Nghịch lý trên thị trường việc làm Mỹ
Các doanh nghiệp Mỹ đang phải đối mặt với một nghịch lý hàng triệu người vẫn thất nghiệp sau khi mất việc trong đại dịch, nhưng doanh nghiệp không tuyển được nhân công.
Tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cao, các biện pháp hạn chế được nới lỏng và một khoản hỗ trợ Covid-19 cho người dân của chính quyền liên bang đang thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng tại Mỹ gia tăng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Mỹ đang phải vật lộn với vấn đề nhân công.
Theo báo cáo việc làm của Bộ Lao động Mỹ, tháng 3-2021, thị trường lao động Mỹ có thêm 770.000 việc làm, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ bắt đầu có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch. Tuy nhiên, trái ngược với dự đoán sẽ có thêm một triệu việc làm trong tháng tiếp theo, thì trên thực tế, tháng 4-2021, con số này rơi xuống mức khá thất vọng: 266.000 việc làm, tỷ lệ thất nghiệp vẫn duy trì ở mức cao 6,1%.
Một cửa hiệu McDonald’s ở thị trấn Cranberry, bang Pennsylvania đăng biển tuyển dụng nhân viên. Ảnh: AP |
Việc thiếu hụt nhân công có thể là một trong những nguyên nhân cản trở sự phục hồi hoạt động của các doanh nghiệp. Một số công ty xây dựng phải tạm ngừng đấu thầu dự án mới, hoặc buộc phải xin giãn tiến độ bàn giao công trình; các chủ nhà hàng không đủ nhân viên phục vụ đành phải tạm ngưng, chưa dám mở lại một số cơ sở.
Kurt Alstede-chủ trang trại Alstede ở Chester, New Jersey, có 30 nhân viên làm việc quanh năm nhưng vào mùa cao điểm thu hoạch, ông cần số lao động mùa vụ lên đến 200 người. Các sản phẩm nông nghiệp từ trang trại này được coi là mặt hàng thiết yếu và trang trại liên tục vận hành không ngừng nghỉ trong suốt đại dịch. Số nhân công làm việc thời vụ cho Alstede gồm một số sinh viên đại học và lao động tự do lớn tuổi. Giờ thì sinh viên hầu như học tại nhà nên nhu cầu tìm việc giảm, còn người lớn tuổi lo ngại dịch bệnh không muốn ra khỏi nhà vì thuộc nhóm nguy cơ cao.
Một nguồn nhân lực quan trọng nữa của trang trại Alstede là lao động từ các quốc gia khác, tuy nhiên đến thời điểm này, người nước ngoài chưa được cấp thị thực để vào Mỹ. Hậu quả là những lao động hiện có của Alstede phải gánh thêm việc. Alstede đã tăng lương cho nhân viên lên 20% và do đó, ông buộc phải điều chỉnh giá sản phẩm. Dĩ nhiên, việc tăng giá đó sẽ tác động trực tiếp đến túi tiền người tiêu dùng.
Joanne Kwong, ông chủ của Pearl River Mart-một chuỗi cửa hàng tiện dụng, lại sử dụng đa số lao động gốc Á. Sự bùng nổ các vụ kỳ thị nhằm vào người châu Á gần đây khiến việc sắp xếp lịch làm việc cho các nhân viên trở nên khó khăn, vì họ tránh sử dụng tàu điện ngầm. Giờ đóng mở cửa cũng phải thay đổi để nhân viên kịp về nhà trước khi trời tối.
Steve Sperbeck, Giám đốc Công ty giao nhận vận tải ERL Intermodal ở Utica, New York, đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng tài xế. Cho dù mức lương trả cho tài xế xe tải khá cao, từ 70.000 đến 130.000 USD/năm nhưng đội xe 50 chiếc của Sperbeck vẫn còn 7, 8 chiếc phải “đắp chiếu” vì không đủ tài xế. Thiếu hụt nhân công còn ảnh hưởng đến khả năng mở rộng của công ty, bởi nhu cầu vận chuyển hàng hóa đang tăng mạnh. Sperbeck có thể bổ sung thêm 50 xe tải nữa, nếu tìm được tài xế.
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm nhân công: Người lao động chưa sẵn sàng đi làm trở lại do thiếu người chăm sóc con cái khi trường học vẫn tiếp tục đóng cửa; lo ngại virus có thể tiếp tục lây lan; lo lắng về sự an toàn khi đi làm, nhất là nạn kỳ thị người gốc Á; lo doanh nghiệp chưa hoạt động hết công suất như trước đại dịch, dẫn tới công việc và thu nhập của họ có thể bấp bênh… Việc chính quyền Tổng thống Joe Biden gia hạn bảo hiểm thất nghiệp ở mức 300 USD/tuần, mà ở một số bang, các khoản phúc lợi kết hợp dành cho người thất nghiệp có thể lên tới 600 USD/tuần, tương đương gần 16 USD/giờ, gấp đôi mức lương tối thiểu của liên bang, cũng là lý do khiến người lao động chần chừ chưa muốn tìm việc. Nhiều người đang nhận tiền trợ cấp thất nghiệp nhiều hơn số tiền họ kiếm được khi đi làm.
Khó khăn trên thị trường lao động khiến các doanh nghiệp phải tìm cách đối phó và thích ứng. Kể từ khi đại dịch bùng phát, James Mallios bắt đầu tính thêm phí quản lý 18% tại 3 nhà hàng của ông ở New York. Do đó, Mallios có thể trả cho nhân viên của mình từ 20 đến 55 USD/giờ. Nhờ vậy, ông đã duy trì khoảng 40-50 nhân viên kể từ tháng 6-2020 và mới đây đã tìm đủ nhân viên để khai trương thêm một nhà hàng mới.
Sophie Evanoff, chủ cửa hàng Vanille Patisserie ở Chicago, có 20 nhân viên và cần tuyển thêm 8 đến 10 lao động nữa. Cô quyết định tăng lương nhân viên lên 20%, chấp nhận kinh doanh không lợi nhuận để gồng gánh doanh nghiệp của mình vượt qua giai đoạn khó khăn này. Trong khi đó, ERL Intermodal của Steve Sperbeck buộc phải chuyển hướng sang tìm tài xế tại các trường dạy lái xe, cho dù điều này kéo theo việc họ sẽ phải chi thêm kinh phí hỗ trợ đào tạo lái xe. Fabio Sandri, Giám đốc điều hành của Công ty chế biến gia cầm Pilgrim’s Pride cho biết, công ty đã chi 40 triệu USD để tăng lương trong quý đầu tiên của năm, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư vào tự động hóa để giảm sự phụ thuộc vào công nhân.
Ý kiến ()