Thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố Lạng Sơn
Trong những năm chiến tranh, hai miền đất nước còn bị chia cắt, dấu ấn quan trọng của ngành LĐTB&XH tỉnh ta là đã thực hiện hiệu quả chủ trương “đón thương binh về làng”. Thời bấy giờ, tỉnh Lạng Sơn đã thành lập Trại huấn luyện (gọi là trại B7) và Trại an dưỡng, đóng gần trụ sở Ty Thương binh – Cựu binh (huyện Thoát Lãng). Ngoài 2 trại này, còn thành lập 3 nhóm thương binh tự túc ở Văn Uyên, Thoát Lãng và thị xã Lạng Sơn. Mặc dù còn phải tập trung sức người, sức của cho chiến trường đang ở giai đoạn quyết liệt của cuộc tổng phản công nhưng tỉnh ta đã nỗ lực vận động sự đóng góp của nhân dân, phát động phong trào tăng gia sản xuất trong cơ quan và các trại, đảm bảo cải thiện đời sống thương – bệnh binh. Cùng với đó, ngành thương binh – cựu binh tỉnh đã cử các đoàn cán bộ trực tiếp về các huyện điều tra tình hình ruộng đất, phân cấp đất cho thương binh sản xuất, đồng thời phối hợp với các tổ chức Hội lập kế hoạch đón thương binh về làng. Mỗi địa phương đã trích một phần ruộng công hoặc khai hoang, phục hóa đất mới để giúp thương binh có đất sản xuất. Chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong xã đã tổ chức cày cấy, chăm bón, gặt hái giúp đỡ thương binh, mở các lớp đan lát, may mặc, cắt tóc… tạo thêm công ăn, việc làm. Các thương binh và gia đình liệt sỹ được địa phương ưu tiên chia ruộng đất tốt, giảm tô, giảm tức, miễn giảm thuế nông nghiệp, miễn nghĩa vụ dân công. Cùng với tình thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân, những chính sách và biện pháp của tỉnh trong việc tổ chức “đón thương binh về làng” đã có tác dụng giúp hơn 80% thương binh có cuộc sống ổn định.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là giai đoạn 1954-1960 là giai đoạn vừa phải giải quyết chính sách đối với TBLS của thời kỳ kháng chiến chống Pháp, vừa phải nghiên cứu sửa đổi bổ sung chính sách phù hợp để động viên các gia đình liệt sĩ và anh em thương – bệnh binh hăng hái thi đua lao động sản xuất, góp phần vào nhiệm vụ khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo và xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Bước vào thời kỳ đổi mới và xây dựng đất nước, giai đoạn 1986-1990, Nhà nước đã ban hành bổ sung và sửa đổi các chính sách đối với TBLS&NCC. Những chính sách đó là cơ sở pháp lý để ngành LĐTB&XH giải quyết quyền lợi cho các đối tượng có công với nước. Trong giai đoạn 1991-1995, công tác TBLS&NCC của tỉnh ta đã có sự đổi mới về chất, góp phần giúp các gia đình TBLS&NCC có điều kiện cải thiện cuộc sống. Thời kỳ này, toàn tỉnh có 42 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, nhiều hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” được các ban ngành, đoàn thể phát động, hưởng ứng và thực hiện hiệu quả. Đến giai đoạn 1996-2000, công tác TBLS&NCC tiếp tục được đẩy mạnh, kịp thời giải quyết các chế độ chính sách cho các đối tượng. Đời sống của các đối tượng có công được nâng lên hơn trước, tạo tâm lý phấn khởi, tin tưởng vào đường lối cách mạng của Đảng và Nhà nước.
Bước vào 10 năm đầu của thế kỷ XXI, ngành LĐTB&XH tỉnh đã kịp thời giải quyết chế độ cho 9.539 lượt người có công. Phong trào “đền ơn đáp nghĩa” phát triển sâu rộng với 218/226 xã, phường làm tốt công tác chăm sóc NCC; số xã, phường tạo điều kiện cho các gia đình chính sách có mức sống trung bình trở lên chiếm tỷ lệ 98,34%; 98,7% hộ chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình dân cư nơi cư trú. Bình quân mỗi năm toàn tỉnh trích từ quỹ “đền ơn đáp nghĩa” xây dựng 30-40 nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách. Riêng giai đoạn 2001-2005 xây dựng được 155 nhà; sửa chữa, cải tạo, nâng cấp được 140 nhà cho các đối tượng chính sách, 2.660 mộ liệt sỹ; xây dựng 56 nhà bia xã biên giới, xã anh hùng và các xã, phường, thị trấn.
Ông Nông Thanh Bình, Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết: phát huy những kết quả của ngành trong công tác chăm sóc TBLS&NCC những năm qua, năm 2011, toàn tỉnh có 39.900 đối tượng NCC. Đến nay, theo số liệu thống kê thì toàn tỉnh đã thực hiện được một số kết quả tích cực, trong đó tiếp tục phụng dưỡng 5 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, sửa và nâng cấp 1 nghĩa trang liệt sỹ, 1 nhà bia ghi tên liệt sỹ, quy tập 10 mộ liệt sỹ vào nghĩa trang liệt sỹ. Cùng với đó là thực hiện chính sách xóa nhà ở dột nát, nhà tạm cho gia đình chính sách, ước cả năm thực hiện được 41 hộ; xây, tặng 23 nhà tình nghĩa, tặng 27 sổ vàng tình nghĩa và cả năm 2011 ước thực hiện theo kế hoạch sẽ có 226/226 xã, phường, thị trấn làm tốt công tác chăm sóc TBLS&NCC.
Những kết quả trên thực sự là những dấu ấn quan trọng trong thực hiện chính sách TBLS&NCC trên địa bàn tỉnh ta. Trong quá trình 180 năm xây dựng và phát triển tỉnh Lạng Sơn, những nỗ lực của ngành LĐTB&XH đã đóng góp rất lớn vào việc thực hiện chế độ, chính sách đối với NCC, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà.
Ý kiến ()