Nghịch lý thiếu, lãng phí đất san lấp ở Thái Nguyên
Trong khi toàn tỉnh Thái Nguyên đang rất thiếu đất san lấp thì cũng trên địa bàn này đang có lượng đất thải rất lớn không có chỗ chứa, chất thải đổ cao như núi vừa lãng phí, mất an toàn, vừa mất mặt bằng. Tỉnh Thái Nguyên cần giải bài toán này để khắc phục bất cập hiện nay.
Kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng tỉnh Thái Nguyên đang phát triển nhanh, nhu cầu đất san lấp trên địa bàn rất lớn, ước tính mỗi năm cần khoảng 30 triệu m3. Tuy nhiên, việc quy hoạch chưa đáp ứng tình hình thực tế, cấp phép khai thác mỏ đất quá ít, đến nay mới có khoảng 10 mỏ đất hoạt động, công suất nhỏ, phân bố không đều, nhiều huyện không có mỏ đất dẫn đến khan hiếm nguồn đất san lấp, xảy ra khai thác trái phép, ô nhiễm môi trường, hư hỏng giao thông nông thôn, làm người dân nhiều nơi bức xúc.
Trên địa bàn tỉnh những năm gần đây, nhất là hiện nay, việc vận chuyển vật liệu san lấp xa, giá xăng, dầu ở mức rất cao làm cho giá vật liệu tăng cao, hiện tại tăng gấp 2 lần so với năm trước làm cho đất san lấp càng trở nên khan hiếm, nhiều công trình, dự án trên địa bàn đang rất thiếu đất san lấp, chậm tiến độ.
Đại Từ là huyện đang phát triển nhanh, hiện nay triển khai nhiều dự án đầu tư công, dự án thu hút đầu tư, cần lượng đất san lấp rất lớn, nhưng trên địa bàn không có mỏ đất nào được cấp phép khai thác, phải vận chuyển từ nơi khác về, hoặc lén lút khai thác trái phép trên địa bàn làm công trình chậm tiến độ, đội giá. Tỉnh vừa quy hoạch 3 mỏ đất trên địa bàn huyện Đại Từ, nhưng các thủ tục về thăm dò, đấu thầu lựa chọn đơn vị khai thác, giải phóng mặt bằng và nhiều thủ tục khác nên phải gần 2 năm nữa mới có thể khai thác được.
Trên địa bàn các huyện Đồng Hỷ, Phú Bình, TP Phổ Yên, do nhu cầu đất san lấp rất lớn, chính quyền địa phương thiếu kiên quyết, ngăn chặn không thường xuyên, liên túc đã dẫn đến khai thác đất trái phép, làm dư luận bức xúc.
Khắc phục tình trạng thiếu đất làm vật liệu san lấp, thời gian gần đây UBND tỉnh Thái Nguyên ráo riết chỉ đạo các Sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, UBND các huyện, thành phố quy hoạch gần 30 mỏ đất làm vật liệu san lấp. Tuy nhiên, để có thể đưa vào khai thác thì cần nhiều thời gian, ít nhất là khoảng 18 tháng để làm các thủ tục cần thiết.
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đang diễn ra nghịch lý, đó là trong khi đất làm vật liệu san lấp đang rất khan hiếm thì lượng đất rất lớn được bóc dỡ tại các mỏ khai thác khoáng sản đang bị lãng phí. Như tại huyện Đại Từ, không có mỏ đất, nhưng lượng đất thải rất lớn tại mỏ than Núi Hồng trên địa bàn lại không được sử dụng, lãng phí.
Hai bãi thải của mỏ than Khánh Hòa đang được chất cao như núi, thời gian tới, nếu không giải phóng được mặt bằng để mở rộng bãi đổ thải thì mỏ than này sẽ phải dừng hoạt động vì không còn chỗ đổ thải. Phó Giám đốc mỏ than Khánh Hòa Vũ Thành Hưng, cho biết: Để khai thác than, những năm qua, mỏ than Khánh Hòa bốc dỡ lượng đất đá khổng lồ, bình quân mỗi năm khoảng 4,5 triệu m3 (tương đương với một mỏ đất trung bình), chất thải này dùng làm vật liệu san lấp mặt bằng thì sẽ rất hiệu quả.
Tương tự như vậy, tại mỏ than Phấn Mễ, bãi thải rộng đến hàng trăm ha, chất cao như núi, từng xảy ra sạt lở nguy hiểm, mỏ than phải sử dụng máy xúc, máy ủi để khắc phục sạt lở nhằm bảo đảm an toàn cho người dân.
Trên địa bàn tỉnh, có 2 nhà máy nhiệt điện với công suất hơn 200 MW, hằng năm thải ra lượng xỉ rất lớn, Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn hiện nay đang phải sử dụng hàng chục ha đất để làm bãi thải xỉ lò, chất thải này có thể dùng làm vật liệu san lấp.
Nếu chất thải tại các mỏ khai thác khoáng sản được sử dụng làm vật liệu san lấp thì sẽ rất hiệu quả, vừa không mất đất để làm bãi thải, giảm chi phí chở đất đổ thải, khắc phục tình trạng nhiều bãi thải đang quá tải, tránh sạt lở trong mùa mưa, bụi vào mùa khô và góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm vật liệu san lấp trên địa bàn.
Ý kiến ()