Nghị viện Châu Âu gia tăng áp lực lên quyết định gia hạn sử dụng Glyphosate
Ngày 24/10, với việc yêu cầu loại trừ chất Glyphosate trong toàn châu Âu trong vòng 5 năm tới, Nghị viện châu Âu đã gây áp lực lên Ủy ban châu Âu (EC) và các nước thành viên một ngày trước cuộc bỏ phiếu về chất diệt cỏ gây tranh cãi này.
Từ năm 2015, Glyphosate đã được xếp vào danh mục chất có thể gây ung thư. Ảnh: AFP
Trong phiên họp toàn thể tại Strasbourg (Pháp), các đại biểu châu Âu đã bỏ phiếu thông qua một nghị quyết về loại trừ chất Glyphosate với 355 phiếu thuận, 204 phiếu chống và 111 phiếu trắng. Nghị quyết này không có giá trị ràng buộc trên thực tế nhưng nó có giá trị gióng lên hồi chuông cảnh báo. Việc Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua nghị quyết nhằm hưởng ứng hành động thu thập tới 1,3 triệu chữ ký của công dân kèm một đơn khởi kiện được gửi đến Ủy ban châu Âu để yêu cầu cấm sử dụng chất Glyphosate.
Các nghị sĩ nhóm đảng Xã hội người Pháp Eric Andrieu (Ê-rích An-đriu) và người Bỉ Marc Tarabella (Mác Ta-ra-ben-la) đánh giá hành động của Nghị viện châu Âu là một tín hiệu mạnh mẽ gửi đến chính phủ các quốc gia thành viên. Hiện việc quyết định đang nằm ở phía các nước thành viên EU.
Một cuộc bỏ phiếu dự kiến sẽ diễn ra trong ngày 25/10 tại Ủy ban chuyên gia chịu trách nhiệm về hồ sơ, bao gồm đại diện các nước thành viên Liên minh châu Âu. EC đề xuất với Ủy ban này gia hạn giấy phép sử dụng chất Glyphosate cho 10 năm tới. Theo nghị sĩ đảng Xanh Michele Rivasi (Mi-xen Ri-va-xi), đây là một đề xuất “vô trách nhiệm”. Nhiều quốc gia như Pháp, Italy và Áo đã thông báo phản đối đề xuất này của EC. Theo qui định, cần sự đồng ý của 55% các nước thành viên và 65% dân chúng để chấp nhận hoặc bác bỏ một đề xuất của EC.
Câu chuyện về vấn đề gia hạn giấy phép sử dụng chất Glyphosate, sẽ hết hạn vào tháng 12 tới, đã kéo dài 2 năm qua vì không có được một quyết định rõ ràng. Ngoài việc ủng hộ cấm hoàn toàn việc sử dụng loại hóa chất trên vào cuối năm nay, các đại biểu cũng kêu gọi những biện pháp trợ giúp cần thiết đối với nông dân trong quá trình chuyển đổi sang một nền nông nghiệp không Glyphosate, một loại chất diệt cỏ đang được sử dụng nhiều nhất tại châu Âu.
Hiện nay, các nghiên cứu khoa học đang gây tranh cãi xung quanh vấn đề sử dụng chất Glyphosate. Các đại biểu Nghị viện châu Âu đã tham khảo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu quốc tế về ung thư, một đơn vị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ năm 2015 đã xếp Glyphosate vào danh mục chất có thể gây ung thư. Tuy nhiên hai cơ quan của châu Âu là Cơ quan an toàn thực phẩm (EFSA) và Cơ quan quản lý các sản phẩm hóa chất (ECHA) lại có ý kiến ngược lại. Và chính quan điểm của hai cơ quan này đã dẫn đến việc EC đề xuất gia hạn giấy phép sử dụng Glyphosate.
Về phần mình, các nghị sĩ châu Âu cũng đã chỉ ra các tiến triển pháp lý tại Mỹ với hàng trăm người đã mắc ung thư và người thân của họ đã đi kiện chống lại nhà sản xuất hóa chất khổng lồ Monsanto, một trong những nhà sản xuất Glyphosate chính và cũng là chủ của nhãn thuốc sâu RoundUp. Các đại biểu đánh giá nhiều thư tín và tài liệu nội bộ của tập đoàn khổng lồ của Mỹ về hóa chất nông nghiệp được tiết lộ trong quá trình điều tra đã gây ra mối nghi ngờ về độ tin cậy của những nghiên cứu khoa học được công bố hoặc tài trợ bởi Monsanto./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()