Nghi Sơn - Ðộng lực phát triển khu vực bắc miền trung
Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn nằm ở phía nam tỉnh Thanh Hóa, trên tuyến quốc lộ 1, nối với đường Hồ Chí Minh bằng tuyến Nghi Sơn - Bãi Trành, cách Thủ đô Hà Nội 200 km. Là một trong những KKT lớn hàng đầu Việt Nam, Nghi Sơn có những lợi thế vượt trội, với vị trí thuận lợi nằm ở khu vực Nam Thanh - Bắc Nghệ, bảo đảm cho khả năng chi phối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với toàn khu vực.
Lợị thế lớn
Từ những tiềm năng và lợi thế trên, ngày 15-5-2006, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 102/QÐ-TTg, về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của KKT Nghi Sơn và Quy hoạch KKT. Ðây trở thành cầu nối giữa nam đồng bằng Bắc Bộ với Bắc Trung Bộ, các tỉnh Tây Bắc và nằm trên tuyến vành đai đông tây tiểu vùng sông Mê Công. Nghi Sơn có cảng biển nước sâu cho tàu 50 nghìn DWT cập bến, có khả năng phát triển thành một trong những cảng biển lớn nhất cả nước với năng lực xếp dỡ 50 – 70 triệu tấn hàng hóa/năm.
Ðược quy hoạch ban đầu với tổng diện tích hơn 18.600 ha, hiện đang đề nghị Thủ tướng mở rộng quy hoạch lên khoảng 60 nghìn ha, bao gồm toàn bộ huyện Tĩnh Gia, một số xã của huyện Nông Cống và Như Thanh, KKT Nghi Sơn được mở ra trên một quy mô và không gian rộng lớn, làm tiền đề để hình thành một đô thị công nghiệp – du lịch – dịch vụ quan trọng, năng động và hiện đại bậc nhất Thanh Hóa và khu vực bắc miền trung. Trong đó, trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản, như: lọc hóa dầu, luyện cán thép, hóa chất, nhiệt điện, vật liệu xây dựng,… Vị thế đã được định hướng cho phép KKT Nghi Sơn vận hành theo một cơ chế ưu đãi đặc biệt, trong đó phải kể đến các chính sách thu hút, ưu đãi dành cho nhà đầu tư.
Mặc dù mới hình thành chưa đầy mười năm và vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật kinh tế – xã hội, song KKT Nghi Sơn đã và sẽ là một “đối trọng” đáng kể, khi nó đang thật sự trở thành điểm đến thu hút đầu tư, nguồn lực, thiết bị khổng lồ; đồng thời là nơi xác nhận cho năng lực, trình độ, kỹ năng quản lý tiên tiến, hiện đại của cả nước.
Ðược sự giúp đỡ, hỗ trợ của T.Ư, các tổ chức tài chính quốc tế và các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh, sự nỗ lực mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh và nhân dân trong vùng, đến nay KKT Nghi Sơn đã thu hút 113 dự án đầu tư, trong đó 104 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký gần 94 nghìn tỷ đồng và chín dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký 14,16 tỷ USD, trong đó đang thực hiện khoảng 12 tỷ USD. Nổi bật nhất, phải kể đến dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, khởi công tháng 10-2013. Ðây là dự án trọng điểm quốc gia, với số vốn đầu tư hơn 9 tỷ USD, công suất giai đoạn 1 khoảng 10 triệu tấn sản phẩm lọc hóa dầu/năm và giai đoạn 2 nâng công suất lên 20 triệu tấn/năm. Tiếp đến là các dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1, tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD, công suất 600 MW; Nhà máy xi-măng Công Thanh, Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn, Cảng quốc tế Gang thép Nghi Sơn.
“Thung lũng ” công nghiệp – công nghệ cao
KKT Nghi Sơn có khả năng thu hút vốn mạnh mẽ, là nơi tập trung các kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại, đòi hỏi cao về trình độ, chất lượng nguồn lao động; đồng thời, cũng là nơi tạo ra việc làm và phần nào cân bằng lại cán cân đào tạo – sử dụng, số lượng – chất lượng nguồn nhân lực. Ðặc biệt, với việc chọn tiến bộ khoa học – công nghệ làm “đuốc dẫn đường”, hoàn toàn có thể kỳ vọng trong tương lai, KKT Nghi Sơn sẽ tạo dựng cho mình sự hình thành một “thung lũng” công nghiệp – công nghệ cao của Việt Nam. Hoàn toàn có thể tin tưởng, một khu vực phát triển năng động, hấp dẫn mà các yếu tố trước hết từ sự đổi mới tư duy trong quản lý, thu hút đầu tư, tạo dựng sự cân bằng và hài hòa giữa các lợi ích; môi trường sống hiện đại, văn minh gắn với định hướng phát triển không gian đô thị công nghiệp, có các chính sách bảo vệ môi trường, xã hội lành mạnh sẽ được hình thành ở Nghi Sơn.
Là tỉnh xếp thứ sáu cả nước về thu hút vốn FDI (đạt hơn 15 tỷ USD vào tháng 4-2013), trong đó có nhiều dự án trọng điểm quốc gia, Thanh Hóa đã và đang ngày càng trở nên mới mẻ và hấp dẫn nhà đầu tư. Nghi Sơn được xác định là một trong những chương trình kinh tế – xã hội trọng tâm, động lực để xây dựng lợi thế so sánh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành T.Ư, tập trung cao nguồn lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư; kết nối các khu công nghiệp – công nghệ cao trong và ngoài tỉnh; xúc tiến lộ trình điều chỉnh, mở rộng KKT Nghi Sơn lên 60 nghìn ha. Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh sẽ thu hút đầu tư mới đạt năm tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư đạt hơn 21 tỷ USD. Trong đó, tập trung lựa chọn những lĩnh vực, sản phẩm công nghệ hiện đại, tiên tiến; phát huy tốt vai trò của cảng nước sâu Nghi Sơn và dịch vụ logistic cũng như các dịch vụ khác phục vụ sản xuất và đời sống người lao động; đồng thời quy hoạch phát triển các khu đô thị mới hiện đại với quy mô dân số đến năm 2020 khoảng 300 nghìn người. Khi đó, Nghi Sơn sẽ trở thành vùng kinh tế động lực của vùng Nam Thanh – Bắc Nghệ và của cả vùng Bắc Trung Bộ; thành phố công nghiệp Nghi Sơn trở thành biểu tượng, niềm tự hào của quê hương Thanh Hóa.
Thanh Hóa vốn là mảnh đất của sự hài hòa, giữa văn hóa, lịch sử với thiên nhiên, con người và môi trường xã hội; hài hòa giữa các yếu tố địa hình miền núi – trung du – đồng bằng – ven biển,… Ðây có thể xem như một sự bảo đảm hay một yếu tố làm nên “chìa khóa lòng tin” cho doanh nghiệp khi muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư ổn định lâu dài ở Thanh Hóa. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa sẽ xây dựng tập trung ở KKT Nghi Sơn các dịch vụ “6 nhất”: Ưu đãi tốt nhất, dịch vụ hỗ trợ DN tốt nhất, khả năng tiếp cận tốt nhất, tiềm năng phát triển tốt nhất, môi trường ổn định trật tự an toàn nhất và môi trường sống hài hòa nhất. Ðây không phải là hình ảnh trong tương lai xa xôi mà đã là minh chứng sinh động hiện hữu.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()