Nghị viện châu Âu bầu chủ tịch theo hình thức bỏ phiếu trực tuyến
Quyết định bầu chủ tịch EP theo hình thức bỏ phiếu trực tuyến được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đang phải đối mặt với các đợt lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 kỷ lục do biến thể Omicron.
Ngày 18/1 tới, Nghị viện châu Âu (EP) sẽ tiến hành bầu chủ tịch theo hình thức bỏ phiếu trực tuyến, bỏ qua thông lệ bỏ phiếu trực tiếp truyền thống tại trụ sở của EP ở Strasbourg (Pháp).
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh châu Âu nói chung và nước Pháp nói riêng đang phải đối mặt với các đợt lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 kỷ lục do biến thể Omicron.
Chủ tịch lâm thời của EP, bà Roberta Metsola đã thông báo quyết định trên. Bà Metsola – nghị sỹ người Malta – giữ chức vụ này sau khi Chủ tịch EP David Sassoli qua đời hồi đầu tuần này vì bạo bệnh. Bà cũng là ứng cử viên hàng đầu thay thế ông Sassoli.
Quyết định mới này của EP đã loại bỏ kỳ vọng phục hồi sau đại dịch, vốn đã được mong đợi hồi tháng 12/2021, khi Chủ tịch EP Sassoli quyết định tổ chức cuộc bầu cử sắp tới tại trụ sở chính của EP ở Strasbourg để đề cao “tính chất trang trọng” của cuộc bỏ phiếu cho chức Chủ tịch EP.
Tuy nhiên, kể từ đó, biến thể Omicron đã bao phủ gần như toàn châu Âu và khiến các chính phủ phải thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại mới.
Nhiều nghị sỹ hoan nghênh quyết định của bà Metsola là cần thiết bối cảnh đại dịch. Tuy nhiên, một số ý kiến bày tỏ lo ngại về khả năng thiếu độ tin cậy cũng như tính bảo mật trong bỏ phiếu trực tuyến, theo đó các nghị sỹ có thể để trợ lý của họ hoặc bất kỳ người nào khác bỏ phiếu thay.
Bà Metsola đang đại diện cho nhóm liên đảng lớn nhất của EP, đảng Nhân dân châu Âu trung hữu (EPP). Vị thế ứng cử viên hàng đầu cho chức Chủ tịch EP của bà đã được củng cố hồi tháng 12/2020, khi ông Sassoli quyết định không tranh cử tái nhiệm.
Có ba ứng cử viên khác từ các nhóm đảng nhỏ hơn cũng đã ghi tên vào cuộc đua, bao gồm nghị sỹ quốc tịch Thụy Điển Alice Bah Kuhnke, đại diện cho đảng Xanh châu Âu; nghị sỹ quốc tịch Ba Lan Kosma Złotowski từ đảng Bảo thủ và cải cách châu Âu (ECR), và nghị sỹ Sira Rego người Tây Ban Nha, một thành viên của phe cánh tả của nghị viện châu Âu (GUE/NGL)./.
Ý kiến ()