Nghiên cứu chế biến sâu đất hiếm, tăng cường đấu giá quyền khai thác khoáng sản
Khai thác cát biển để làm vật liệu xây dựng; quản lý, đánh giá trữ lượng nguồn đất hiếm; quy định đấu giá quyền khai thác khoáng sản; xử lý việc khai thác tài nguyên trái phép… là những vấn đề được đại biểu quan tâm, chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh tại phiên chất vấn sáng 4/6.
Các giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng, tài nguyên, khoáng sản quý hiếm đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời cụ thể.
Đánh giá tác động môi trường kỹ lưỡng khi khai thác cát biển
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) cho biết để giải quyết khó khăn về nguồn nguyên vật liệu khoáng sản san lấp công trình, Quốc hội đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để giải quyết. Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ, bà Đặng Bích Ngọc đề nghị Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường cho biết sẽ luật hóa nội dung này thế nào?
Bộ trưởng khẳng định, cơ chế đặc thù của Quốc hội đã được triển khai rất hiệu quả. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng ban hành các hướng dẫn về cấp vật liệu xây dựng này cho các dự án và đến nay tiến độ của các dự án đều vượt chỉ tiêu.
Theo Luật hiện hành, đối với các vật liệu san lấp, quy trình để cấp mỏ cũng giống các kim loại quý, có nghĩa là quy trình chưa được phân loại, phân nhóm. Để xử lý vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan soạn thảo trình Chính phủ trình Quốc hội Luật Địa chất và Khoáng sản, trong đó đã phân loại bốn nhóm khoáng sản: kim loại quý, vật liệu xây dựng cao cấp, vật liệu xây dựng thông thường và vật liệu đất đá sỏi. Trong đó, vật liệu đất đá sỏi sẽ được phân cấp cho các địa phương và không phải cấp phép mỏ, chỉ cần đăng ký, sau đó nộp nghĩa vụ thuế theo quy định.
Đối với chất vấn của đại biểu về phương án sử dụng cát biển, Bộ trưởng cho biết, việc sử dụng vật liệu cát cho các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là đường cao tốc rất khó khăn. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bộ ngành liên quan nghiên cứu sử dụng cát biển. Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ đánh giá trữ lượng khu vực để lấy cát biển.
Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thành đánh giá trữ lượng khu vực Sóc Trăng, với trữ lượng có thể lấy ngay là 145 triệu mét khối. Bộ khuyến cáo chỉ nên khai thác ở độ sâu 2 m để giảm tác động đến môi trường.
Làm rõ hơn vấn đề sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng đã xây dựng và ban tương đối đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn hướng dẫn kỹ thuật cũng như là các định mức kinh tế - kỹ thuật về xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao làm nguyên liệu để sản xuất vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng.
Đối với cát nhiễm mặn, Bộ Xây dựng cũng đã xây dựng và ban hành tiêu chuẩn về cát nhiễm mặn cho bê tông và vữa cũng như là ban hành cấp phối, tái chế chất thải rắn, xây dựng để làm móng đường giao thông, đô thị. Riêng đối với cát nhiễm mặn làm vật liệu san lấp đường giao thông hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông vận tải chủ trì xây dựng Đề án nghiên cứu đánh giá cũng như thí điểm sử dụng cát biển để đắp nền đường.
Trước băn khoăn của đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn về tác động của việc khai thác cát biển đối với bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học biển, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, Nghị quyết số 36 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ, việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển phải đảm bảo được yêu cầu bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Bộ trưởng cho rằng, biển là một thể thống nhất, việc khai thác sử dụng tài nguyên biển thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, các dự án đầu tư về du lịch, công nghiệp, đô thị dọc bờ biển đều cần đánh giá tác động môi trường thật kỹ lưỡng, đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường biển, hệ sinh thái biển, vận tải biển, hàng hải, nuôi trồng thủy hải sản.
Nghiên cứu chế biến sâu đất hiếm
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) về khai thác đất hiếm, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Việt Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản trữ lượng lớn như bauxite khoảng 5,8 tỷ tấn, titan khoảng hơn 600 triệu tấn, đất hiếm khoảng 20,7 triệu tấn. Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam có trữ lượng khoáng sản tương đối lớn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai Đề án điều tra cơ bản, sau khi hoàn thành sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng cũng khẳng định quan điểm: việc khai thác, chế biến cần được nghiên cứu một cách tổng thể, đánh giá chính xác trữ lượng, từ đó tính toán việc đến chế biến sâu, chế biến tinh, phục vụ cho các ngành công nghiệp Việt Nam, nhất là công nghiệp chip, bán dẫn, hướng tới xuất khẩu, thu hút đầu tư, liên doanh, chuyển giao công nghệ.
Trong quá trình này các địa phương có tiềm năng như Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai… phải tăng cường quản lý, tránh việc khai thác bừa bãi, buôn bán trái phép.
