Những ngày cuối tháng Tư lịch sử, tấp nập những chuyến bay, những chuyến tàu ra đảo Phú Quốc (Kiên Giang). Hòa trong dòng người từ mọi miền đất nước đến với Phú Quốc để tưởng nhớ những người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, có Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Sơn, cùng đông đảo cán bộ, nhân dân, bộ đội và đại diện các chiến sĩ cách mạng đã từng bị địch bắt, tù đày tại nơi đây.
Đồng chí Phạm Bá Lữ, Trưởng ban liên lạc tù binh Việt Nam nói với chúng tôi: “Đồng chí Tư Sang trước cũng bị tù đày tại Phú Quốc, sự có mặt của đồng chí trong những ngày này thật ý nghĩa, thật ấm lòng người đã khuất!”.
Trời Phú Quốc mấy ngày này chợt nắng, chợt mưa. Chủ tịch nước cùng mọi người với lòng thành kính dâng hương, hoa trên Đài liệt sĩ Tổ quốc ghi công và thắp hương trên từng ngôi mộ – nơi yên nghỉ của các chiến sĩ cách mạng đã hy sinh vì Tổ quốc. Xin anh linh các Anh hùng, liệt sĩ hãy an lòng yên nghỉ nơi đây. Tổ quốc ta, nhân dân ta, Đảng ta mãi mãi ghi nhớ công lao, sự hy sinh xương máu của các đồng chí. Chúng tôi hiểu rằng, trên từng tấc đất của Phú Quốc hôm nay, đều thắm đậm máu xương của các chiến sĩ cách mạng kiên trung, bất khuất, những người con thân yêu của mọi miền đất nước đã không tiếc tuổi xuân vì độc lập, tự do của Tổ quốc ta. Tất cả đều có chung một cảm xúc ấm áp và linh thiêng giữa lòng đất đảo Phú Quốc.
Sau khi viếng các liệt sĩ, Chủ tịch nước cùng các đại biểu đã đi kiểm tra tình hình thực hiện dự án khôi phục khu giam B2. Chủ tịch nước vui mừng khi chất lượng, tiến độ phục dựng các hạng mục công trình do cán bộ, công nhân Tổng công ty Xây dựng số 1 (Bộ Xây dựng) và các đơn vị tài trợ thực hiện có nhiều tiến bộ so với yêu cầu đề ra. Đồng chí Chủ tịch nước nêu rõ: Di tích lịch sử Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam Phú Quốc là một trong những bằng chứng hùng hồn về tội ác của kẻ xâm lược và bè lũ tay sai bán nước. Việc phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị di tích nhằm giáo dục truyền thống yêu nước và tinh thần đấu tranh cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Đồng thời giới thiệu với khách tham quan trong nước và quốc tế đến đây để thấy rõ hơn các cuộc thảm sát đẫm máu của bọn cai ngục và nhất là hiểu rõ hơn lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, là việc làm hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng.
Đồng chí Trương Tấn Sang cùng đồng đội nghẹn ngào, xúc động và dừng lại rất lâu tại một số phòng trưng bày những bức ảnh, những hình tượng, mô tả những hành động tra tấn cực kỳ dã man, tàn bạo của bọn cai ngục đối với các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày. Đó là, những chứng tích khi khai quật hài cốt liệt sĩ, nhiều đồng chí bị địch tra tất bằng những chiếc đinh đóng vào đầu, vào khớp gối, vào hai bên thái dương, vẫn còn nguyên vẹn, khiến những người chứng kiến không sao cầm được nước mắt. Đó là, hình tượng bọn giám thị dùng nước phân, lẫn nước tiểu trong thùng tiêu để bắt người tù uống. Chúng coi đó là “Cà-phê sữa mỗi sáng” của người tù. Đó còn là, tra tấn bằng cách đục răng, dùng bao tải trùm lên người tù, rồi nhúng vào chảo nước sôi. Đó còn là, những hình tượng miêu tả các cuộc chống trả bi hùng của những người tù đối với sự đàn áp tàn bạo của bọn cai ngục… Qua thống kê sơ bộ, có khoảng 45 kiểu tra tấn của chúng đối với các chiến sĩ trong tay không một thứ vũ khí gì. Những câu chuyện về một “Địa ngục trần gian” giữa biển khơi được tái hiện với các hiện vật, các bức ảnh, các hình tượng… và các đoạn phim của những nhân chứng sống lịch sử đã là lời tố cáo đanh thép nhất về tội ác dã man, tàn bạo của bọn cai ngục.
Tại Bãi Khem, nơi bọn cai ngục xây dựng nhà biệt giam để tra tấn và hành hạ các chiến sĩ cách mạng bị tù đày đến chết, mà bọn chúng gọi là “Trại kỷ luật – Trại giam tù binh cộng sản Phú Quốc”. Đây là nơi giam giữ những đồng chí mà bọn chúng nghi là lãnh đạo tù binh đấu tranh. Đồng chí Chủ tịch nước bùi ngùi, xúc động dừng lại hồi lâu trên nền nhà biệt giam rộng 9 m, dài 12,5 m. Vậy mà có lúc kẻ địch nhốt gần 200 người tù, phạt ăn cơm nhạt cả tháng trời. Mỗi ngày, mỗi người một nắm cơm nhạt bằng trái quýt và một lon nước uống. Phần lớn các đồng chí bị biệt giam ở đây, bị hy sinh, rất ít người sống sót trở về. Chủ tịch nước căn dặn đôi vợ chồng anh Hồ Tuấn và chị Nguyễn Thị Cúc, (là gia đình đang sinh sống gần nền nhà biệt giam) cố gắng gìn giữ, bảo quản hiện vật nền nhà biệt giam còn xót lại và thường xuyên thắp hương cho các liệt sĩ hy sinh tại mảnh đất này.
Đồng chí Chủ tịch nước mong muốn lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, huyện Phú Quốc phối hợp tốt với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đơn vị thi công, đơn vị tài trợ và Ban quản lý khu di tích để các công việc tiếp theo liên quan khu di tích lịch sử Quốc gia được sớm hoàn thành. Đây thật sự là việc làm đầy ý nghĩa để đền đáp công ơn các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc Việt Nam.
Ý kiến ()