Nghiên cứu bảo tồn giá trị truyền thống chợ phiên Kỳ Lừa
Sản phẩm, công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, bán tại chợ Kỳ Lừa |
Chợ phiên Kỳ Lừa diễn ra 5 ngày 1 phiên vào mùng 2, 7, 12, 17, 22 và 27 âm lịch. Với lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển, chợ Kỳ Lừa đã đi vào tâm hồn và ký ức mỗi người dân Xứ Lạng bởi những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Trong đó phải kể đến những sản phẩm truyền thống phục vụ cuộc sống lao động sản xuất và sinh hoạt hằng ngày của bà con các dân tộc được bày bán. Bà Nguyễn Bích Hồng, 84 tuổi, trú tại đường Phan Đình Phùng, phường Hoàng Văn Thụ chia sẻ: Sản phẩm bày bán ở chợ chủ yếu là do người dân tộc trong tỉnh tự làm ra như bàn ghế làm bằng tre trúc; các sản phẩm mây, tre đan; cày, quốc; quần áo chàm và thổ cẩm; rau, củ, quả tự sản xuất; thuốc chữa bệnh dân gian… Bên cạnh việc trao đổi hàng hóa, vào các ngày chợ phiên, nhiều chàng trai cô gái dân tộc Tày, Nùng say mê hát đối nhau bằng các làn điệu sli, lượn thể hiện khát vọng yêu đương, tình yêu quê hương, đất nước. Do vậy, “pay háng Khau Lừa” (đi chợ Kỳ Lừa) không chỉ là đi chợ mà với họ còn là đi chơi chợ. Ngày chợ phiên thường diễn ra từ sáng đến tối, thậm chí có người đi chợ 2 ngày mới về đến nhà.
Cùng với sự thay đổi về thời gian, chợ phiên Kỳ Lừa nay đã phai nhạt nhiều nét truyền thống vốn có. Chợ không còn họp đông vui như trước. Ngày chợ chỉ diễn ra chóng vánh khoảng 2 – 3 tiếng buổi sáng. Người dân chủ yếu tìm đến các siêu thị, đại lý lớn để mua hàng thay vì đến chợ phiên. Nhiều người dân mang hàng hóa của mình đi bán cứ tiện đâu thì bán đó làm ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan đô thị. Bên cạnh các mặt hàng truyền thống thuần túy thì xuất hiện các mặt hàng được nhập từ nhiều nơi khác như: hàng hóa Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và những mặt hàng không phải từ “làng” như gà lai, lợn siêu nạc, … Chợ phiên Kỳ Lừa nay cũng không còn xuất hiện câu sli, lượn say đắm lòng người của thanh niên nam, nữ các dân tộc.
Cô giáo lịch sử Vy Thị Hồng Tuyến, Trường THPT Việt Bắc – hướng dẫn nhóm nghiên cứu đề tài “Chợ phiên Kỳ Lừa xưa và nay” chia sẻ: Chính sự mai một những nét văn hóa truyền thống ở chợ phiên Kỳ Lừa khiến chúng tôi nghiên cứu thực hiện đề tài nhằm đề xuất một số biện pháp bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống của chợ phiên.
Đề tài được thực hiện trong năm 2015, nghiên cứu những giá trị lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội của chợ phiên Kỳ Lừa xưa và nay. Sau khi so sánh, nhóm nghiên cứu xác định chợ cần được bảo tồn và phát huy hơn nữa những giá trị truyền thống của dân tộc. Theo đó, cơ quan, đơn vị chức năng cần tổ chức những buổi triển lãm tranh, ảnh; trưng bày hình ảnh lịch sử, sinh hoạt của đồng bào trong chợ phiên Kỳ Lừa xưa để người dân thấy được những giá trị truyền thống của chợ phiên. Cần khôi phục lại các nghề truyền thống như: dệt vải, nhuộm vải chàm, rèn đúc, làm gốm, đan lát, mĩ nghệ, mây tre, làm ngói… của người Tày, Nùng để các sản phẩm bày bán tại chợ góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc Xứ Lạng. Nên đầu tư những gian hàng quảng bá, bày bán những sản phẩm đặc sản của địa phương ở chợ như hồi, các loại rượu Mẫu Sơn và các loại quả để du khách thập phương biết đến nhiều hơn. Mỗi phiên chợ nên khôi phục lại hoạt động hát sli, lượn làm cho hoạt động của phiên chợ thêm sôi động, mang lại bầu không khí vui tươi, giải trí cho bà con, góp phần bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của nhân dân Xứ Lạng.
Em Luân Thùy Dung, lớp 12 C2, Trường THPT Việt Bắc cho biết: Đề tài mang tính giáo dục cao. Qua tìm hiểu về chợ, em biết quý trọng công sức lao động của ông cha bởi sự cần cù khi làm ra các sản phẩm tự cung tự cấp đem bán. Qua đây em yêu chợ Kỳ Lừa, yêu Xứ Lạng hơn và mong muốn góp sức mình giữ gìn nhiều hơn nữa nét văn hóa truyền thống của chợ.
Với giá trị nghiên cứu gắn giữa lý luận và thực tiễn của chợ phiên Kỳ Lừa, đề tài này đã đạt giải khuyến khích tại cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2015-2016 do Sở Giáo dục và Đào tạo Lạng Sơn tổ chức.
Ý kiến ()