Nghi vấn hàng chục nghìn điện thoại trên thế giới bị theo dõi
Nhiều chính trị gia, giám đốc doanh nghiệp, nhà báo và các nhà hoạt động trên thế giới được cho là đã bị theo dõi bằng phần mềm gián điệp Pegasus do công ty công nghệ NSO Group của Israel phát triển.
Ngày 19-7, Reuters đưa tin, đây là kết quả của cuộc điều tra về một vụ rò rỉ dữ liệu do Forbidden Stories-một tổ chức truyền thông phi lợi nhuận có trụ sở tại Paris (Pháp) dẫn đầu. Tờ The Guardian của Anh, một trong 17 hãng truyền thông tham gia cuộc điều tra, khẳng định đã phát hiện được mức độ lạm dụng phần mềm gián điệp Pegasus “một cách liên tục với quy mô lớn”. Đây là phần mềm có khả năng xâm nhập vào các điện thoại thông minh (smartphone), cho phép trích xuất tin nhắn, hình ảnh, thư điện tử (email), ghi âm các cuộc gọi và bí mật kích hoạt micro. Theo đó, vụ rò rỉ dữ liệu cho thấy có hơn 50.000 số điện thoại di động được các khách hàng của NSO Group quan tâm kể từ năm 2016 cho đến nay. “Quy mô vụ việc quả thực gây sốc so với những gì chúng ta được chứng kiến trước đây”, chuyên gia Bill Marczak tại trung tâm nghiên cứu Citizen Lab thuộc Đại học Toronto (Canada) nhận định với kênh truyền hình Al Jazeera.
Bên ngoài văn phòng của công ty NSO Group tại Israel.Ảnh: AP |
Theo tờ The Guardian, trong danh sách bị rò rỉ có hơn 180 nhân sự của các hãng truyền thông lớn như: The Financial Times, CNN, The New York Times, The Economist, AP, Reuters… Trong khi đó, theo tờ The Washington Post, một trong 17 hãng truyền thông tham gia cuộc điều tra, có hơn 1.000 người ở hơn 50 quốc gia là nạn nhân của vụ việc, trong đó có ít nhất 65 giám đốc doanh nghiệp, 85 nhà hoạt động nhân quyền, 189 nhà báo và hơn 600 chính trị gia, kể cả một số nguyên thủ và thủ tướng. “Sự hiện diện của một số điện thoại trong vụ rò rỉ dữ liệu không đồng nghĩa rằng, một thiết bị bị nhiễm Pegasus hoặc bị tấn công mạng. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng, vụ rò rỉ cho thấy những mục tiêu có nguy cơ bị theo dõi. Kết quả điều tra một số smartphone sử dụng những số điện thoại nằm trong danh sách bị rò rỉ cho thấy, hơn một nửa trong số này có dấu vết của phần mềm gián điệp Pegasus”, The Guardian nhấn mạnh.
Phản ứng về vụ việc, bà Lauren Easton, Giám đốc Truyền thông của AP lên tiếng bày tỏ quan ngại, đồng thời cho biết AP “đã có những bước đi nhằm bảo đảm an ninh cho các nhà báo” và đang tiến hành điều tra thêm. Nhấn mạnh vụ việc đang được tiến hành điều tra, Người phát ngôn Dave Moran của Reuters nêu rõ: “Các nhà báo phải được phép đưa tin để phục vụ công chúng mà không phải lo sợ bị quấy rối hay hãm hại cho dù là ở bất cứ đâu”.
Trong khi đó, NSO Group đã lên tiếng bác bỏ kết quả cuộc điều tra của 17 hãng truyền thông quốc tế, cho rằng đó là “những cáo buộc sai trái” và con số 50.000 số điện thoại di động kể trên là “phóng đại”. NSO Group khẳng định chỉ bán những công nghệ của mình cho các cơ quan tình báo và thực thi pháp luật của một số chính phủ nhất định “vì một mục đích duy nhất là bảo vệ mạng sống người dân thông qua việc ngăn chặn tội phạm và các hành động khủng bố”. “Báo cáo của Forbidden Stories đầy những giả thiết sai lầm, không được kiểm chứng, làm dấy lên nghi ngờ về tính xác thực và mục đích của các nguồn tin. Sau khi kiểm tra, chúng tôi kiên quyết phủ nhận những cáo buộc sai lầm trong báo cáo điều tra của họ”, NSO Group nhấn mạnh. Mặc dù vậy, NSO Group cũng tuyên bố sẽ tiếp tục điều tra “mọi cáo buộc đáng tin cậy về việc lạm dụng phần mềm và có hành động phù hợp”.
Tờ The Guardian cũng xác nhận những khách hàng của NSO Group có sử dụng phần mềm Pegasus trong các cuộc điều tra chống tội phạm và khủng bố bởi trong danh sách dữ liệu bị rò rỉ có số điện thoại của nhiều nghi phạm. Tuy nhiên, theo The Guardian, một lượng lớn số điện thoại trong danh sách dữ liệu bị rò rỉ thuộc về các cá nhân “dường như không có liên hệ gì tới hành vi tội phạm” cho thấy một số khách hàng của NSO Group “đang vi phạm hợp đồng với công ty”.
Ý kiến ()