Nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng Khơi lòng tự hào, bồi đắp niềm tin
– Nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng, lịch sử truyền thống là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của công tác xây dựng đảng. Thời gian qua, các cấp ủy đảng trên địa bàn tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này, qua đây đã góp phần khơi dậy lòng tự hào của các tầng lớp Nhân dân về truyền thống vẻ vang của dân tộc, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.
Đội ngũ giáo viên trên địa bàn thành phố Lạng Sơn nghiên cứu các thông tin trên cuốn lịch sử Đảng bộ thành phố Lạng Sơn
Đồng chí Phùng Quang Hội, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: Để công tác biên soạn đạt hiệu quả cao, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền đưa nội dung nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng, lịch sử truyền thống vào chương trình, kế hoạch công tác theo các nội dung của Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử đảng. Đồng thời quan tâm tạo điều kiện, đầu tư về cơ sở vật chất, đảm bảo về kinh phí để triển khai thực hiện; tăng cường theo dõi, hướng dẫn việc triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên; hướng dẫn quy trình nghiên cứu, biên soạn, thẩm định và xuất bản lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống các cấp…
Thực hiện các văn bản, kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên, cấp ủy các cấp, các cơ quan, đơn vị đã thành lập Ban Chỉ đạo, các tổ giúp việc nghiên cứu, biên soạn và xuất bản lịch sử đảng bộ các cấp, ngành.
“Nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm làm rõ chặng đường lịch sử và hoạt động đấu tranh cách mạng của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng; qua đó góp phần tổng kết thực tiễn lịch sử, nêu bật những thắng lợi, làm sáng tỏ những thành tựu, bài học kinh nghiệm và những vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ đổi mới và góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng. Đối với tỉnh Lạng Sơn, nhìn chung các cuốn lịch sử đã được xuất bản đảm bảo tính khoa học và tính đảng, phản ánh được quá trình ra đời, hoạt động và trưởng thành của đảng bộ địa phương trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Tổ quốc qua các chặng đường lịch sử. Việc hoàn thành và xuất bản các ấn phẩm lịch sử địa phương đã góp phần quan trọng trong việc tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và trong sự nghiệp đổi mới”. PGS. TS Nguyễn Danh Tiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc Gia Hồ Chí Minh |
Từ năm 2018 đến nay, toàn tỉnh biên soạn, xuất bản được 175 cuốn sách. Nội dung các cuốn sách đã tập trung làm rõ, lý giải một cách khoa học về bối cảnh lịch sử, về quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, về phong trào cách mạng của quần chúng Nhân dân, đảm bảo tính khách quan, tính đảng, tính khoa học và thống nhất; đồng thời cũng thể hiện rõ những nét đặc thù, độc đáo riêng của từng địa phương, đơn vị. Qua đây góp phần vào việc tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân.
Cô giáo Đỗ Thị Hoài Thu, giáo viên Trường THCS Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: Vừa qua tôi có dịp được tìm hiểu, nghiên cứu cuốn lịch sử ngành giáo dục thành phố Lạng Sơn giai đoạn 1945 – 2020. Cá nhân tôi thấy cuốn sách đã ghi dấu đậm nét truyền thống văn hóa cách mạng, truyền thống hiếu học của con người Xứ Lạng với những bài học kinh nghiệm quý báu về phát triển giáo dục và đào tạo. Đây sẽ là tài liệu quý giá để tôi nghiên cứu, tuyên truyền thời gian tới.
Đặc biệt trong năm 2022, Tỉnh ủy phối hợp với Viện Lịch sử Đảng thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nghiên cứu, biên soạn, bổ sung, tái bản cuốn sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn 1986 – 2020. Quá trình thực hiện, Ban Biên soạn cuốn sách đã chỉ đạo các tổ giúp việc thu thập tài liệu, xây dựng đề cương và bản thảo cuốn sách; tổ chức 3 cuộc hội thảo để xin ý kiến đóng góp vào đề cương, bản thảo của cuốn sách. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự, Ban Biên soạn đã nghiêm túc tiếp thu, rà soát tổng thể để bổ sung, chỉnh sửa, hoàn chỉnh bản thảo bảo đảm đúng giai đoạn lịch sử phát triển của Đảng bộ tỉnh; đồng thời phản ánh trung thực, khách quan, khoa học về những sự kiện quan trọng, những thành tựu, hạn chế, bài học kinh nghiệm được rút ra… Hiện nay cuốn sách đang trong những bước hoàn thiện cuối cùng để chuẩn bị xuất bản, ra mắt thời gian tới.
