Nghị sĩ trẻ các nước: Cần thúc đẩy đa dạng văn hóa thay vì gây ra xung đột, mâu thuẫn
Tiếp tục chương trình Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, ngày 16-9, dưới sự chủ trì của ông Kamal Ait Mik, nghị sĩ Morocco, thành viên Ban lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU, Hội nghị tổ chức phiên thảo luận chuyên đề 3 với chủ đề “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững”.
Qua thảo luận, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, các quốc gia đều có nền văn hóa với những giá trị khác nhau; mỗi chúng ta đều có trách nhiệm bảo tồn, duy trì sự đa dạng văn hóa, bởi đây chính là giá trị trụ cột nền tảng của con người.
Tuy nhiên, tình trạng xung đột ở một số nơi trên thế giới đã tạo nên thách thức chưa từng có đối với việc bảo đảm đa dạng văn hóa. Sự “vũ khí hóa” lòng thù hận ở nhiều nơi trên thế giới đã xâm phạm quyền lợi con người, đồng thời cũng gây ảnh hưởng lớn đến các nền văn hóa… Vì vậy, điều cần thiết là kiên quyết bảo vệ hòa bình và ngăn chặn các hành vi gây tổn hại đến sự đa dạng văn hóa.
Tôn trọng đa dạng văn hóa giữa các quốc gia thay vì tạo ra những xung đột và mâu thuẫn
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Việt Nam Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Phó chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ nhấn mạnh quan điểm, đa dạng văn hóa là nền tảng quan trọng cho sự thúc đẩy văn hóa trong phát triển bền vững và thịnh vượng của các quốc gia.
“Trong bối cảnh toàn cầu hóa, các quốc gia cần tiếp tục giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa riêng, có sự tôn trọng lẫn nhau về sự đa dạng văn hóa giữa các quốc gia – dân tộc; đồng thời chia sẻ lẫn nhau, chắt lọc, phát huy tinh hoa văn hóa chung của nhân loại để cùng phát triển. Việc bảo đảm nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau sẽ đưa các quốc gia, các nền văn hóa cùng hợp tác, đối thoại, xây dựng niềm tin và chia sẻ để cùng tồn tại và phát triển thay vì tạo ra những xung đột và mâu thuẫn trong bối cảnh rất phức tạp hiện nay”, đại biểu Trịnh Xuân An nói.
Các đại biểu dự phiên thảo luận chuyên đề 3 với chủ đề “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững”. |
“Hiến kế” để thúc đẩy hơn nữa vai trò, thế mạnh của giới trẻ trong thúc đẩy đa dạng văn hóa, đại biểu Trịnh Xuân An đề xuất cần có một khuôn khổ chính sách toàn diện, khuyến khích sự tham gia lành mạnh của thanh niên. Các nghị viện cần đóng góp vai trò chính trong việc xây dựng các chính sách quản trị; các nhà hoạch định chính sách cần có những nguyên tắc đa dạng văn hóa tổng quan, đưa những nguyên tắc này vào những chính sách và hoạt động hợp tác của thanh niên…
Các nghị sĩ trẻ cần thúc đẩy đa dạng văn hóa, tăng cường kết nối các khu vực, ngừa xung đột
Chia sẻ về văn hóa của Indonesia tại phiên họp, nghị sĩ Indonesia cho biết, quốc gia này có sự đa dạng văn hóa cao, với nhiều dân tộc và hàng trăm ngôn ngữ. Indonesia là một trong những quốc gia đa dạng văn hóa nhất trên thế giới. Sự đa dạng văn hóa, tôn giáo được thống nhất trên nền tảng nguyên tắc thống nhất trong đa dạng. Tuy có nhiều khác biệt văn hóa nhưng người dân Indonesia luôn có sự gắn kết, tận dụng tri thức địa phương để phát triển đất nước.
Mặt khác, cũng theo nghị sĩ Indonesia, các mục tiêu phát triển bền vững luôn là một phần trong nền văn hóa, triết lý phát triển của người Indonesia. Dựa trên triết lý đó, Indonesia đã nỗ lực hướng tới các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy giáo dục, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, duy trì đa dạng sinh học. Những mục tiêu này liên kết chặt chẽ với nhau để mang lại hòa bình, hợp tác cho các quốc gia, khu vực.
Đại biểu các nước dự phiên họp. |
Nhấn mạnh quan điểm ủng hộ đa dạng văn hóa, đại biểu Malaysia cho rằng đa dạng văn hóa sẽ được duy trì thông qua sự ủng hộ và tôn trọng sự khác biệt giữa các cộng đồng, góp phần vào duy trì hòa bình, ổn định của quốc gia. Đây là điều mà Malaysia luôn nghiêm túc nỗ lực thực hiện.
Theo chia sẻ, Malaysia có Bộ Đoàn kết quốc gia nhằm thúc đẩy đoàn kết và hội nhập – 2 yếu tố quan trọng trong việc xây dựng xã hội đa dạng hướng tới tương lai thịnh vượng. Thủ tướng Malaysia cũng đã ban hành kế hoạch hành động vì hòa bình, thịnh vượng, tin cậy lẫn nhau; đồng thời, triển khai kế hoạch hành động đoàn kết quốc gia giai đoạn 2021-2030 song song với nhiều mục tiêu và kế hoạch liên quan xây dựng xã hội đa dạng văn hóa.
Đại biểu các nước dự phiên họp. |
Đại biểu của Serbia cũng nhấn mạnh quan điểm, văn hóa góp phần định hình xã hội; văn hóa cũng là nhu cầu cơ bản của con người, đồng thời là tiềm năng cho thúc đẩy phát triển bền vững.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của các nghị sĩ trẻ – những người sống trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ, quen thuộc với công nghệ và coi công nghệ là một phần của cuộc sống, ứng dụng công nghệ trong trao đổi thông tin, đại biểu của Serbia nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của các nghị sĩ trẻ vào thúc đẩy chuyển đổi số ở các cấp cũng như thúc đẩy đa dạng văn hóa, tôn trọng văn hóa, quyền con người và chủ nghĩa đa phương, tôn trọng các nhóm khác nhau.
Đại biểu của Serbia nhấn mạnh, các nghị sĩ nói chung và các nghị sĩ trẻ nói riêng cần tham gia vào tiến trình thúc đẩy đa dạng văn hóa, tăng cường hiểu biết, tăng cường kết nối các khu vực, thấu hiểu các luồng văn hóa, duy trì trao đổi, đối thoại để tăng thêm lòng tin, ngăn ngừa xung đột…
Quang cảnh phiên họp. |
Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/nghi-si-tre-cac-nuoc-can-thuc-day-da-dang-van-hoa-thay-vi-gay-ra-xung-dot-mau-thuan-742981
Ý kiến ()