Nghịch lý trong thực hiện dự án tuyến công nghiệp Cổ Chiên
Ông Dương Hoàng Sơn bên lò sản xuất gốm bị bỏ hoang hơn hai năm qua vì ảnh hưởng của dự án "treo". Để thực hiện dự án thành lập tuyến công nghiệp (TCN) Cổ Chiên, hơn 310 hộ dân đang sinh sống, sản xuất ổn định phải di dời. Thế nhưng, việc áp giá đền bù thấp khiến người dân không thể tái sản xuất khi đến nơi ở mới dẫn đến khiếu kiện kéo dài.Dự án TCN Cổ Chiên được phê duyệt tổng thể có bảy khu chức năng. Tuy nhiên, từ năm 2003 đến thời điểm này chỉ mới có hai khu là khu IV và V được hình thành, có quy hoạch chi tiết với diện tích hơn 50 ha. Trong đó, khu IV có diện tích 30 ha, phần lớn nằm trên địa bàn ấp Sơn Đông, xã Thanh Đức, huyện Long Hồ và một phần trên địa bàn ấp An Hương 1, xã Mỹ An, huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long. Khu V có diện tích 20 ha, nằm trên địa bàn ấp An Hương 1, xã Mỹ An. Chỉ riêng khu IV và V đã có 313 hộ dân đang sinh sống, sản...
Ông Dương Hoàng Sơn bên lò sản xuất gốm bị bỏ hoang hơn hai năm qua vì ảnh hưởng của dự án “treo”. |
Để thực hiện dự án thành lập tuyến công nghiệp (TCN) Cổ Chiên, hơn 310 hộ dân đang sinh sống, sản xuất ổn định phải di dời. Thế nhưng, việc áp giá đền bù thấp khiến người dân không thể tái sản xuất khi đến nơi ở mới dẫn đến khiếu kiện kéo dài.
Dự án TCN Cổ Chiên được phê duyệt tổng thể có bảy khu chức năng. Tuy nhiên, từ năm 2003 đến thời điểm này chỉ mới có hai khu là khu IV và V được hình thành, có quy hoạch chi tiết với diện tích hơn 50 ha. Trong đó, khu IV có diện tích 30 ha, phần lớn nằm trên địa bàn ấp Sơn Đông, xã Thanh Đức, huyện Long Hồ và một phần trên địa bàn ấp An Hương 1, xã Mỹ An, huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long. Khu V có diện tích 20 ha, nằm trên địa bàn ấp An Hương 1, xã Mỹ An. Chỉ riêng khu IV và V đã có 313 hộ dân đang sinh sống, sản xuất ổn định bị ảnh hưởng, giải tỏa mất đất phải di dời. Thế nhưng, việc áp giá đền bù rẻ mạt khiến người dân không thể tái sản xuất sau khi đến nơi ở mới. Mặc dù còn hàng chục hộ dân phản đối, không đồng tình giao đất, di dời nhà ở, vật kiến trúc, cơ sở sản xuất nhưng các cơ quan chức năng từ tỉnh tới huyện vẫn tiến hành cưỡng chế.
Trở lại TCN Cổ Chiên vào những ngày đầu tháng 10, chúng tôi ghi nhận cả hai khu IV và V đến thời điểm này vẫn bị bỏ hoang, cỏ dại, có nơi cao lút đầu người. Bao nhiêu vườn cây ăn trái sai trĩu quả và những mảnh ruộng phì nhiêu của người dân đều không còn nữa. Rải rác trong đó là những căn nhà lụp sụp, xuống cấp và những cơ sở sản xuất, lò gốm, lò gạch hoang tàn bị cỏ lau bủa vây. Mấy năm nay, ông Dương Hoàng Sơn, 70 tuổi, cứ ngồi rầu rĩ nhìn cơ sở sản xuất gạch – gốm quy mô của mình đổ sụp tan hoang. Ông có 32 nghìn m2 đất trong đó có ba lò gốm, 11 lán trại sản xuất và một căn nhà đang sinh sống bị giải tỏa. Hơn 30 năm làm nghề sản xuất gốm đỏ, cơ sở ông Sơn từng một thời góp tiếng cho gốm đỏ Vĩnh Long vươn ra thế giới. Thế nhưng, cơ ngơi sau hàng chục năm cật lực lao động, dựng nên bây giờ đứng trước bờ vực đổ sụp hoàn toàn. Vào tháng 11-2003, khi chưa có quyết định thu hồi đất thì ông Sơn nhận được thư mời nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng với giá: đất thổ cư – đất xây dựng – chuyên dùng chỉ 45 nghìn đồng/m2, đất vườn 40.500 đồng/m2, đất ruộng 35 nghìn đồng/m2, mỗi lò gốm được bồi thường 60 triệu đồng. Tổng số tiền được bồi hoàn của ông Sơn chỉ hơn 1,2 tỷ đồng, cho nên ông không đồng thuận. Với số tiền bồi hoàn nêu trên, ông không thể tạo dựng lại cơ sở để sản xuất sau khi di dời đến nơi ở mới. Ngày 18-1-2010, hàng trăm người được cho là lực lượng cưỡng chế tiến hành căng dây, đốn hạ cây cối trong vườn, rồi bơm cát san lấp toàn bộ vườn cây ăn trái và ruộng lúa trên phần đất của ông Sơn. Cũng kể từ đó đến nay, ba lò gốm của ông Sơn không còn hoạt động được nữa vì các con đường vận chuyển nguyên, vật liệu sản xuất cho lò gốm đều bị san bằng. Sau hai năm bỏ hoang, cỏ dại, bìm bìm, dây leo phủ kín, cỏ mọc um tùm.
