Nghiêm túc thực hiện một chủ trương đúng đắn
Thời gian qua, cơ quan chức năng tại các tỉnh, thành phố trên cả nước đã và đang tích cực triển khai việc cấp, đổi thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử, nhằm hoàn thành mục tiêu đến ngày 1-7-2021 cấp được 50 triệu thẻ.
Thẻ CCCD gắn chíp điện tử được xem là xu thế tất yếu, nhằm theo kịp xu hướng công nghệ 4.0 hiện nay cùng với nỗ lực của Nhà nước trong việc giảm tải thủ tục hành chính, góp phần cải cách mạnh mẽ công tác quản lý, tạo điều kiện thuận lợi, giúp người dân thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự… Tuy nhiên, thay vì ủng hộ một chủ trương đúng đắn, một số đối tượng lại tìm cách chống đối, lợi dụng mạng xã hội để công kích, xuyên tạc, đưa thông tin sai lạc gây hoang mang dư luận về việc cấp, đổi CCCD…
Ngày 3-9-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1368/QÐ-TTg về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân, trong đó xác định mục tiêu của dự án là: Xây dựng Cơ sở dữ liệu CCCD thống nhất trên toàn quốc, thực hiện thu nhận và quản lý dữ liệu đăng ký CCCD tự động trên cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin giúp lưu trữ, truy xuất, chia sẻ, tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về CCCD, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân trong khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự; hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội của cả nước; góp phần phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm… Nếu so sánh với chứng minh nhân dân, CCCD hiện nay, chúng ta sẽ thấy CCCD gắn chíp có các ưu điểm vượt trội. Cụ thể, trên mỗi thẻ đều được tích hợp 20 trường dữ liệu dân cư liên quan đến từng cá nhân với nhiều ứng dụng đi kèm như: ứng dụng chữ ký số, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu một lần, hạ tầng khóa bảo mật công khai,… từ đó cho phép người dùng có thể kết nối với các dịch vụ công cộng và tư nhân một cách nhanh chóng, thuận tiện. Không chỉ thế, CCCD gắn chíp được sản xuất theo công nghệ hiện đại, linh hoạt trong việc thay đổi, bổ sung thông tin cá nhân, có độ bảo mật cao, giúp định danh và nhận diện chính xác, vì vậy hạn chế tối đa việc đánh cắp hoặc giả mạo để sử dụng vào các mục đích đen tối. Giờ đây với CCCD mới khi thực hiện giao dịch, các cá nhân sẽ không cần phải mang theo nhiều loại giấy tờ (thí dụ hộ khẩu, giấy khai sinh, đăng ký kết hôn,…) vì các thông tin này đều đã được lưu trữ và tích hợp trong thẻ. Nhờ đó, mọi người đều có điều kiện thực hiện giao dịch nhanh chóng, thuận tiện, giảm bớt thời gian đi lại và chi phí cho việc sao lưu, công chứng giấy tờ…
Do vậy, có thể khẳng định, thẻ CCCD gắn chíp là bước tiến trong việc đưa ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào hoạt động quản lý nhà nước, giúp cải cách hành chính một cách hiệu quả. Ðây cũng là cơ sở quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử mà Ðảng, Nhà nước đang đặt ra, và người dân là đối tượng được hưởng lợi. Chưa kể, trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khi xu hướng chuyển đổi số diễn ra trên tất cả các lĩnh vực thì việc thực hiện làm thẻ CCCD gắn chíp điện tử càng trở nên cần thiết, góp phần để đất nước tiếp cận nhanh với xu thế phát triển trên thế giới.
Thực tế hiện nay, việc sử dụng thẻ CCCD gắn chíp đang là lựa chọn tối ưu tại nhiều quốc gia. Thống kê của cơ quan chức năng cho biết, hiện có khoảng 70 nước sử dụng loại thẻ này, thậm chí có quốc gia sử dụng CCCD gắn chíp ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, thẻ gắn chíp ngày càng phát huy tính hiệu quả trong đời sống xã hội.
Tại Estonia (Et-tô-ni-a), từ năm 2002, quốc gia này đã sử dụng thẻ CCCD gắn chíp cho người dân với tên gọi ID Kaart để thay thế các giấy tờ tùy thân truyền thống. Từ đó ID Kaart được người dân ở quốc gia này sử dụng để xác định danh tính, khám sức khỏe, bỏ phiếu bầu cử, đăng ký kinh doanh,… cũng như thực hiện các giao dịch điện tử khác. Chưa kể, ID Kaart còn có thể thay thế hộ chiếu khi người dân đi lại trong nước, cũng như đến các nước thuộc EU (European Union – Liên hiệp châu Âu). Tiếp tục nâng cấp để tăng tính bảo mật, phát huy tối đa hiệu quả sử dụng, tháng 9-2018, cơ quan chức năng của Estonia đã đưa vào ứng dụng hệ thống nhận dạng kỹ thuật số Smart-ID (cung cấp và xác thực định danh điện tử) bằng việc dùng chíp sử dụng mã hóa khóa công khai ECC 384-bit và mã QR Code (mã phản hồi nhanh) cho ID Kaart. Quốc gia này đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 số lượng công dân điện tử đạt mức 10 triệu người, cao gấp 8 lần so với dân số ở thời điểm hiện tại. Tương tự như Estonia, thẻ CCCD gắn chíp của Argentina (Ác-hen-ti-na) có tên DNI tích hợp nhiều thông tin cá nhân, trong đó bao gồm cả thông tin tài khoản tín dụng. Hoặc thẻ CCCD của Malaysia (Ma-lai-xi-a) là MyKad tích hợp các thông tin cá nhân như hộ chiếu, bằng lái xe, thông tin sức khỏe,… đồng thời còn có các chức năng của ví điện tử, truy cập thẻ ATM, ứng dụng dùng để di chuyển và PKI (sử dụng để giao dịch điện tử). Mọi công dân Malaysia đều được cấp thẻ MyKad, nhưng được chia thành ba nhóm đối tượng, bao gồm: MyPR (công dân thường trú Malaysia), MyKas (công dân ở Malaysia trong thời gian ngắn) và MyKid (công dân Malaysia dưới 12 tuổi). Tại nhiều quốc gia khác, thẻ CCCD gắn chíp còn tích hợp các thông tin liên quan bằng lái xe (như ở Ðức, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina…), nhờ đó giúp hành vi vi phạm giao thông giảm đáng kể; hay người dân có thể sử dụng CCCD gắn chíp trong các dịch vụ công cộng, hành chính, xã hội (như ở Nhật Bản, Hàn Quốc,…).
