Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương sẽ đi vào cuộc sống
Được kỳ vọng là khắc phục được những bất cập trong chính sách tiền lương hiện hành, nhiều ý kiến cho rằng, sẽ xuất hiện không khí lao động mới khi Hội nghị Trung ương 7 thông qua Đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Cách tính lương, xác định hệ số hiện nay nằm trong 3 chữ “không”
|
TS Trần Kiên |
Sau 5 năm học thạc sỹ và tiến sỹ ở Đại học Glasgow, Vương quốc Anh, TS Trần Kiên về công tác tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Từ chối những lời mời gọi với thu nhập cao ở nước ngoài, ngay cả về nước vẫn có sự lựa chọn với thu nhập tốt hơn như làm luật sư hay tư vấn cho các doanh nghiệp để về công tác tại một trường đại học, TS Kiên cho biết, với ngạch giảng viên, hệ số 3.0, hiện tổng tiền lương, phụ cấp của một tiến sỹ luật như anh nhận được hằng tháng là… 7 triệu đồng.
Theo TS Kiên, cách tính lương, xác định hệ số hiện nay nằm trong 3 chữ “không”. Thứ nhất là không công bằng: mang tính cào bằng, không dựa trên việc đánh giá đúng vị trí, tính chất, yêu cầu công việc, quan trọng hơn là cào bằng giữa người không làm được việc và người làm được việc, ai cũng như ai trả lương như nhau nên không mang tính khuyến khích.
Thứ hai là không thực tế: cách tính lương hiện nay dựa trên thang, ngạch, bậc, rất lạc hậu, không dựa trên thực tế cuộc sống đó là cần phải bù đắp công sức bỏ ra của người lao động, không có khả năng chi trả cho cuộc sống tối thiểu của người lao động. Đơn cử với mức lương của một công chức mới ra trường có hệ số 2,34 không thể đảm bảo cho cuộc sống tối thiểu tại Hà Nội chứ không nói đến việc người đó sử dụng tiền lương để tái sản sinh sức lao động để tiếp tục cống hiến.
Thứ ba là “không tử tế”: chính bởi đồng lương không công bằng, không thực tế như vậy khiến cho những người công tác trong khu vực cộng phải tìm những cách tạm gọi là “không tử tế” để bù đắp vào khoản thu nhập khiến tham nhũng, tham ô trở thành vấn nạn mà chúng ta đang phải đối mặt.
“Với những đột phá, những giải pháp hết sức cụ thể mà Đề án Cải cách chính sách tiền lương được Hội nghị Trung ương 7 thông qua như thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới; quy định tiền lương cụ thể cho từng chức danh, vị trí việc làm… với quan điểm tiền lương phải là thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình họ; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động… tôi hy vọng sẽ khắc phục được tình trạng 3 “không”, thực sự tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức người lao động tiếp tục làm việc, cống hiến đặc biệt là thu hút được người tài, nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong bộ máy”, TS Kiên tin tưởng.
Đã đến lúc có một chính sách tiền lương với tư duy mới, cách tiếp cận mới
|
Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu |
Cho rằng chính sách tiền lương của nước ta hiện nay có quá nhiều bất cập, đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đồng tình với những nội dung mà Đề án đã chỉ ra như: “đời sống của đa số người hưởng lương còn khó khăn”; “Tiền lương khu vực công còn thấp, chưa bảo đảm nhu cầu đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và gia đình họ”.
“Phần lớn các đối tượng được trả lương chưa thể sống được bằng lương. Đối với những người có thâm niên cao và những người làm việc trong một số ngành, lĩnh vực có các loại phụ cấp thì cơ bản đủ sống. Những người khác, nhất là lao động trẻ mới ra trường thì lương còn quá thấp so với nhu cầu chi tiêu của họ. Lương thấp là một trong các nguyên nhân của năng suất, hiệu quả lao động chưa cao; của tình trạng “chân trong, chân ngoài”, của tác phong làm việc chậm thay đổi, của việc ít thu hút được người thực tài vào bộ máy, của việc tiêu cực, tham nhũng. Những thất thoát, mất mát, lãng phí từ việc trả lương thấp, nếu so sánh có lẽ sẽ lớn hơn nhiều so với đầu tư nguồn kinh phí tăng lương”, Trưởng ban Quan hệ lao động chỉ rõ.
