Nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng: Điểm sáng Văn Lãng
(LSO) – Những năm qua, Huyện ủy Văn Lãng được cấp trên đánh giá có nhiều nỗ lực và đạt được kết quả đáng ghi nhận trong công tác biên soạn lịch sử Đảng.
Ông Bế Thăng Long, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy cho biết: Việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đã và đang góp phần nâng cao nhận thức, ý chí, tình cảm cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; nâng cao được năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng, đồng thời làm sáng tỏ và bổ sung cơ sở lịch sử quan trọng cho việc xây dựng và tổ chức thực hiện quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn địa phương, đơn vị.
Để công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng đạt hiệu quả, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ (BTV) Huyện ủy ban hành Nghị quyết số 56, ngày 19/3/2018 về nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử đảng bộ các xã từ nay đến năm 2020; ban hành Quyết định số 2266, ngày 19/3/2018 của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc thành lập Ban chỉ đạo. Theo đó, Ban Chỉ đạo là các đồng chí Thường trực Huyện ủy, một số đồng chí trong BTV, lãnh đạo UBND huyện, các ngành liên quan và đồng chí Bí thư Đảng ủy các xã, thị trấn.
Cán bộ thị trấn Na Sầm tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử truyền thống của địa phương
Trong năm 2018, Văn Lãng hoàn thành 7 cuốn lịch sử đảng bộ xã, thị trấn. Như xã Thanh Long, mặc dù còn gặp một số khó khăn ban đầu nhưng nhờ nỗ lực chỉ đạo của các cấp, sự vào cuộc tích cực của cơ sở mà cuốn sách đã hoàn thành. Có được kết quả đó là do xã đã xây dựng được đề cương hợp lý, theo đúng phân kỳ lịch sử dân tộc, khai thác triệt để các nguồn tư liệu…
Một trong những yếu tố để làm tốt công tác biên soạn, xuất bản một cuốn lịch sử Đảng là việc tổ chức hội thảo. Để nâng cao chất lượng các hội thảo, Ban Chỉ đạo có văn bản chỉ đạo các thành viên, các ngành, cơ quan liên quan; chỉ đạo Đảng ủy các xã tổng hợp ý kiến của các cấp ủy viên, cán bộ, công chức cấp xã; nguyên lãnh đạo chủ chốt qua các thời kỳ, các nhân chứng lịch sử. Hội thảo tổ chức với thành phần rất gọn, Ban Tuyên giáo và Đảng ủy xã sẽ có trách nhiệm báo cáo nội dung tổng hợp các ý kiến một cách cụ thể. Vì vậy, các ý kiến đều rất tập trung, có chất lượng, trọng tâm, không dàn trải, mất thời gian.
Tính đến nay, huyện đã hoàn tất được 19 cuốn bao gồm: 3 cuốn lịch sử Đảng bộ huyện; 13 cuốn lịch sử Đảng bộ xã; 3 cuốn lịch sử ngành. Nhìn chung, các công trình lịch sử đã biên soạn, xuất bản đều đảm bảo tính Đảng, tính khách quan, khoa học, thống nhất chung với lịch sử toàn Đảng, đồng thời thể hiện rõ những nét đặc thù, độc đáo của từng địa phương, đơn vị. Nhiều công trình đã chú ý đến tổng kết thực tiễn lịch sử và kinh nghiệm địa phương, ngành, do vậy đã góp phần quan trọng vào công tác tư tưởng, lý luận, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ huyện trong sự nghiệp đổi mới.
Ông Trần Anh Dũng, Bí thư Đảng ủy thị trấn Na Sầm cho biết: Năm 2018, Đảng ủy hoàn thành xong cuốn lịch sử Đảng bộ thị trấn giai đoạn (1945 – 2015) gồm 7 chương. Việc tái hiện đầy đủ, khách quan quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng của Đảng bộ nhằm tổng kết, rút ra những bài học kinh nghiệm, bài học lịch sử là vô cùng quan trọng. Những tài liệu này nên đưa vào giảng dạy, nhất là đối với thế hệ trẻ để nâng cao lòng tự hào dân tộc, gìn giữ và phát huy các giá trị lịch sử mà cha ông để lại.
Trong năm 2019, Huyện ủy Văn Lãng chỉ đạo 7 xã tiếp tục thực hiện biên soạn, bao gồm: Gia Miễn, Trùng Khánh, Hồng Thái, Bắc La, Nam La, Tân Tác, Thành Hòa. Hiện các xã đã hoàn thành đề cương dự kiến, phấn đấu từ nay đến hết quý 1 năm 2020 sẽ hoàn thành xuất bản.
Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bế Thăng Long cho biết thêm: Thời gian tới, BTV Huyện ủy tiếp tục chỉ đạo các tổ chức đảng cơ sở cần có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, đầu tư nguồn lực, cơ sở vật chất và kinh phí cho việc nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử của đơn vị mình đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Đồng thời tiếp tục xây dựng kế hoạch, tiến hành sưu tầm, khai thác tư liệu phục vụ nghiên cứu, biên soạn và xuất bản các cuốn lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống của địa phương.
Ý kiến ()