Nghiên cứu, đề xuất biểu giá bán lẻ điện phù hợp đại bộ phận khách hàng
Theo đó, ngày 2-5, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1114/QĐ-BCT về việc kiểm tra tình hình thực hiện Quyết định 648 từ ngày 8 đến 10-5. Thành phần đoàn kiểm tra gồm đại diện: Bộ Tài chính, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, Ủy ban T.Ư Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Kết quả kiểm tra như sau: trong tháng 4, nền nhiệt độ ở cả ba miền đều tăng cao, đặc biệt là khu vực miền bắc và miền nam. Nhiệt độ trung bình toàn quốc tháng 4 tăng 16% so với tháng 3-2019; đây là nguyên nhân chính dẫn đến nhu cầu phụ tải điện toàn quốc và ở cả ba miền trong tháng 4 tăng cao hơn so tháng 3 và cùng kỳ năm 2018. Theo báo cáo của EVN, trong tháng 4 năm 2019, tổng điện năng thương phẩm tăng 10,26% so cùng kỳ năm 2018 và 14,23% so tháng 3-2019. Trong đó phụ tải quản lý, tiêu dùng (bao gồm sinh hoạt) tăng 14,15% so với cùng kỳ năm 2018 và tăng 21,03% so tháng 3.
Theo số liệu từ phần mềm hệ thống thông tin quản lý khách hàng (CMIS) của EVN, phần lớn khách hàng sinh hoạt trên cả nước ngay trong tháng 4 nắng nóng cũng chỉ sử dụng điện dưới 200 kW giờ/tháng. Cụ thể tháng 4-2019 số lượng khách hàng sinh hoạt dưới 200 kW giờ/tháng chiếm tỷ lệ 68,15%, trong đó với mức sử dụng điện dưới 100 kW giờ/tháng chiếm tỷ lệ 31,6%. Trong khi đó số lượng khách hàng sử dụng điện trên 200kW giờ/tháng chỉ chiếm tỷ lệ 31,85%.
Kết quả kiểm tra thực tế công tác niêm yết công khai giá điện mới theo Quyết định 648 đã được các đơn vị thực hiện đúng quy định tại Điều 6 Luật Giá, bảo đảm thông tin về việc điều chỉnh giá điện đến các khách hàng kịp thời. Công tác ghi chỉ số đồng hồ đo điện (ĐHĐĐ), chốt chỉ số, tính tiền điện (trong tháng thay đổi giá), áp giá bán lẻ điện và thanh toán tiền điện được các đơn vị thực hiện đúng quy trình kinh doanh của EVN, tuân thủ theo Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21-10-2013 của Chính phủ về ghi chỉ số ĐHĐĐ, thanh toán tiền điện và Thông tư số 16/2014/TT-BCT ngày 29-5-2014 của Bộ Công thương.
Qua kiểm tra thực tế cho thấy, hoá đơn tiền điện (HĐTĐ) của nhiều khách hàng sinh hoạt trong tháng 4 tăng là do ba nguyên nhân: sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao; tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36%; kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 4 là 31 ngày, dài hơn ba ngày so kỳ ghi chỉ số ĐHĐĐ của tháng 3. Kiểm tra thực tế việc chốt chỉ số ĐHĐĐ, phát hành HĐTĐ tại một số khách hàng sử dụng điện sản xuất lớn cho thấy các Tổng công ty Điện lực và Công ty Điện lực đã thực hiện đúng quy định. Các Trung tâm chăm sóc khách hàng của các Tổng công ty Điện lực và Công ty Điện lực, các đơn vị đã chuẩn bị kỹ càng, có kế hoạch đầy đủ cho việc giải đáp thắc mắc của khách hàng sử dụng điện. Kết quả thực tế xử lý tại các cuộc gọi kiếm tra xác suất, các khách hàng đều hài lòng, đồng ý với kết quả giải quyết.
