Nghịch lý đáng lo
Những tác động vô cùng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19 vẫn không ngăn cản được các cường quốc hạt nhân tăng chi tiêu vào kho vũ khí nguyên tử của mình.
Mới đây, tổ chức Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) đã công bố một bản báo cáo, trong đó nhấn mạnh rằng 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới đã chi tới 72,6 tỷ USD cho vũ khí này trong năm 2020, tăng 1,4 tỷ USD so với năm trước đó. Đáng chú ý, Mỹ đứng đầu danh sách với 37,4 tỷ USD, chiếm hơn nửa tổng chi của các nước còn lại, theo sau là Trung Quốc (10 tỷ USD), Nga (8 tỷ USD), Anh (6,2 tỷ USD) và Pháp (5,7 tỷ USD).
Có một nghịch lý dễ dàng nhìn thấy được, đó là việc tăng chi tiêu trên diễn ra trong bối cảnh thế giới đang chật vật ứng phó với cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ qua. “Khi đại dịch khiến bệnh viện chật cứng bệnh nhân, đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế phải làm việc quá tải, còn vật tư y tế cơ bản luôn trong tình trạng khan hiếm, những nước này lại đổ tiền vào vũ khí hủy diệt hàng loạt thay vì dồn tổng lực cho cuộc chiến chống Covid-19”, báo cáo của ICAN nhấn mạnh.
Binh sĩ Mỹ thực hiện bảo dưỡng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Minuteman III tại Căn cứ không quân F.E.Warren. Ảnh: USAF |
Xu hướng tăng đáng báo động này cũng tỷ lệ thuận với việc nhiều quốc gia mở rộng “hầu bao” cho các hoạt động quân sự. Báo cáo thường niên cán cân quân sự của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) cho biết, chi tiêu quốc phòng toàn cầu đạt khoảng 1.830 tỷ USD trong năm 2020, tăng 3,9% so với năm 2019, dù tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới năm ngoái tăng trưởng âm 4,4% vì “thấm đòn” từ đại dịch bùng phát.
Thêm vào đó, báo cáo của ICAN nêu rõ, trong khi các nước sở hữu vũ khí hạt nhân tiếp tục “ném qua cửa sổ” hàng tỷ USD, thì phần còn lại của thế giới đang nỗ lực đưa loại vũ khí này vào danh mục mặt hàng bất hợp pháp. Thời gian qua, rất nhiều nước đã tích cực hợp tác nhằm thúc đẩy phi hạt nhân hóa toàn cầu. Gần đây nhất, Hiệp ước của Liên hợp quốc cấm vũ khí hạt nhân bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22-1-2021 sau khi 50 nước tham gia ký kết hoàn tất quá trình phê chuẩn vào tháng 10-2020. Quy chuẩn quốc tế lịch sử này cấm phát triển, sản xuất, thử nghiệm, dự trữ, sử dụng và đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, qua đó hứa hẹn sẽ tạo động lực cho phong trào giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu. Dù vậy, hiệp ước lại thiếu vắng toàn bộ các nước có vũ khí hạt nhân cũng như Nhật Bản-quốc gia duy nhất đã phải hứng chịu sự tàn phá của các vụ ném bom nguyên tử.
Lý giải cho những điều này, báo cáo của ICAN cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng các quốc gia trên chi tiêu cho vũ khí hạt nhân nhiều như vậy không phải vì lợi ích an ninh hay cạnh tranh giữa các nước lớn, mà xét cho cùng đó là “miếng bánh” kinh doanh. Phân tích hàng nghìn hợp đồng, báo cáo hằng năm và các nguồn tin khác, ICAN nhận thấy hàng chục tập đoàn lớn như BAE Systems, Boeing, General Dynamics, Lockheed Martin, Northrop Grumman, Raytheon, Textron… đã kiếm được các hợp đồng sản xuất mới hoặc nâng cấp, hiện đại hóa vũ khí hạt nhân trị giá tới 27,7 tỷ USD trong năm 2020. Các công ty này sau đó lại bỏ ra 117 triệu USD nhằm vận động các nhà hoạch định chính sách ủng hộ việc chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng, trong đó có vũ khí hạt nhân; đồng thời tài trợ cho hầu hết các cơ quan chuyên nghiên cứu các giải pháp chính sách về vũ khí hạt nhân.
Báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) quan ngại rằng ngay cả khi Chiến tranh lạnh đã kết thúc từ 3 thập kỷ trước, kho dự trữ vũ khí hạt nhân toàn cầu vẫn ở mức 13.400 đầu đạn. Theo cơ quan này, hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới là Mỹ và Nga tiếp tục nâng cấp và làm mới kho vũ khí hạt nhân của mình, dẫn tới số lượng đầu đạn hạt nhân của hai nước này tuy giảm song lại có mức độ nguy hiểm hơn nhiều. Không kém cạnh, các quốc gia khác cũng thực hiện những chương trình hiện đại hóa kho vũ khí tốn kém.
Việc các quốc gia ngày càng coi lực lượng hạt nhân là “con bài” răn đe và bảo đảm an ninh khiến thế giới có thể phải chứng kiến những cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới và tiếp tục phải sống trong nỗi lo sợ thảm họa hạt nhân bất cứ lúc nào. Thực tế đó trở thành rào cản đối với nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong tiến trình giải trừ quân bị hạt nhân nhằm hiện thực hóa mục tiêu vì một “ngôi nhà chung” không có vũ khí hạt nhân.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()