Nắm bắt xu thế tất yếu đó, căn cứ trên điều kiện hiện có cả về nhân lực, vật lực và khoa học – công nghệ, năm 2021, việc cấp thẻ CCCD gắn chíp chính thức được Việt Nam thực hiện đồng bộ trên phạm vi cả nước. Ðể triển khai hiệu quả chủ trương này, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ quan chức năng chủ động về tận các thôn, xóm vận động người dân làm thẻ. Ở một số cơ quan, đơn vị, trường học, việc cấp, đổi thẻ CCCD được thực hiện ngay tại chỗ. Tại các địa phương, người dân đăng ký đã được phát phiếu hẹn giờ, giúp giảm bớt thời gian đi lại và chờ đợi. Thậm chí có địa bàn, công an phụ trách khu vực còn nhắn tin, đến từng nhà để đốc thúc việc đi làm thẻ. Nhiều nơi, việc làm thẻ được thực hiện 24 giờ/ngày nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, nhất là những người bận làm việc vào giờ hành chính, làm theo ca kíp, cho nên thời gian eo hẹp…
Tuy nhiên, với mục đích đen tối sẵn có, mong muốn kìm hãm sự phát triển của Việt Nam, các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí ngay lập tức coi việc triển khai cấp thẻ CCCD gắn chíp là cơ hội để tiến hành hoạt động chống phá. Với thái độ thù địch, cực đoan, một số đối tượng đã lập tức đăng tải các thông tin, hình ảnh có tính chất xuyên tạc. Chúng trắng trợn rêu rao việc gắn chíp vào thẻ CCCD là để Nhà nước tăng cường kiểm soát người dân, người dân bị mất quyền tự do, bị xâm phạm đời tư. Thậm chí trắng trợn vu cáo với việc cấp thẻ CCCD lần này, người dân biến thành “động vật bị chăn dắt”, hoặc so sánh “ở một số nước tiên tiến thường gắn chíp điện tử cho các phạm nhân thi hành án phạt tù tại gia”, để từ đó lớn tiếng cho rằng đây là biểu hiện mất “dân chủ, nhân quyền”, kêu gọi người dân không hợp tác với cơ quan chức năng, không làm thẻ CCCD gắn chíp. Ðáng chú ý, một số người vì thiếu thông tin, thiếu hiểu biết đã vội vã tin và nghe theo, tiếp tục lan truyền thông tin xuyên tạc, những lời đồn đại ác ý, từ đó dấy lên sự nghi ngại, hoang mang, ngờ vực trong dư luận…
Phải nói thẳng rằng, dù cố tình xuyên tạc hay vô ý thức, thì các hành vi như vậy cũng đã cản trở việc thực thi một chủ trương đúng đắn của Nhà nước. Nhằm kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện tiêu cực nói trên, thời gian qua, một số cá nhân đưa tin sai sự thật về việc làm thẻ CCCD gắn chíp đã bị xử lý theo quy định của pháp luật. Như cuối tháng 4 vừa qua, Công an tỉnh Ðắk Lắk đã triệu tập Bùi Thị Thanh T. (xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột) vì đã đăng tải bình luận không đúng về việc làm CCCD. Tại cơ quan công an, T. thừa nhận việc làm của mình là vi phạm pháp luật cho nên xóa bình luận và cam kết không tái phạm. Ðây là thí dụ cho thấy người dân phải hết sức cảnh giác, nếu không muốn tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật thì cần phải tỉnh táo trước thông tin không chính xác, nhất là thông tin có tính chất suy diễn, bịa đặt vô căn cứ. Mỗi người dân cần luôn nhận thức và tin tưởng rằng, Ðảng, Nhà nước Việt Nam luôn nỗ lực vì các quyền, lợi ích chính đáng của người dân. Ðiều 3 Hiến pháp (bổ sung, sửa đổi năm 2013) khẳng định: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Nguyên tắc này luôn được thể hiện nhất quán trong mọi đường lối, chủ trương của Ðảng, và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Việc gắn chíp điện tử vào thẻ CCCD cũng vậy, là chủ trương phù hợp với xu thế phát triển đất nước, quy định của pháp luật, bảo đảm an toàn thông tin của mọi người dân. Chíp điện tử trên thẻ CCCD không phải để định vị, không xâm phạm tự do đi lại, quyền riêng tư của mỗi cá nhân. Khi mất thẻ, do cơ chế kiểm soát mang tính định danh nên thông tin cá nhân không bị lộ, chỉ có chủ thẻ mới có thể kích hoạt, sử dụng. Ý thức rõ ràng về vấn đề này, mỗi cá nhân sẽ có cách hành xử đúng đắn, tin tưởng và nghiêm túc thực hiện chủ trương của Nhà nước. Ðó cũng là cách thức thiết thực bảo vệ lợi ích cá nhân và cộng đồng, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Ý kiến ()