Nghiên cứu định kiến về giới: Thực trạng và giải pháp thiết thực
(LSO) – Trong môi trường học đường, định kiến về giới vẫn âm thầm tồn tại và phát triển, nó chi phối nhận thức, thái độ và hành vi của học sinh. Nhằm xóa bỏ định kiến về giới, nhóm nghiên cứu Trường Trung học phổ thông (THPT) chuyên Chu Văn An đã có những giải pháp cụ thể, thiết thực.
Từ tháng 6/2017 đến tháng 3/2018, nhóm nghiên cứu gồm các tác giả: Nguyễn Hải Chi, lớp 10 chuyên toán; Nguyễn Thùy Linh, lớp 12 chuyên văn, Trường THPT Chuyên Chu Văn An, thành phố Lạng Sơn triển khai đề tài “Bước đầu nghiên cứu định kiến về giới của học sinh THPT trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”.
Học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Cao Lộc tham gia hội thi ẩm thực
Khảo sát 1.200 học sinh tại 5 trường THPT trên địa bàn tỉnh cho thấy: các em đã định hình rất rõ những tố chất mà giới mình cần có. Cụ thể như: mạnh mẽ là tố chất đầu tiên cần có ở nam giới, tiếp theo là tự tin, quyết đoán, độc lập trong khi tố chất tình cảm, nhẹ nhàng lại bị xem nhẹ. Các em cũng cho rằng tinh tế là điều cần có đầu tiên ở nữ giới; tố chất mạnh mẽ, tự tin chiếm tỷ lệ thấp.
Do quan niệm học sinh nam có khả năng lãnh đạo tốt hơn nên tỷ lệ nam làm cán bộ lớp cao hơn ở tất cả các khối lớp. Một thực trạng đáng lo ngại là học sinh nam không muốn làm những nghề mà các em cho đó là nghề của phái yếu, học sinh nữ cũng không chấp nhận bạn nam làm công việc của phái yếu.
Qua đó cho thấy, nhận thức của học sinh THPT trên địa bàn tỉnh về đặc điểm, vai trò, vị trí, năng lực của giới còn lệch lạc và chưa đầy đủ. Thái độ đối xử của bản thân với bạn khác giới có biểu hiện cực đoan. Định kiến về giới của học sinh chi phối việc chọn bạn, chọn nghề, sở thích cũng như hành vi, lời nói…
Giải quyết vấn đề này, nhóm nghiên cứu thí điểm một số giải pháp gồm truyền thông trực tiếp và gián tiếp tại 3 trường: THPT Dân tộc nội trú tỉnh; THPT Pắc Khuông, huyện Bình Gia; THPT Đồng Đăng, huyện Cao Lộc với 540 học sinh tham gia.
Triển khai truyền thông trực tiếp, nhóm xây dựng chương trình sinh hoạt dưới cờ với nội dung cung cấp kiến thức cơ bản về định kiến giới, cách xóa bỏ định kiến giới trong nhà trường, phòng chống bạo lực học đường, xử lý tình huống, tổ chức trò chơi và giải đáp các thắc mắc của học sinh. Đồng thời, tổ chức diễn đàn “định kiến giới – rào cản cần xóa bỏ trong học đường” nhằm tạo cơ hội cho học sinh bộc lộ quan điểm và suy nghĩ của mình về giới; diễn thuyết xóa bỏ định kiến về giới trong trường học và nâng cao hiệu quả của phòng tư vấn tâm lý học đường.
Bên cạnh những giải pháp trực tiếp, nhóm còn triển khai các biện pháp gián tiếp như: thiết kế tờ rơi chứa các thông tin cơ bản về định kiến giới; thiết kế thẻ thông minh giúp nhận diện sự tồn tại của định kiến về giới trong học đường, cung cấp kỹ năng xử lý tình huống về định kiến giới. Đặc biệt, tạo fanpage trên mạng xã hội Facebook để học sinh tiếp nhận thông tin và bày tỏ quan điểm. Đi đôi với đó, xây dựng cuốn cẩm nang định kiến về giới của học sinh THPT và bộ móc chìa khóa truyền thông điệp của dự án và những phong cảnh đẹp của Lạng Sơn.
Em Nguyễn Hải Chi – thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: Chúng em đã thực hiện 19 hoạt động truyền thông trực tiếp tại các trường. Sau khi trải nghiệm các hoạt động, 60,1% học sinh cảm thấy hứng thú với những giải pháp mà nhóm đưa ra; 48% hiểu rõ biểu hiện của định kiến về giới. Khi chương trình thực nghiệm kết thúc, 56,67% không còn định kiến về giới mình và giới khác; 67% nhận thức rõ sự nguy hại cũng như tính cấp thiết của việc xóa bỏ định kiến về giới trong môi trường học đường.
Với những ý nghĩa thiết thực, dự án đã giành giải khuyến khích Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc năm 2018.
Có thể thấy, với những giải pháp mà nhóm nghiên cứu đưa ra, khi áp dụng vào thực tiễn sẽ góp phần cải thiện định kiến về giới. Cách làm trên nên sớm được áp dụng trong các trường học nhằm nâng cao hiểu biết và từng bước thay đổi nhận thức của các em về định kiến giới.
Ý kiến ()