Theo thống kê của EVN từ số liệu phần mềm quản lý chăm sóc khách hàng, từ ngày 20-3 đến ngày 4-5, toàn Tập đoàn tiếp nhận và giải đáp 71.504 yêu cầu của khách hàng liên quan HĐTĐ. Trong đó có 14.541 kiến nghị của khách hàng, chiếm tỷ lệ gần 20% thắc mắc về chỉ số ĐHĐĐ, HĐTĐ. Các thắc mắc của khách hàng đã được trả lời 100%, các khách hàng đều hài lòng, đồng ý với kết quả giải quyết.
Số liệu thống kê cũng cho thấy tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mặc dù sản lượng điện và số lượng khách hàng sử dụng điện ở bậc thang cao (trên 200 kW giờ/tháng) cao hơn bình quân cả nước và HĐTĐ cao hơn nhưng số lượng kiến nghị về chỉ số, HĐTĐ ít hơn nhiều so với các khách hàng ở các tỉnh, thành phố còn lại. Thay vào đó, số lượng khách hàng chủ động truy cập vào các trang mạng của các Trung tâm Chăm sóc khách hàng đế tìm hiểu các thông tin về quy định giá điện, tra cứu chỉ số ĐHĐĐ trong kỳ thay đổi giá điện lại tăng lên nhiều. Công tác phúc tra đã được các đơn vị thực hiện đúng quy định và đầy đủ 100% các khách hàng có sản lượng tăng từ 1,5 lần trở lên đến hai lần. Các đơn vị đã xây dựng kế hoạch truyền thông và thực hiện triển khai tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức khác nhau các nội dung về giá điện và sử dụng điện cho khách hàng sử dụng điện.
Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục thực hiện đôn đốc các đơn vị thực hiện Quyết định số 648/QĐ-BCT, cụ thể: phối hợp với Bộ, ngành liên quan cung cấp thông tin chính thống, kịp thời cho các cơ quan thông tấn báo chí để có thông tin chính thức về các nội dung thắc mắc về điều chỉnh, áp dụng giá bán lẻ điện. Chỉ đạo EVN thống kê chi tiết thực tế sử dụng điện của các khách hàng sinh hoạt trên cả nước từ đó nghiên cứu, đề xuất biểu giá bán lẻ điện phù hợp đại bộ phận khách hàng sử dụng điện trên cả nước, đồng thời khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trong khi vẫn phải bảo đảm các mục tiêu về an sinh xã hội, báo cáo Bộ Công thương tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan, chỉ đạo EVN đánh giá tác động gián tiếp của việc điều chỉnh giá điện ngày 20-3 đến kinh doanh, sản xuất của các khách hàng ngoài sinh hoạt và đời sống nhân dân. Chỉ đạo EVN khắc phục một số thiếu sót; nghiên cứu thay đổi thiết kế của HĐTĐ cho khách hàng sinh hoạt để khách hàng dễ theo dõi kiểm tra, đặc biệt trong tháng có thay đổi giá điện phải áp dụng phương pháp nội suy. Triển khai thực hiện lộ trình thay thế ĐHĐĐ cơ bằng ĐHĐĐ điện tử cho khách hàng sinh hoạt theo kế hoạch đã được Bộ phê duyệt.
Để thực hiện tốt chủ trương điều hành giá điện của Chính phủ, từng bước lành mạnh hoá tình hình tài chính của ngành điện, hướng tới thị trường điện lực cạnh tranh, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:
Thực tế kiểm tra của Bộ Công thương cho thấy số lượng các khách hàng có địa chỉ cụ thể thắc mắc trên các phương tiện thông tin đại chúng không nhiều, và đều đã được giải đáp đầy đủ. Vì vậy, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo chí thực hiện công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ trong việc điều chỉnh giá điện; phản ánh chính xác, khách quan, không đưa thông tin trái chiều về giá điện; có biện pháp chấn chỉnh hoặc xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về đợt điều chỉnh giá điện vừa qua nhằm kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội.
Bộ Công thương với chức năng quản lý nhà nước về ngành điện sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu biểu giá điện bậc thang đối với các khách hàng điện sinh hoạt hướng tới mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ; tiếp tục chương trình khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả…
Theo Nhandan
Ý kiến ()