Nghiên cứu, biên soạn lịch sử: Triển khai đồng bộ, hiệu quả thiết thực
(LSO) – Trong giai đoạn 2017 – 2020, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống ngành trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần giáo dục truyền thống, rút ra bài học kinh nghiệm thực tiễn đối với từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Cầm trên tay cuốn Lịch sử Đảng bộ xã giai đoạn 1940 – 2015, ông Triệu Văn Thọ, Bí thư Đảng uỷ xã Quyết Thắng, huyện Hữu Lũng chia sẻ: Trong quá trình biên soạn, chúng tôi phải sưu tầm, thu thập tài liệu gần 2 năm, quá trình này gặp nhiều khó khăn do tài liệu cũ, chữ viết đã nhoè mực, những nhân chứng lịch sử quan trọng đã không còn hoặc đã tuổi cao sức yếu… Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của cấp trên và sự quyết tâm của tập thể, năm 2019, xã hoàn thành và xuất bản cuốn Lịch sử Đảng bộ xã.
Năm 2019, Hữu Lũng là huyện đầu tiên hoàn thành việc nghiên cứu biên soạn lịch sử đảng bộ cấp xã, đồng thời là một trong số những đơn vị đầu tiên biên soạn Lịch sử Đảng bộ huyện giai đoạn 1986 – 2015 (đến tháng 7/2020 đã hoàn thành và xuất bản).
Các đại biểu tham dự hội nghị tập huấn công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống năm 2020
Ông Phạm Công Minh, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện cho biết: Ban Thường vụ Huyện uỷ đã quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt đối với công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử. Ban Tuyên giáo đã phân công cán bộ phụ trách theo dõi lĩnh vực này. Trong đó, quan tâm bồi dưỡng, trang bị kỹ năng cho cán bộ trực tiếp biên soạn. Nhờ đó, đảm bảo tiến độ và tiết kiệm chi phí hơn.
Tại huyện Cao Lộc, trong giai đoạn 2017 – 2020, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống ngành được triển khai hiệu quả. Ngoài việc bố trí cán bộ trực tiếp theo dõi, Ban Tuyên giáo Huyện uỷ đã thực hiện tốt khâu thẩm định nội dung. Trong đó, tổ chức các hội thảo đảm bảo thiết thực, trọng tâm. Từ 3 cuốn lịch sử đảng bộ cấp xã đầu tiên được xuất bản năm 2017, đến nay, toàn huyện đã xuất bản được 18 cuốn, đang tiếp tục hoàn thiện 5 cuốn. Dự kiến trong quý I năm 2021 sẽ hoàn thành 100% cuốn lịch sử đảng bộ cấp xã và lịch sử Đảng bộ huyện giai đoạn 1986 – 2015.
Ngoài hai đơn vị trên, trong những năm qua, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống toàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Về lịch sử Đảng bộ tỉnh, đã hoàn thành và xuất bản 1.000 cuốn giai đoạn 1930 – 1985 (trên cơ sở bổ sung, tái bản 2 cuốn lịch sử Đảng bộ tỉnh giai đoạn 1930 – 1954 và 1955 – 1985). Đây là công trình ý nghĩa chào mừng đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Cùng với đó, các đơn vị đã xuất bản 57 cuốn lịch sử đảng bộ cấp huyện và lịch sử truyền thống ngành; 158 cuốn lịch sử đảng bộ cấp xã. Dự kiến đến hết năm 2020 sẽ hoàn thành thêm 49 cuốn lịch sử đảng bộ cấp huyện, các ngành và 42 cuốn lịch sử đảng bộ cấp xã.
Giảng viên Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) truyền đạt kiến thức về quy trình thẩm định công trình lịch sử địa phương, lịch sử truyền thống
Để có được những kết quả trên, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã chỉ đạo các cấp uỷ trên địa bàn tổ chức triển khai, thực hiện tốt Chỉ thị số 15 ngày 28/8/2002 của Ban Bí thư khóa IX về “Tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”; Chỉ thị số 20 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”. Đồng thời, chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ hướng dẫn quy trình nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ cho các đơn vị, cơ sở trên địa bàn tỉnh. Trong 3 năm qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã tổ chức được 3 lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác lịch sử toàn tỉnh.
Ông Nguyễn Trọng Sơn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ cho biết: Những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn 2017 – 2020, công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ và lịch sử truyền thống được các cấp uỷ đảng, các cơ quan triển khai đồng bộ, nghiêm túc, hiệu quả. Qua theo dõi, kiểm tra cho thấy: nhiều đơn vị đã thực hiện tốt như: Hữu Lũng, Cao Lộc, Văn Lãng, Lộc Bình. Phát huy kết quả đã đạt được, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sẽ tiếp tục làm tốt công tác tham mưu để nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn đồng thời chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục để khơi dậy niềm tự hào trong thế hệ trẻ, chung sức xây dựng Lạng Sơn ngày một mạnh, giàu.
Để nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống, Tỉnh uỷ đã chỉ đạo UBND tỉnh ban hành kế hoạch, quyết định hỗ trợ kinh phí cho các huyện, thành phố trong giai đoạn 2017 – 2020. Theo đó, UBND tỉnh đã hỗ trợ hơn 15 tỷ đồng và được các cơ quan, đơn vị đều sử dụng đúng mục đích và đảm bảo thực hiện theo đúng kế hoạch, lộ trình đã đề ra. |
Ý kiến ()