Nghiên cứu đặc điểm sâu, bệnh hại: Tìm giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng hồi
(LSO) – Toàn tỉnh Lạng Sơn có trên 33.000 ha hồi, đây là cây trồng đem lại nguồn thu trên 600 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, tình trạng sâu, bệnh thường xuyên ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng hồi, chính vì vậy cần thiết phải nghiên cứu đặc điểm sâu bệnh từ đó, đưa ra các biện pháp phòng trừ.
Những năm gần đây bệnh rụng lá và sâu đục ngọn trên cây hồi phát triển mạnh có nguy cơ bùng phát thành dịch. Cụ thể như năm 2015 có đến 500 ha rừng hồi của các huyện: Văn Quan, Văn Lãng, Bình Gia, Chi Lăng, Cao Lộc mắc bệnh rụng lá và sâu đục ngọn. Sâu, bệnh hại hồi phát tán nhanh gây thiệt hại lớn cho cây hồi như giảm năng suất, không ra quả, chết hàng loạt nếu không phòng trừ kịp thời. Mặc dù cơ quan chuyên môn đã triển khai biện pháp hóa học phòng trừ, nhưng hiệu quả chưa cao.
Để có cơ sở về đặc điểm sinh học, sinh thái của loài gây hại từ đó đưa ra biện pháp phòng chống hữu hiệu nhóm nghiên cứu do kỹ sư Hoàng Thị Ái, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh làm trưởng nhóm đã triển khai đề tài “Nghiên cứu đề xuất các biện pháp quản lý bệnh rụng lá và sâu đục ngọn hại hồi theo hướng bền vững tại tỉnh Lạng Sơn”. Đề tài được triển khai từ năm 2016 đến 2019.
Người dân xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng phun thuốc trừ nấm thán thư trên cây hồi
Tiến hành điều tra, thu thập mẫu sâu, nhóm nghiên cứ xác định được 2 loại sâu đục ngọn trên cây hồi: loài 1 thuộc họ vòi voi curculionnidae, bộ cánh cứng coleoptera; loài 2 thuộc bộ cánh vảy lepidoptera. Vòng đời sâu đục ngọn từ 150 – 180 ngày. Sâu trưởng thành có thời gian sống từ 3 – 5 tháng, 1 sâu trưởng thành có thể đẻ từ 50 – 60 trứng. Cả sâu non và sâu trưởng thành đều phá hoại hồi. Sâu non đục ngọn hồi từ trên búp xuống phía dưới gốc, sâu trưởng thành ăn vỏ non xung quanh ngọn hồi. Sâu đục ngọn xuất hiện và gây hại chủ yếu từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 5 hằng năm, đây là thời điểm cây hồi bắt đầu ra lộc non cho đến khi kết thúc đợt lộc non thứ nhất.
Nghiên cứu tác nhân gây bệnh rụng lá trên cây hồi, nhóm nghiên cứu thu thập 50 mẫu để kiểm tra. Qua đó, xác định bệnh rụng lá là do nấm thán thư gây ra. Bệnh thán thư chủ yếu tập trung vào giai đoạn nóng ẩm xen kẽ và ở những vị trí có địa hình cao. Bệnh rụng lá trên cây hồi phát sinh từ đầu tháng 8 và tăng mạnh vào tháng 10, thời điểm xảy ra hiện tượng nóng ẩm và có sương mù. Những cây hồi bị nhiễm bệnh thán thư đều bị rụng lá, sau đó khô cành.
Bà Hoàng Thị Ái, Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Khó khăn khi triển khai đề tài này nhóm nghiên cứu phải thu thập rất nhiều mẫu từ những rừng hồi khác nhau, trên cơ sở phân tích các mẫu sâu bệnh mới đưa ra kết luận chính xác. Hơn nữa, sâu đục ngọn xuất hiện vào đầu năm nhưng bệnh rụng lá lại xuất hiện vào cuối năm nên nhóm phải đi lại rất nhiều lần để thu thập được mẫu sâu bệnh và đảm bảo tiến độ đề ra.
Với bệnh sâu đục ngọn nhóm đang tiến hành thí nghiệm nghiên cứu phòng chống bằng biện pháp lâm sinh, sinh học và hóa học để xây dựng quy trình đồng bộ phòng, chống sâu bệnh hại hồi.
Để bảo vệ rừng hồi trước bệnh thán thư gây hại, nhóm nghiêm cứu đã tìm ra một số giải pháp như: cắt tỉa cành lá, vệ sinh vườn hồi sau khi thu hoạch điều này tạo không gian thông thoáng giúp không khí lưu thông tốt giảm bớt sự ẩm ướt như vậy góp phần hạn chế nấm thán thư sinh sôi. Cùng với đó, thường xuyên gom đốt lá, mảnh thực vật dưới gốc cây hồi để nấm không có nơi trú ẩn qua mùa đông. Đặc biệt, tiến hành phòng trừ bệnh rụng bằng biện pháp hóa học có sử dụng các loại thuốc như: Antracol 70WP, Tilt Super 300EC, Amistar top 325EC. Qua thử nghiêm thực tế cho thấy hiệu quả phòng trừ bệnh rụng lá lên đến 75% so với công thức đối chứng.
Qua nghiên cứu nhóm đã tìm ra các đặc điểm của bệnh rụng lá, sâu đục ngọn trên cây hồi như nguyên nhân gây bệnh, thời điểm phát sinh, các giai đoạn sinh trưởng và phát triển của sâu bệnh… Trên cơ sở đó, đã xác định được một số giải pháp để phòng trừ hiệu quả. Hồi là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh, mong rằng những kết quả của nhóm nghiên cứu sẽ sớm được áp dụng vào thực tiễn, giúp người dân phòng trừ sâu bệnh hại hồi.
Ý kiến ()