“Việc Trung ương ban hành Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương trong thời điểm này với nhiều quan điểm, giải pháp đột phá là hết sức cần thiết. Phải thiết kế một chính sách tiền lương với tư duy mới, cách tiếp cận mới, học hỏi kinh nghiệm thế giới và khắc phục bằng được những hạn chế mà lâu nay chúng ta đã chỉ ra hướng tới một chính sách tiền lương khoa học, hiện đại, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội”, ông Hiểu nêu quan điểm.
Theo như nội dung trong Đề án được thông qua thì trong khu vực công, Nhà nước trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, đảm bảo tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động; thực hiện chế độ đãi ngộ, khen thưởng xứng đáng, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Với khu vực doanh nghiệp, tiền lương phải thực sự là giá cả sức lao động hình thành trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động theo quy luật thị trường. Tiền lương phải đảm bảo cuộc sống người lao động, là động lực kích thích tăng năng lực sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, tạo hòa khí cởi mở giữa người lao động với người sử dụng lao động, để người lao động gắn bó với doanh nghiệp, làm việc hăng say, có trách nhiệm và tự hào về doanh nghiệp, cơ quan nơi mình công tác.
“Tôi tin là nghị quyết sẽ đi vào cuộc sống vì nó đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người lao động. Chắc chắn một không khí lao động mới sẽ xuất hiện và lan tỏa”, ông Hiểu tin tưởng, đồng thời cho biết, trong việc hình thành chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở cả khu vực công và tư, tổ chức Công đoàn có vai trò rất quan trọng.
Với khu vực doanh nghiệp, vai trò của tổ chức Công đoàn thể hiện rõ hơn, cụ thể hơn. Công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nơi chưa có công đoàn cơ sở là một bên tổ chức thương lượng với người sử dụng lao động để hình thành thỏa ước lao động tập thể. Trong thỏa ước lao động tập thể, vấn đề mức lương của người lao động là vấn đề quan trọng, được các cấp công đoàn quan tâm nhiều nhất. Vai trò của tổ chức Công đoàn trong tham gia quyết định chính sách tiền lương của doanh nghiệp cũng sẽ tiếp tục được khẳng định khi Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương của Đảng đi vào cuộc sống.
Quy định tiền lương cụ thể cho từng chức danh, vị trí việc làm là đúng đắn
TS Trần Văn |
Đồng tình khi trong khu vực công, Nhà nước trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; hoàn thành việc xây dựng và ban hành chế độ tiền lương mới theo nội dung cải cách chính sách tiền lương, gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập như các nội dung có trong Đề án, TS Trần Văn, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách phân tích, bộ máy của chúng ta hiện quá cồng kềnh, nặng nề, tiêu tốn nhiều nguồn lực của xã hội mà hiệu quả vẫn rất thấp. Trong bộ máy nhà nước, không khó để chỉ ra những cá nhân trình độ hạn chế, không hết lòng, hết sức với công việc, có thái độ chưa chuẩn mực khi phục vụ nhân dân nhưng vẫn lĩnh lương đều, 3 năm đến hạn vẫn lên lương, đến kỳ vẫn thi nâng ngạch lên chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp…
“Chúng ta cũng thấy một thực tế là mặc dù chất lượng dịch vụ công dù đã tốt hơn rất nhiều nhưng vẫn là chủ đề nhận sự ca thán, ngán ngẩm của người dân và doanh nghiệp. Chất lượng dịch vụ công phụ thuộc nhiều vào thể chế và con nguời thực thi. Mà thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật cũng do chúng ta xây dựng nên. Tựu chung lại tất cả là do con người. Mà ở đây phải nói cụ thể là đội ngũ cán bộ công chức, viên chức nhà nước, chất lượng và năng lực của đội ngũ công chức, viên chức nhà nước sẽ quyết định tất cả. Mà muốn có cán bộ có chất lượng, có năng lực, trình độ, tâm huyết với nghề nghiệp thì phải đảm bảo họ có thu nhập chính đáng đủ để sống và chi tiêu hợp lý cho gia đình. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể tuyển chọn được những cá nhân ưu tú nhất vào làm việc trong bộ máy nhà nước, phục vụ nhân dân, nhất là với đề xuất mang tính đột phá là quy định tiền lương cụ thể cho từng chức danh, vị trí việc làm. Khi đó, chúng ta có thể cạnh tranh trong tuyển dụng nhân sự với khu vực tư, khu vực ngoài công lập. Đó là cách làm phổ biến hiện nay ở các nước tiên tiến”, TS Văn nói./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()