Nêu vấn đề công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những giải pháp nhằm hạn chế khai thác tài nguyên trái phép và an ninh môi trường, đại biểu Lý Văn Huấn (đoàn Thái Nguyên) đặt câu hỏi: "Bộ luật Hình sự đã quy định về khai thác tài nguyên trái phép và gây ô nhiễm môi trường. Vậy qua thanh tra, kiểm tra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị xử lý như thế nào, đặc biệt là các vụ việc có dấu hiệu hình sự? Giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới về công tác thanh tra ra sao?".
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, hoạt động khai thác khoáng sản được phân cấp quản lý đến từng địa phương.
Năm qua, Bộ có 12 cuộc thanh tra, 4 cuộc kiểm tra chấp hành về khoáng sản, phát hiện 258 tổ chức, cá nhân vi phạm. Các đơn vị sau đó ban hành 258 quyết định xử phạt hành chính với số tiền hơn 30 tỷ đồng.
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường thấy rằng các chủ dự án về mỏ có một số vi phạm như: khai thác vượt quá công suất cho phép, khai thác ra ngoài ranh giới, không đảm bảo điều kiện về bảo vệ môi trường. Quan điểm của Bộ là sẽ xử lý nghiêm sai phạm này. "Sai phạm về khoáng sản hoặc các tài nguyên khác có tính liên tục, Bộ sẽ chuyển sang cơ quan điều tra xử lý tiếp", Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho hay.
Theo Bộ trưởng, đội ngũ thanh tra tài nguyên đều giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, từ đó, phối hợp cùng Bộ Công an và các địa phương xử lý nghiêm vi phạm trong khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng.
Quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí đấu giá quyền khai thác các mỏ khoáng sản
Về quản lý các mỏ hết thời gian cho phép khai thác theo giấy phép, Bộ trưởng cho biết, thời gian cấp phép mỏ tối đa là 30 năm, các mỏ được phép gia hạn nhiều lần, tổng thời gian không quá 20 năm, nghĩa là tuổi thọ của một mỏ theo luật là 50 năm. Như vậy, trường hợp các mỏ sau khi khai thác 30 năm mà đang còn trữ lượng, chủ mỏ đã thực hiện đầy đủ, bài bản các giấy tờ thủ tục, thực hiện đúng nghĩa vụ thuế với Nhà nước, nghĩa vụ bảo vệ môi trường, trước khi hết hạn 45 ngày, chủ mỏ cần làm hồ sơ đề xuất để xin gia hạn. Các cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét hồ sơ để quyết định việc tiếp tục giao mỏ theo quy định.
Chất vấn về việc tại sao nhiều mỏ khoáng sản được cấp phép không qua đấu giá, theo đại biểu Trần Hữu Hậu (Phó tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam), Bộ Tài nguyên Môi trường đã cấp 441 giấy phép khai thác, nhưng chỉ có 10 khu vực thông qua đấu giá. UBND các tỉnh, thành phố cấp khoảng 3.000 giấy phép, trong đó chỉ có 827 khu vực thông qua đấu giá. Giá sau đấu giá tăng 20-40 % so với mức khởi điểm. Ông Trần Hữu Hậu đề nghị Bộ trưởng cho biết tại sao tỷ lệ khu vực cấp phép khai thác khoáng sản thông qua đấu giá lại thấp dù hiệu quả cao hơn?
"Một số doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ một số khu vực đã hoàn thành việc thăm dò nhưng chưa thể đưa vào khai thác. Chúng ta có thể đấu giá các mỏ này để huy động nguồn lực xã hội vào khai thác, góp phần phát huy hiệu quả tài nguyên khoảng sản cho phát triển đất nước không?", ông Hậu chất vấn.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết chính sách đấu giá các mỏ khoán sản đã góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách, tăng trách nhiệm cho chủ mỏ. Đến năm 2023, tổng số tiền thu được thông qua đấu giá là gần 55.900 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bất cập là tiền cấp quyền khai thác không được tính theo trữ lượng thực tế nên xảy ra nhiều biến động. "Nhiều mỏ khoáng sản không thể đánh giá trữ lượng tuyệt đối được, trong khi tiền cấp quyền được tính theo thăm dò địa chất, nên độ chính xác chỉ tương đối", Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết.
Để tính toán tiền cấp quyền hợp lý, Bộ đang tham mưu sửa đổi tiền cấp quyền tính theo trữ lượng nhưng được quyết toán theo khối lượng thực tế, tránh thất thoát. Việc này cũng đảm bảo các doanh nghiệp khi khai thác thực hiện nghiêm túc quyền và nghĩa vụ.
Bộ trưởng lý giải 7 nội dung không qua đấu giá nhằm đảm bảo an ninh về năng lượng, các mỏ khoáng sản thiết yếu, quan trọng, chiến lược quốc gia thì không nằm trong số được đấu giá. Căn cứ tình hình thực tế, Bộ sẽ quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí đấu giá quyền khai thác các mỏ khoáng sản. Song song với đó, Bộ sẽ tham mưu xây dựng quy định ưu tiên nguồn lực để doanh nghiệp điều tra cơ bản về địa chất, khảo sát trữ lượng.
Ý kiến ()