Có được những kết quả trên là do cấp ủy các cấp, các cơ quan, đơn vị đã nghiêm túc triển khai thực hiện công tác biên soạn lịch sử đảng, lịch sử truyền thống. Dựa trên tình hình thực tế, các cơ quan, đơn vị đã có những cách làm riêng để công tác biên soạn lịch sử đảng đạt hiệu quả cao nhất. Như huyện Cao Lộc, ngoài việc sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh theo quy định, huyện chủ động xây dựng kế hoạch để bố trí kinh phí hằng năm từ nguồn ngân sách đảm bảo cho công tác nghiên cứu, biên soạn; huyện Hữu Lũng chú trọng đến công tác lưu trữ, bảo quản tư liệu lịch sử ngay từ đầu…
Ông Phạm Công Minh, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Hữu Lũng cho biết: Nhờ làm tốt công tác bảo quản, lưu trữ tư liệu lịch sử và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác sưu tầm, tổng hợp lưu trữ nên tư liệu được lưu trữ đầy đủ, tra cứu thuận tiện, phục vụ tốt công tác biên soạn lịch sử đảng, lịch sử truyền thống cho các cơ quan, đơn vị. Ngoài ra Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo thực hiện các bước trong nghiên cứu, biên soạn đúng quy định, quy trình, đảm bảo chất lượng và tiến độ thời gian.
Cùng đó, công tác tổ chức, củng cố đội ngũ cán bộ chuyên môn làm công tác lịch sử đảng từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm chỉ đạo. Cụ thể, ban tuyên giáo các cấp đã tham mưu thực hiện tốt công tác quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ theo dõi nghiên cứu có chuyên môn, bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm cao.
“Đã từng trải qua một số đơn vị công tác, đặc biệt có thời gian trực tiếp tham mưu về công tác biên soạn lịch sử đảng, tôi nhận thấy việc biên soạn, nghiên cứu lịch sử đảng trên địa bàn tỉnh thời gian qua luôn đảm bảo đúng quy trình và đạt chất lượng cao. Những cuốn sách khi xuất bản đã trở thành kênh thông tin chính thống, có độ tin cậy cao, trong đó tổng kết kinh nghiệm lãnh đạo của đảng bộ các cấp và phong trào cách mạng của Nhân dân qua các thời kỳ lịch sử; đồng thời góp phần đấu tranh chống các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Trong năm 2022, tôi được mời tham gia đóng góp ý kiến vào cuốn Lịch sử Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn 1986 – 2020. Theo đó, tôi đã đóng góp ý kiến vào đề cương, bản thảo cuốn sách về nội dung, kết cấu, các mốc thời gian… Quá trình theo dõi, tôi nhận thấy các bước triển khai như sưu tầm tư liệu, biên soạn, hội thảo, thẩm định… được thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình. Cuốn lịch sử Đảng bộ tỉnh 1986 – 2020 khi được xuất bản sẽ là nguồn tư liệu quý giá, có tác dụng tuyên truyền và giáo dục truyền thống về lịch sử cho thế hệ mai sau”. Ông Tô Hùng Khoa, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh |
Song song với những giải pháp trên, công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng được thực hiện nghiêm túc. Năm 2022, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức kiểm tra công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng, lịch sử truyền thống lồng ghép với việc kiểm tra công tác tuyên giáo tại các đơn vị: Tràng Định, Văn Quan, Cao Lộc. Qua đó kịp thời nắm bắt tiến độ thực hiện nghiêm các văn bản, kế hoạch, tiến độ công việc; lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời qua công tác kiểm tra, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy thực thuộc đã quan tâm hơn đến công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống, bố trí thời gian, điều kiện phù hợp để triển khai công tác này đối với các đảng bộ trực thuộc, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
Cùng với việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản sách lịch sử đảng bộ địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy đảng triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân với nhiều hình thức, như: triển khai các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, tham quan các di tích lịch sử, dâng hương tưởng niệm, tri ân các liệt sỹ tại các nhà bia tưởng niệm; tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng…
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục phát huy giá trị của các tài liệu lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống trong tuyên truyền, giáo dục lịch sử, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng các ấn phẩm sẽ xuất bản theo kế hoạch…
THANH MAI
Ý kiến ()