Nghiên cứu cuộc khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh: Khẳng định và lưu giữ giá trị lịch sử dân tộc
– Cuộc khởi nghĩa do thủ lĩnh Hoàng Đình Kinh khởi xướng và chỉ huy cuối thế kỷ 19 có ảnh hưởng nhất định đối với phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân ta. Tuy nhiên, tư liệu về cuộc khởi nghĩa của Hoàng Đình Kinh cũng như những công trình viết về ông còn rất hiếm, nhiều chi tiết lịch sử chưa được sáng tỏ và cần phải nghiên cứu để đánh giá đúng và tôn vinh những công trạng của ông cùng nghĩa quân với quê hương, đất nước. Vì vậy, việc nghiên cứu về cuộc khởi nghĩa này góp phần khẳng định và lưu giữ giá trị lịch sử dân tộc.
Nghiên cứu sâu rộng
Hoàng Đình Kinh là người dân tộc Tày, quê ở làng Thương, tổng Thuốc Sơn, châu Hữu Lũng, nay thuộc xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Thân phụ ông tên là Hoàng Đình Khoa, thân mẫu là Trần Thị Nhiễu. Nhờ có tiền của và tháo vát, ông Hoàng Đình Khoa được làm cai tổng Tổng Thuốc Sơn phụ trách 36 trang trại nên nhân dân còn gọi là ông Cai Quản. Hoàng Đình Kinh khi nhỏ được đi học chữ Hán, khi bố mất, ông được thay làm cai tổng nên còn được gọi là Cai Kinh. Về sau vì có công đánh dẹp thổ phỉ, ông được triều đình thăng tri huyện Hữu Lũng.
Năm 1882, thực dân Pháp tiến đánh Bắc Kỳ lần thứ hai, chiếm Hà Nội và một số tỉnh; triều đình Huế đầu hàng thực dân Pháp bằng việc ký điều ước 1883, rồi sau đó điều ước 1884. Ông Cai Kinh không chịu theo lệnh triều đình bãi binh chống Pháp mà hưởng ứng lời kêu gọi của một số quan lại chủ chiến các tỉnh như: Lã Xuân Oai, Nguyễn Văn Giáp, Nguyễn Thiện Thuật tiếp tục chống Pháp. Năm 1885, khi vua Hàm Nghi xuất chiếu Cần Vương kêu gọi toàn dân kháng chiến, ông tổ chức nghĩa quân chống Pháp ở vùng núi Cai Kinh, mãi đến cuối năm 1888, khi ông mất, phong trào mới bị dập tắt.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Viết Nghĩa, Trưởng Phòng Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề án nêu kết luận, đánh giá đề tài nghiên cứu khoa học về Hoàng Đình Kinh (tháng 9/2021)
Được sự đồng ý của UBND tỉnh Lạng Sơn, từ năm 2013 đến nay, đã có một số cuộc hội thảo, công trình nghiên cứu được tiến hành nhằm làm rõ một số vấn đề xoay quanh nhân vật lịch sử này. Điển hình như: Hội thảo khoa học các tư liệu, bài viết thân thế – sự nghiệp của Hoàng Đình Kinh được tổ chức vào tháng 4/2013, tại xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng; Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Lạng Sơn tổ chức 2 cuộc hội thảo khoa học nghiên cứu về cuộc khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh vào tháng 3, tháng 7/2021 và đáng chú ý nhất là thực hiện đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh nghiên cứu về ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân ta.
Ông Nguyễn Quang Huynh, Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu “Ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân ta” cho biết: Nhóm thực hiện đề tài có 9 người. Từ tháng 7/2020 đến tháng 12/2021, nhóm đã tiến hành sưu tầm, thu thập tư liệu, tài liệu phục vụ nghiên cứu từ các sách, báo, tạp chí, công trình nghiên cứu, các bài tham luận khoa học nói về cuộc khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh của các tác giả trong và ngoài nước (Pháp, Trung Quốc) từ thời thuộc Pháp đến nay; các tư liệu lịch sử được lưu trữ tại các khối tài liệu Châu bản triều Nguyễn và Nha Kinh lược Bắc Kỳ; điền dã, điều tra thực tế, thu thập tư liệu tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trong, ngoài tỉnh và các cơ quan chức năng Trung ương. Đồng thời, tổ chức 2 cuộc hội thảo khoa học thu hút nhiều nhà nghiên cứu khoa học của địa phương, tỉnh bạn và trung ương tham gia.
Tiến sĩ Hoàng Văn Páo, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lạng Sơn cho biết: Qua nghiên cứu các tư liệu lịch sử đã cho thấy vai trò thủ lĩnh của Hoàng Đình Kinh đối với nghĩa quân Cai Kinh trong phong trào chống giặc giữ nước. Đây là một trong những đội quân địa phương chống Pháp khá mạnh ở vùng Bắc Giang – Lạng Sơn thời kỳ bấy giờ. Đội ngũ của nghĩa quân chặt chẽ, có kỷ luật nghiêm minh. Đội quân này biết dựa vào núi rừng hiểm trở để xây dựng căn cứ và tiến hành chiến tranh du kích, vì vậy đã có đóng góp nhất định vào phong trào chống Pháp ở vùng Đông Bắc Bắc Kỳ lúc đó.
