Nghiêm cấm các tổ chức cá nhân tự đặt ra các loại phí và lệ phí
Chiều 11/4, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tổ chức “Phiên giải trình về chấp hành pháp luật về phí và lệ phí” đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và một số bộ, ngành có liên quan.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng số thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ phí, lệ phí năm 2011 đạt 42.023 tỷ đồng; năm 2012 đạt 29.112 tỷ đồng; năm 2013 đạt 31.271 tỷ đồng. Như vậy số phí, lệ phí thu so với tổng thu NSNN lần lượt năm 2011 chiếm 5,8%; năm 2012 chiếm 3,9%; năm 2013 chiếm 3,8%. Cho đến nay, việc triển khai thi hành pháp luật về phí, lệ phí về cơ bản đã đảm bảo thực hiện đúng quy trình, đúng thẩm quyền và tổ chức thực hiện nghiêm túc.
Toàn cảnh phiên giải trình của Bộ trưởng Bộ Tài chính trước Ủy ban |
Theo giải trình của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thì tính đến thời điểm hiện nay, chỉ có 301 khoản phí và lệ phí nằm trong danh mục đã được Chính phủ quy định thu nộp, trong đó có trên 280 khoản phí, lệ phí đã có văn bản hướng dẫn thực hiện. Thế nhưng, thực tế cho thấy nhiều khoản phát sinh phải nộp được người dân hiểu rằng đó là phí và lệ phí, tuy nhiên đó không phải là các khoản phí và lệ phí mà chỉ là các khoản thu tự nguyện, thu dịch vụ nhưng “ẩn” dưới danh là các khoản phí. Và đây là các khoản thu do tư nhân đặt ra, hoàn toàn không phải là các khoản phí và lệ phí do Nhà nước quy định. Tình trạng này dẫn đến gây hiểu nhầm, gây bất bình trong người dân.
Trả lời chất vấn của đại biểu về tình hình hiện nay nạn thu phí, lệ phí diễn ra phổ biến từ thành thị đến nông thôn trong ngành giáo dục nhưng không được xử lý kịp thời? Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải thích, giáo dục mầm non, căn cứ theo Nghị định 49 yêu cầu, học phí điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng do Bộ Kế hoạch và đầu tư công bố. Nhưng thời gian qua việc tăng học phí rất hạn chế. Dù Quốc hội phê duyệt 20% ngân sách cho giáo dục nhưng vẫn rất thiếu, sắp tới cần xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội. Đồng thời, rà soát lại chính sách hỗ trợ cho con em vùng sâu, xa, hộ nghèo, để người đi học trả đủ phí.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chỉ rõ, thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát các khoản phí, lệ phí để sửa đổi, bổ sung. Theo đó, đối với các lĩnh vực hoạt động không thực hiện xã hội hóa, mà do Nhà nước thực hiện như phí thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự xã hội, lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường thì tiếp tục giữ trong Danh mục thu phí, lệ phí như quy định.
Mặt khác, Bộ trưởng cho hay, một số phí sẽ chuyển sang phí dịch vụ như giá đấu thầu, viện phí, phí khám chữa bệnh chuyển sang cơ chế giá dịch vụ, đồng thời chuyển đổi mô hình hoạt động, cơ chế tài chính theo cơ chế thị trường, tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm; cùng với đó xã hội hóa thu hút nguồn lực xã hội như trong quá trình xây dựng công trình, ví dụ bến bãi trông xe, kinh doanh vệ sinh môi trường, chợ, đầu tư cho thuê bến bãi…
Đồng thời, xem xét đưa ra khỏi Danh mục một số khoản phí mà trong thực tế theo các văn bản khác là giá dịch vụ hoặc quy định không thu nữa như: Phí kiểm định, thử nghiệm chất lượng hàng hóa, phí kiểm định phương tiện đo lường; phí đấu thầu; phí giám định tư pháp.
Giải trình có hay không chuyện thu phí, lệ phí vì lợi ích cục bộ, lợi ích địa phương? Bộ trưởng khẳng định, nếu không có tên trong danh mục thì không được phép thu. Nghiêm cấm các tổ chức cá nhân tự đặt ra các loại phí, lệ phí, thẩm quyền phí, lệ phí. Chính phủ, Bộ Tài chính, HĐND cấp tỉnh, các bộ, ngành muốn thu phải gửi Chính phủ, ban hành quy định. Ở cấp tỉnh, các bộ ngành địa phương không thể đặt ra khoản thu mới. Như vậy, việc giao thẩm quyền thu phí, lệ phí tương đối rõ ràng. Không có chuyện bộ, địa phương tự đặt ra để thu phí và lệ phí.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: tiếp tục tuyên truyền cho người dân hiểu khoản nào là phí, khoản nào là lệ phí, khoản nào là đóng góp tự nguyện, khoản nào là huy động. Cùng với đó, thường xuyên cập nhật thông tin về các khoản thu, nhất là các khoản thu không hợp lý để kịp thời chấn chỉnh.
Ngoài ra, nghiên cứu tăng cường phân cấp mạnh hơn nữa về thẩm quyền cho địa phương quyết định miễn, giảm phí, lệ phí đối với các loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền địa phương; hay có quyền bãi bỏ, đình chỉ thi hành các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền địa phương.
Theo CPV
Ý kiến ()