sỹ Lương Đăng Ninh, Giám đốc Sở KH&CN Lạng Sơn cho biết: trong năm 2013, đơn vị đã triển khai đồng bộ các hoạt động KH&CN. Các đề tài, dự án thực hiện trong năm 2013 đều tập trung vào nghiên cứu các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và giá trị cao nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Không chỉ nghiên cứu, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN thường xuyên xây dựng các mô hình chuyển giao ứng dụng các tiến bộ KH&CN để nâng cao hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và môi trường…
Theo tiến sỹ Ninh, các đề tài, dự án khoa học mặc dù vẫn chủ yếu ở lĩnh vực nông lâm nghiệp, nhưng nhìn chung, các đề tài trong năm 2013 đã trải rộng trên nhiều lĩnh vực. Ví dụ như, trong lĩnh vực xã hội, ngành đã mạnh dạn nghiên cứu đề tài “Thực trạng và một số giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình”, lĩnh vực du lịch thì có đề tài “Nghiên cứu giải pháp phát triển du lịch văn hóa tâm linh tại một số địa bàn”. Có thể nói rằng, với sự đóng góp của mình, vai trò của KH&CN trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội chung của tỉnh ngày càng được khẳng định.
Năm 2014, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tỉnh giao, ngành KH&CN Lạng Sơn đã đặt ra một số mục tiêu cụ thể. Theo đó, Sở KH&CN sẽ triển khai nghiên cứu 20 đề tài, dự án khoa học. Trong đó, vẫn chú trọng tập trung vào nghiên cứu đề tài phục vụ phát triển nông lâm nghiệp. Tuy nhiên, các đề tài trong năm 2014 sẽ hướng đến việc ứng dụng, phát triển sản xuất nông lâm, thủy sản theo hướng hàng hóa. Đồng thời, các đề tài sẽ tập trung vào nghiên cứu các ứng dụng tiến bộ KH&CN trong chế biến, bảo quản nông, lâm sản đối với các sản phẩm đặc thù của tỉnh. Ngoài lĩnh vực này, ngành khoa học tỉnh sẽ tập trung nghiên cứu một số đề tài KH&CN phục vụ phát triển du lịch với định hướng chính là tôn tạo, nâng cao các di tích văn hóa – lịch sử, các lễ hội truyền thống.
Cùng với đó là nghiên cứu đề tài khoa học ứng dụng công nghệ tiên tiến trong công tác khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, ngành cũng sẽ tập trung nghiên cứu đề tài khoa học phục vụ phát triển giáo dục, y tế… Giám đốc Sở KH&CN Lạng Sơn cho biết, năm 2014, nhằm vực dậy nền kinh tế của tỉnh nói chung và các doanh nghiệp nói riêng, đơn vị sẽ tập trung một số đề tài trọng tâm, nghiên cứu về các giải pháp, ứng dụng công nghệ cao để áp dụng cho các doanh nghiệp. Đồng thời, ngành cũng sẽ dành một phần kinh phí khoa học để hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, áp dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại vào sản xuất, qua đó từng bước nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm của tỉnh nhà.
Với những mục tiêu đã vạch ra, năm 2014 chắc chắc sẽ là một năm bận rộn của ngành khoa học Lạng Sơn. Không chỉ nghiên cứu, ngành còn phải hình thành và nhân rộng những dự án, đề tài vào thực tiễn.
Ý kiến ()