Nghiên cứu giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa tâm linh
(LSO) – Vào dịp đầu năm, cuối năm và lễ hội xuân, có đến 60% du khách đến Lạng Sơn du lịch tâm linh. Đây là điều kiện thuận lợi để Lạng Sơn phát triển loại hình du lịch văn hóa tâm linh
Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có gần 400 cơ sở thờ tự tín ngưỡng dân gian như: đình, đền chùa, thánh thất và các cơ sở thờ tự khác. Cùng với hệ thống di tích và cơ sở thờ tự, trên địa bàn tỉnh còn có trên 300 lễ hội thuộc nhiều loại hình khác nhau, trong đó chủ yếu là lễ hội tín ngưỡng dân gian truyền thống. Hoạt động tại các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng dân gian phần nào đã đáp ứng nhu cầu tham quan, hưởng thụ văn hóa tâm linh của nhân dân trong và ngoài địa bàn… Hoạt động văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng đã góp phần động viên, khích lệ các tầng lớp nhân dân thực hiện nghĩa cử cao đẹp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tuy nhiên, các hoạt động này chưa thực sự được khai thác xây dựng thành các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh. Trong khi, thời gian gần đây loại hình này đang phát triển mạnh và mang về nguồn lợi nhuận lớn, tạo việc làm cho nhiều lao động. Từ thực tế đó, từ năm 2014 đến 2016, nhóm nghiên cứu do bà Trần Thị Bích Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Lạng Sơn làm trưởng nhóm đã triển khai thực hiện đề tài: Nghiên cứu giải pháp phát triển du lịch văn hóa tâm linh tại một số địa phương của tỉnh Lạng Sơn.
Qua nghiên cứu, tác giả đưa ra một số giải pháp phát triển văn hóa tâm linh trên địa bàn tỉnh như: phát triển dịch vụ và cơ sở vật chất, xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh, nguồn nhân lực, quảng bá, tổ chức quản lý, bảo tồn và phát huy…
Khách du lịch tham gia lễ hội đền Kỳ Cùng – Tả Phủ năm 2018
Trong các giải pháp, điều quan trọng là xây dựng các sản phẩm du lịch tâm linh. Trước hết là tập trung vào 39 điểm du lịch địa phương như: chùa Tam Thanh, Tam Giáo, chùa Thành, chùa Bắc Nga, đền Mẫu Đồng Đăng, đền Quỷ Môn, khu linh địa cổ Mẫu Sơn… Tăng cường gắn kết các địa phương trong việc hình thành các chương trình du lịch tâm linh, gắn du lịch tâm linh với các loại hình di tích khác nhằm tạo sự phong phú đa dạng của sản phẩm du lịch. Xây dựng các sản phẩm tạo sự thuận lợi, tiện nghi, thu hút sự tham gia trải nghiệm của khách tham quan như: nghi lễ thiền, ăn chay tại chùa, tình nguyện vì cộng đồng… Đặc biệt, chú trọng xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ tham quan, tìm hiểu, chiêm bái những giá trị tâm linh gắn với điểm du lịch.
Để du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh được đông đảo du khách biết đến thì công tác tuyên tryền, quảng bá cần được triển khai đồng bộ, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh dựa trên những đặc trưng riêng. Cùng đó, nâng cao nhận thức cho các cấp hoạch định đến người dân trên địa bàn tỉnh về tầm quan trọng của du lịch văn hóa tâm linh. Từ nhận thức, các cấp chính quyền và người dân cùng vào cuộc tuyên truyền, hỗ trợ du khách trong thời gian tham quan, trải nghiệm trên địa bàn tỉnh. Như vậy, du khách sẽ thường xuyên quay trở lại.
Công tác đầu tư tu bổ, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, hệ thống chùa, đình, đền cơ sở thờ tự cũng như hạ tầng tiếp cận điểm du lịch tâm linh cần được quan tâm. Các hướng dẫn viên hiện nay chủ yếu là người dẫn đường, yếu tố quan trọng là lịch sử, văn hóa các dân tộc… còn hạn chế. Chính vì vậy, hướng đào tạo cần mang tính chuyên sâu, có bài bản nhằm nâng cao kiến thức về các điểm du lịch tâm linh để truyền tải đến du khách. Cần có những khóa học ngắn hạn giúp hướng dẫn viên hoàn thiện kiến thức về dân tộc, văn hóa, lịch sử, địa lý, tôn giáo, tín ngưỡng, lịch sử các ngôi đền, chùa…
Ngoài ra, cần kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý nhà nước về du lịch và nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý trên địa bàn tỉnh để tăng cường hiệu quả công tác quản lý phát triển du lịch tâm linh. Tiếp tục duy trì và phát triển các nghi lễ sinh hoạt tâm linh có ý nghĩa tích cực, nghiên cứu sưu tầm, chọn lọc phục dựng và phát triển các nghi lễ truyền thống có tác dụng tích cực tới nhận thức của người dân và du khách.
Từ năm 2016 đến nay, nhóm nghiên cứu đã triển khai xây dựng các tờ rơi, tờ gấp thông tin về sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh. Cùng đó, phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông trung ương và trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền. Năm 2017, tổ chức hội thảo xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh về du lịch văn hóa tâm linh Lạng Sơn với thành viên là các giáo sư, tiến sỹ… về văn hóa tâm linh và đại diện các công ty du lịch. Cùng đó, xây dựng các tuyến du lịch văn hóa tâm linh đi tham quan các điểm trên địa bàn tỉnh. Hiện nhóm đang xây dựng thuyết minh và đề nghị UBND công nhận 39 điểm du lịch tâm linh tại 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Nhờ triển khai các biện pháp phát triển du lịch văn hóa tâm linh, giai đoạn 2016-2018 lượng du khách đến với Lạng Sơn tăng từ 10% đến 12%/năm
Ý kiến ()