Nghiên cứu bổ sung nội dung về đàm phán giá thiết bị, vật tư y tế
Tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách diễn ra vào ngày 5/4, các đại biểu đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế là một nội dung lớn thu hút sự quan tâm đóng góp ý kiến của nhiều đại biểu.
Tại kỳ họp thứ 4 vừa qua, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổ chức Hội thảo khoa học, làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học, một số cơ quan là đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của dự thảo Luật để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 21 (tháng 3/2023).
Cơ bản đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo
Báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Hữu Toàn cho biết, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, dự thảo Luật trình xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách đã được chỉnh lý 55 điều. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý cơ bản đạt được sự đồng thuận giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo.
Báo cáo các nội dung cụ thể, về đấu thầu trước, Thường trực Ủy ban TCNS tiếp thu ý kiến UBTVQH và chỉnh lý theo hướng quy định đấu thầu trước chỉ áp dụng đối với dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi.
Về chỉ định thầu, tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban TCNS phối hợp các cơ quan rà soát, chỉnh lý Điều 23 Dự thảo luật mới theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu, trong đó đã loại bỏ các trường hợp chỉ định thầu đối với: “gói thầu tái định cư” tại Điểm g Khoản 1; quy định rõ về “Gói thầu thuộc dự án quan trọng quốc gia được áp dụng hình thức chỉ định thầu theo Nghị quyết của Quốc hội khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án”.
Về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, Thường trực Ủy ban TCNS đã phối hợp với cơ quan soạn thảo rà soát, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, chỉnh lý quy định về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt (tại Điều 29) theo hướng: Quy định rõ điều kiện áp dụng trường hợp đặc biệt đối với các gói thầu không thể thực hiện theo các hình thức thông thường khác và chỉ đối với các trường hợp cụ thể như: Gói thầu mua sắm thông qua các tổ chức quốc tế; gói thầu mua sắm vaccine trong quá trình thử nghiệm, có yêu cầu của nhà sản xuất về điều kiện mua, thanh toán, bảo lãnh và luật hóa một số trường hợp thật sự cần thiết quy định tại Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng.
Về mua thuốc, vật tư y tế, Thường trực Ủy ban TCNS đã tiếp thu, chỉnh lý tại nhiều điều, khoản để quy định để luật hóa, giải quyết các khó khăn, vướng mắc đang được dư luận quan tâm về vấn đề mua thuốc, trang thiết bị y tế. Những nội dung này được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, làm việc với một số bệnh viện lớn tại Hà Nội và đã được sự đồng thuận của Bộ Y tế, cơ quan soạn thảo.
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu Quốc hội đã tập trung cho ý kiến vào các nội dung lớn của dự luật liên quan đến quan điểm, mục tiêu, định hướng chính sách lớn khi đặt ra yêu cầu sửa đổi luật và điều kiện dự luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Đồng thời đóng góp ý kiến vào các nội dung về phạm vi, đối tượng áp dụng đấu thầu; chỉ định thầu, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; việc lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt;…
Bổ sung nội dung về đàm phán giá đối với thiết bị và vật tư y tế
Vấn đề về đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế là một nội dung lớn thu hút sự quan tâm đóng góp ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nhấn mạnh, mua sắm thuốc men, vật tư y tế là hoạt động khó, rất dễ dẫn đến tiêu cực, vì vậy đề nghị Quốc hội xem xét kỹ lưỡng trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) để đảm bảo chặt chẽ, rõ ràng và khả thi.
Đồng thời đại biểu đề xuất quy trình mua sắm thuốc men, vật tư y tế theo 2 bước: Thứ nhất, đơn vị mua sắm tập trung cấp bộ, cấp tỉnh, cấp quốc gia cần lựa chọn nhà thầu có chất lượng và có giá trần. Bước thứ hai, các cơ sở y tế có nhu cầu, căn cứ kết quả đấu thầu tập trung đã có để lựa chọn nhà thầu cung cấp phù hợp hoạt động của cơ sở mình và không cao hơn giá trần.
Đại biểu Lê Văn Khảm (Bình Dương) bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến nội dung về đàm phán giá. Tại Điều 28 của dự thảo Luật quy định về đàm phán giá áp dụng đối với thuốc biệt dược hoặc thuốc chỉ có 1 hoặc 2 nhà sản xuất. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu để bổ sung nội dung về đàm phán giá đối với cả thiết bị và vật tư y tế.
Theo Đại biểu Lê Văn Khảm, thiết bị y tế thường là các máy móc có yêu cầu rất cao về kỹ thuật, chẳng hạn như trong lĩnh vực ung thư có máy xạ trị, máy nội soi can thiệp tim mạch dưới hướng dẫn của siêu âm và thường chỉ có 1-2 hãng sản xuất bán tại Việt Nam. Tương tự như vậy, máy xét nghiệm sinh hóa hay xét nghiệm miễn dịch, mỗi lĩnh vực cũng có số lượng máy móc hạn chế… Bên cạnh đó, trong điều trị bệnh cũng có những sản phẩm độc quyền thường là sản phẩm có tính phát minh.
Vì vậy cần phải có cơ chế đàm phán giá để mua sắm được thiết bị, vật tư y tế với giá tốt nhất. Điều này sẽ có lợi cho cả bệnh nhân và cho quỹ bảo hiểm y tế bởi chi phí mua sắm thiết bị, vật tư y tế chính là yếu tố hình thành nên giá dịch vụ khám, chữa bệnh và chi phí khám, chữa bệnh.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đánh giá cao dự thảo luật Đấu thầu (sửa đổi) lần này được tiếp thu tương đối hoàn thiện, công khai, minh bạch, rõ ràng của các đối tượng đấu thầu. Tuy nhiên, Đại biểu cho rằng tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh của nhân dân có nguyên nhân chính là tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra nên không dám làm, không dám đấu thầu mua sắm tại một số địa phương và đơn vị. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại những nội dung liên quan đến đấu thầu trong lĩnh vực y tế để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bảo đảm hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước.
Đối với quy định về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, đại biểu cho rằng, các gói thầu được thực hiện trong tình trạng khẩn cấp thì nên áp dụng, như gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh nhằm phục vụ kịp thời trong tình huống khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại…
Kết luận về nội dung nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan hữu quan đối với dự án luật. Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện dự án Luật, tập trung vào các vấn đề như phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các trường hợp chỉ định, các phương pháp lựa chọn nhà thầu, đấu thầu trước, mua sắm thuốc…
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ dự thảo luật. Sau đó, cơ quan chủ trì thẩm tra cần có văn bản xin ý kiến Chính phủ về các nội dung tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ quan tâm cho ý kiến, làm rõ quan điểm khi trình Quốc hội, chuẩn bị đầy đủ các văn bản cần thiết kèm theo.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ, chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật theo đúng quy định của pháp luật, hướng tới trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()