Qua các tư liệu lịch sử, các nhà nghiên cứu đã làm rõ được ảnh hưởng của Hoàng Đình Kinh và vị thế của nghĩa quân Cai Kinh trong cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Với việc chọn đóng quân ở những địa thế hiểm trở đã giúp nghĩa quân của ông Cai Kinh tổ chức chống Pháp lâu dài. Nghĩa quân của ông từ căn cứ tỏa ra đánh địch ở các nơi, chủ yếu là công đồn, phục kích những toán quân lẻ hoặc chặn đánh những đoàn binh lương vũ khí của địch và gây cho chúng nhiều tổn thất. Đáng chú ý là trận đánh của Cai Bình (tướng tâm phúc của Cai Kinh) chống lại toán quân của trung tá Godard ngày 26/12/1885, hay các trận diệt đồn làng Chiễng (nay là xã Mai Sao, huyện Chi Lăng) vào cuối tháng 4/1886; trận vây đồn Than Muội tháng 5/1886…
Ý nghĩa lịch sử và giá trị tuyên truyền
Các cuộc hội thảo, nghiên cứu về ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh đã cho thấy nỗ lực, tâm huyết của những người tham gia nghiên cứu với mong muốn thông qua những nghiên cứu được công nhận sẽ trở thành tài liệu có giá trị lịch sử và lưu giữ, tuyên truyền cho Nhân dân thêm hiểu biết về thủ lĩnh Hoàng Đình Kinh, có cái nhìn toàn diện về lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc.
Nòng súng hỏa mai – nghĩa quân Cai Kinh dùng để đánh Pháp ở Hữu Lũng, Lạng Sơn năm 1880
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Viết Nghĩa, Trưởng Phòng Tạp chí Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Được giao trách nhiệm là Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề án cấp cơ sở đề tài khoa học “Ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của Nhân dân ta” vào tháng 10/2021 vừa qua, tôi cho rằng đây là đề tài nghiên cứu có ý nghĩa của các nhà nghiên cứu tỉnh Lạng Sơn. Từ những tập tài liệu dày dặn, công phu đã cho ra những nghiên cứu quý giá với các báo cáo chuyên đề, 1 dự thảo cuốn sách có giá trị lịch sử. Nếu những nghiên cứu này tiếp tục được nghiệm thu ở hội đồng cấp tỉnh sẽ là cơ sở để tỉnh Lạng Sơn tiến hành những công việc tiếp theo trong việc tuyên truyền, quảng bá về người anh hùng này.
Bà Linh Thị Đào, người dân xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng cho biết: Khi biết các nhà nghiên cứu của tỉnh đang thực hiện đề tài tìm hiểu về ông Hoàng Đình Kinh, người dân địa phương chúng tôi rất vui, tự hào và mong sớm có thành quả, đề tài được công nhận, sách viết về ông được in ấn, phát hành để không chỉ lưu giữ lịch sử mà còn có giá trị cho chúng ta và thế hệ sau tìm hiểu, phục vụ công tác tuyên truyền chung.
Tiến sĩ Hoàng Văn Páo, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lạng Sơn – đơn vị chủ trì thực hiện đề tài nghiên cứu cho biết: Mặc dù không có nhiều thời gian và ảnh hưởng do dịch COVID-19 nhưng nhóm nghiên cứu đã nỗ lực thực hiện được 6 báo cáo chuyên đề và 1 bản thảo cuốn sách có tựa đề: “Cuộc khởi nghĩa Hoàng Đình Kinh (1882-1888)”. Hiện nay, các báo cáo đề tài để chuẩn bị cho cuộc bảo vệ cấp tỉnh đã hoàn tất và gửi đến Hội đồng thẩm định cấp tỉnh. Việc đề tài được nghiệm thu sẽ giúp cho những nỗ lực của các nhà nghiên cứu được đền đáp và có giá trị lưu giữ với lịch sử dân tộc. Qua nghiên cứu, nhóm nghiên cứu của tỉnh Lạng Sơn kiến nghị, đề xuất với các ngành, đơn vị chuyên môn Trung ương xem xét, đánh giá vai trò, vị trí, ý nghĩa cuộc khởi nghĩa và thủ lĩnh Hoàng Đình Kinh, trên cơ sở đó bổ sung chỉnh lý nội dung cuộc khởi nghĩa vào phần lịch sử cận đại Việt Nam, bổ sung vào sách giáo khoa giảng dạy trong các nhà trường và chỉnh lý những nhầm lẫn, sai sót trong các tài liệu, ấn phẩm đã viết chưa đúng về cuộc khởi nghĩa…
Lời kết
Tưởng nhớ công lao của Hoàng Đình Kinh, Nhân dân địa phương đã lấy tên ông đặt cho dãy núi đá vôi vùng Hữu Lũng, Chi Lăng là dãy Cai Kinh. Với những công lao to lớn và vai trò ảnh hưởng rộng của Hoàng Đình Kinh trên địa bàn 2 tỉnh: Bắc Giang và Lạng Sơn, ảnh hưởng lớn tới cuộc khởi nghĩa Yên Thế; cùng với nghiên cứu của các nhà khoa học, tỉnh Lạng Sơn đã, đang và tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hồ sơ di tích về Hoàng Đình Kinh để trình nâng cấp xếp loại di tích cấp quốc gia. Đây là việc làm thể hiện sự khẳng định và tôn vinh đúng mức công trạng của Hoàng Đình Kinh với đất nước và quê hương Xứ Lạng.
Hiện nay, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang lưu giữ 2 hiện vật có gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của nghĩa quân Hoàng Đình Kinh ở vùng Bắc Giang- Lạng Sơn từ năm 1880-1888. Trong hồ sơ văn vật hiện đang lưu trữ tại phòng Quản lý hiện vật có ghi chép, gồm: 1. Nòng súng hỏa mai: SĐK 8437/ KL1006, chất liệu sắt, kích thước dài 1,37 m. 2. Nỏ: SĐK 405/ĐM62, chất liệu gỗ, kích thước: thân dài 0,85 m, cán dài 1,24 m. |
Ý kiến ()