Nghịch lý giá thịt lợn bán lẻ
Thời gian qua, tại nhiều địa phương trong cả nước, giá lợn xuất chuồng liên tục lao dốc, đến thời điểm giữa tháng 10, giá lợn hơi chỉ còn ở mức 35 đến 40.000 đồng/kg, thậm chí có nơi giá xuống dưới 30.000 đồng/kg (giảm khoảng 30 đến 40.000 đồng/kg so với sáu tháng trước).
Điều đáng nói là, trong khi giá lợn hơi giảm sâu, thì giá thịt lợn bán lẻ tại các chợ truyền thống và siêu thị vẫn cao. Nghịch lý này không chỉ khiến các hộ chăn nuôi lao đao mà người tiêu dùng cũng bị thiệt thòi.
Khảo sát tình hình chăn nuôi tại Hà Nam – một tỉnh chăn nuôi lợn trọng điểm của miền bắc cho thấy, việc giá lợn xuất chuồng liên tục giảm khiến người chăn nuôi đang phải chịu thiệt hại nặng nề, nhất là đối với khu vực chăn nuôi nông hộ. Chia sẻ về khó khăn hiện nay, anh Nguyễn Văn Hồng, chủ trang trại lợn ở xã Kim Bình, TP Phủ Lý cho biết: Từ tháng 9/2021, giá lợn hơi giảm xuống dưới 50.000 đồng/kg và đến đầu tháng 10/2021 thì chạm mốc 30.000 đến 35.000 đồng/kg.
So với giá bình quân năm 2020, mức giá hiện tại đã giảm mạnh từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg, trong khi giá bình quân các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng so với cùng kỳ năm 2020 khoảng 45%. Với giá xuất chuồng này, người chăn nuôi phải bù lỗ trung bình khoảng 1,5-2 triệu đồng/con. Với các hộ nuôi nhỏ, không tự chủ con giống, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao thì lại càng khó khăn hơn. Giá đã giảm, tiêu thụ lại chậm, nhiều hộ phải giữ lại nuôi thêm, khiến chi phí càng đội lên.
Theo ông Lã Đức Quỳnh, Chủ tịch Công ty chợ lợn Bối Cầu (xã Bối Cầu, huyện Bình Lục, Hà Nam), ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch thì giá lợn hơi bắt đầu đi xuống. Dịch bệnh khiến nhu cầu tiêu thụ thấp trong khi nguồn cung cao, hơn nữa việc vận chuyển phức tạp, khó khăn cũng khiến thương lái “ngại” thu mua. Trước đây bình quân, mỗi ngày tại chợ lợn đầu mối xã Bối Cầu có mức tiêu thụ đến cả nghìn con lợn, thì nay, cũng giảm xuống còn khoảng 500 – 600 con. Do dịch bệnh, nên nhiều bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, nhà hàng phải đóng cửa nên việc tiêu thụ lợn cho các nhà máy, xí nghiệp hầu như bị dừng lại, đó cũng là một nguồn tiêu thụ lớn mặt hàng thịt lợn hiện nay. Phó Cục trưởng Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cho rằng, vừa qua do giãn cách xã hội ở nhiều địa phương bởi dịch Covid-19, nhu cầu tiêu thụ giảm nhiều, nên đàn lợn quá lứa còn ứ đọng lại trong chuồng chưa xuất bán khoảng 30%. Ngoài ra, giá lợn hơi giảm còn do thịt lợn nhập khẩu từ các nước vào thị trường nước ta từ đầu năm đến nay cũng tăng…
Tuy nhiên, có một nghịch lý là, trong khi người chăn nuôi phải bán lợn hơi với giá thấp mà không có người mua, thì giá bán lẻ thịt lợn tại các sạp ngoài chợ vẫn cao, có giảm cũng không đáng kể, chưa tương xứng với tốc độ giảm tại trại chăn nuôi; thậm chí trong các siêu thị, giá bán trung bình còn cao hơn nhiều lần. Giá thịt lợn tại các chợ ở Hà Nội ngày 17/10 vẫn ở mức cao, từ 80.000 đến 140.000 đồng/kg tùy loại. Còn tại các siêu thị, giá bán còn cao hơn nhiều. Giá các loại thịt lợn vai, mông sấn, ba chỉ ở siêu thị của hệ thống BRG Mart khoảng từ 90.000 đến 197.000 đồng/kg; còn thịt lợn của Meat Deli dao động trong khoảng 129.900 đến 199.900 đồng/kg. Tại Công ty Thực phẩm tươi sống Hà Hiền, mặc dù đã điều chỉnh giảm 5.000 đồng/kg đến 10.000 đồng/kg, song thịt ba chỉ công ty bán ra vẫn còn 120.000 đồng/kg và sườn non là 150.000 đồng/kg…
Lý giải về việc mặt hàng thịt lợn vẫn gần như “đứng giá”, chị Nguyễn Thị Hoa, tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Hòe Nhai cho biết: Do nguồn thịt phải lấy qua nhiều khâu trung gian (thương lái mua lợn, các lò giết mổ, tiểu thương buôn bán lẻ…), nên khi bán ra giá cao. Từ ảnh hưởng của dịch Covid-19, khâu trung gian cũng có cớ để tăng giá vì phải cộng thêm chi phí trong vận chuyển, nhân công bốc vác và chi phí xét nghiệm để phòng, chống dịch. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở nhiều nơi trong cả nước. Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân tăng giá cũng không loại trừ sự chi phối từ các doanh nghiệp lớn, “chốt giá” bán tại các siêu thị. Theo thống kê, 16 doanh nghiệp chăn nuôi lớn chiếm từ 23-24% tổng số đàn lợn thịt (hơn 6 triệu con lợn thịt).
Từ thực tế trên, để khắc phục những bất cập trên, theo các chuyên gia, cần tiếp tục sản xuất chăn nuôi lợn theo các chuỗi liên kết khép kín; phát huy vai trò của các doanh nghiệp, hiệp hội để cân đối, điều hòa sản xuất sát hơn với thị trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Bộ Công thương kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi (trong đó có thịt lợn). Đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho lưu thông và bình ổn thị trường sản phẩm chăn nuôi. Kiến nghị với Bộ Tài chính có chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất sau dịch bệnh, trong đó có hỗ trợ lãi suất tín dụng cho người chăn nuôi vay vốn khôi phục và mở rộng sản xuất. Các địa phương cần làm việc với doanh nghiệp chế biến, giết mổ, phân phối, các chợ đầu mối rà soát chi phí trong các khâu nhằm tiết giảm chi phí trung gian, giảm sự chênh lệch giữa giá thu mua và giá bán lẻ thịt lợn. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc, kiểm tra tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất đến tiêu thụ thịt lợn, xác định rõ khâu nào thu lợi nhất để có hướng giải quyết. Các bộ, ngành liên quan cần xây dựng một bộ phận tập hợp các chuyên gia hiểu biết sâu về sự biến động của thị trường nông sản nói chung, thịt lợn nói riêng, dự đoán diễn biến thị trường, xây dựng các kịch bản ứng phó khi giá giảm mạnh. Ông Nguyễn Quang Hiếu, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH De Heus đề xuất thêm, nên xây dựng chính sách hỗ trợ, kiểm soát giá thức ăn chăn nuôi nhằm hỗ trợ các doang nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi và người chăn nuôi, “hạ nhiệt” được giá thức ăn chăn nuôi, nâng giá trị gia tăng sản phẩm chăn nuôi. Cùng với đó, cần tổ chức lại sản xuất ngành hàng thịt lợn theo hướng tập trung, quy mô lớn theo tín hiệu thị trường ■
Ý kiến ()