Tương tự, ông Quan Tứ Cao cũng có bảy nghìn m2 đất thổ cư, đất xây dựng, vườn và ruộng bị ảnh hưởng nằm trong khu IV TCN Cổ Chiên. Nguồn sống duy nhất của gia đình là trông chờ vào vườn nhãn mỗi năm cho thu nhập từ 30 đến 50 triệu đồng và hai công đất ruộng có lúa gạo ăn và nuôi con đi học. Theo giá đền bù của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long thì cả diện tích đất và nhà của ông Cao chỉ nhận được 500 triệu đồng. “Với số tiền này tôi phải mua lại nền tái định cư, xây được căn nhà thì không còn tiền để sản xuất, làm ăn. Trong khi ở đây, gia đình tôi đang sinh sống, sản xuất ổn định. Giờ bị mất hết đất, không ruộng vườn lấy gì mà sống. Gia đình lâm vào túng bấn, tôi phải làm kẹo đem đi bán lẻ tại các chợ để có thu nhập sống qua ngày. Căn nhà cũ đã dột nát, mưa dông tới có thể sập bất cứ lúc nào. Nhưng sửa chữa thì chính quyền không cho phép” – ông Cao bức xúc.
Trao đổi ý kiến với chúng tôi, hầu hết các hộ dân nêu trên đều đồng thuận với chủ trương phát triển TCN Cổ Chiên. Nhưng do áp giá đền bù đất và vật kiến trúc, cơ sở sản xuất gắn liền trên đất quá thấp khiến họ không thể chấp nhận. Ông Hồ Minh Châu cũng có gần sáu nghìn m2 đất, ba lò gốm và một căn nhà bị ảnh hưởng tại khu IV. Ông Châu cho rằng, cơ quan chức năng của tỉnh Vĩnh Long đã làm sai trình tự thủ tục trong đền bù giải phóng mặt bằng tại TCN Cổ Chiên. Cụ thể là họ yêu cầu hộ dân phải nhận tiền đền bù (tháng 11-2003) trước khi có Quyết định 908/2004/QĐ-UBND ngày 9-4-2004 thu hồi đất tổng thể toàn tuyến, chứ không hề có quyết định thu hồi đất đối với từng hộ dân tại đây. Ông Châu nêu ra nhiều bất cập: “Giá đất thổ cư loại 1 (mặt tiền giáp tỉnh lộ 902) của tôi bị thu hồi chỉ được bồi hoàn 45 nghìn đồng/m2, trong khi cũng trên phần đất này, Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Vĩnh Long hợp đồng giao cho nhà đầu tư có thu tiền sử dụng đất là 350 nghìn đồng/m2/năm. Chúng tôi bị thu hồi, mất đất vĩnh viễn nhưng giá bồi hoàn thấp hơn mức giá cho thuê lại đến cả chục lần là không thể chấp nhận được”. Trong khi đó, các hộ dân có đất sản xuất, lò gốm, gạch bị giải tỏa với giá này phải di dời sang khu V và thuê lại đất cũng với giá 350 nghìn đồng/m2/năm để sản xuất.
Không đồng tình với các quyết định của cấp có thẩm quyền, hàng chục hộ dân tại khu IV và V TCN Cổ Chiên kiên quyết không nhận tiền đền bù và bám trụ trên phần đất của mình. Đồng thời đi “gõề cửa cơ quan chức năng để khiếu nại suốt nhiều năm nhưng vẫn không được xem xét, giải quyết. Quá bức xúc, 15 hộ dân tại khu IV ấp Sơn Đông, xã Thanh Đức đã khởi kiện các quyết định hành chính của UBND tỉnh Vĩnh Long ra tòa. Tháng 11-2011, TAND tỉnh Vĩnh Long đã thụ lý các vụ kiện nêu trên, nhưng đến ngày 25-9-2012 mới đưa ra xét xử. Theo kế hoạch, vào ngày 25-9 vừa qua, TAND tỉnh Vĩnh Long đưa ra xét xử ba trong số 15 vụ kiện nêu trên. Tuy nhiên, phiên tòa đầu tiên phải hoãn vì đại diện Viện KSND tỉnh không đến dự. Lý do được tòa án đưa ra là cơ quan này bận thu thập thêm chứng cứ (?). Ngày 1-10 vừa qua, TAND tỉnh Vĩnh Long mở lại phiên tòa này nhưng vẫn tiếp tục hoãn vì đại diện Viện Kiểm sát không đến dự cũng với lý do cũ. Yêu cầu chung của hầu hết các hộ dân là hủy Quyết định 908/2004/QĐ-UBND ngày 9-4-2004 của UBND tỉnh Vĩnh Long vì ban hành không đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật. Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Đấu, đại diện cho bị đơn UBND tỉnh Vĩnh Long tham gia tố tụng tại tòa, Quyết định 908/2004/QĐ-UBND được ban hành đúng theo quy định của pháp luật. Trong quyết định này có kèm bảng tổng hợp diện tích đất thu hồi và trích đo bản đồ địa chính khu đất, nhưng do “sơ suất” cho nên ghi là “danh sách dự kiến thu hồi đất”(?). Sau đó, UBND tỉnh Vĩnh Long xác định lại danh sách thu hồi đất bằng Quyết định 437/QĐ-UBND. Phó trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Long Đặng Quang Tấn cho biết, do tính cấp bách của dự án cho nên phải tiến hành chi trả đền bù trước khi có quyết định thu hồi đất. Tuy nhiên, gần mười năm qua, chỉ mới có hai nhà đầu tư nhận đất vào sản xuất, còn lại đều là rừng lau sậy, cỏ dại um tùm, phải chăng là nghịch lý?
Theo Nhandan
Ý kiến ()