Nghị quyết số 36-NQ/TW tạo ra bước ngoặt lớn trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài
Trải qua 20 năm triển khai, đến nay Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) vẫn còn nguyên ý nghĩa và giá trị, thể hiện tầm nhìn của Đảng về công tác NVNONN, là "kim chỉ nam" cho hoạt động của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, địa phương và xã hội trong triển khai công tác đối với NVNONN.
Chiều 3/6, Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã tổ chức buổi Gặp gỡ báo chí để thông tin về những kết quả đạt được sau 20 năm triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác NVNONN.
Buổi gặp gỡ báo chí còn có sự tham gia của các hội đoàn NVNONN, trong đó có nhiều phóng viên kiều bào, thể hiện sự quan tâm của các cơ quan thông tấn, báo chí, hội đoàn NVNONN đối với công tác về NVNONN cũng như các sự kiện sắp diễn ra.
Thông tin tại buổi gặp gỡ báo chí, bà Lê Thị Thu Hằng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN nhấn mạnh về 7 nội dung cũng là những kết quả nổi bật đã đạt được sau 20 năm triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW.
Kiều bào tham gia đóng góp tích cực vào các vấn đề quan trọng của đất nước
Theo Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng, trước hết, Nghị quyết 36 đã giúp nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc triển khai công tác đối với NVNONN từ cả 2 chiều. Ở trong nước, công tác NVNONN thực sự đã trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương. Các ban, bộ, ngành, địa phương đã nhận thức được vị trí, tầm quan trọng của công tác NVNONN, đã thành lập bộ phận làm công tác NVNONN, ban hành các kế hoạch, chương trình hành động về công tác này. Về phía kiều bào, Nghị quyết 36 được đông đảo kiều bào đón nhận, ủng hộ, hưởng ứng thực hiện. Kiều bào không chỉ là đối tượng thụ hưởng các chủ trương, chính sách của Nghị quyết 36, mà còn là chủ thể tích cực triển khai. Các hội đoàn NVNONN thực sự đóng vai trò nòng cốt trong việc quy tụ, hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống ở sở tại và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm duy trì tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, hướng về quê hương, đất nước.
Đồng thời, công tác tham mưu, kiến nghị, xây dựng chính sách liên quan đến NVNONN được chú trọng, triển khai toàn diện, trên cả phương diện lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Về mặt lãnh đạo, chỉ đạo, Bộ Ngoại giao phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương tiến hành sơ kết 3 năm, 6 năm, tổng kết 10 năm Nghị quyết 36. Trên cơ sở đó, đã kiến nghị Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 45 và Kết luận 12.
Về mặt pháp luật, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành một hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ, hoàn thiện trên hầu hết các lĩnh vực liên quan đến cộng đồng NVNONN như quốc tịch, dân sự, nhà ở, đất đai, cư trú, đầu tư, kinh doanh theo hướng các quyền của cộng đồng NVNONN ngày càng tiệm cận gần hơn với công dân trong nước, thuận lợi hơn trong việc về nước làm việc, đầu tư, kinh doanh..., đồng thời tăng cường gắn kết kiều bào với quê hương. Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành các chương trình hành động, các đề án lớn trong công tác NVNONN như Đề án Phát huy nguồn lực của cộng đồng NVNONN góp phần xây dựng đất nước trong tình hình mới…
Bên cạnh đó, công tác đại đoàn kết, vận động NVNONN hướng về quê hương đã đạt được những kết quả quan trọng. Kiều bào được tạo điều kiện tham gia đóng góp ý kiến vào những vấn đề quan trọng của đất nước như góp ý vào các văn kiện Đại hội Đảng, các dự thảo luật, các chính sách lớn… Các hoạt động thường niên do Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức (như Xuân quê hương, Đoàn kiều bào dự Giỗ tổ Hùng Vương, thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Trại hè dành cho thanh niên, sinh viên kiều bào…) thường xuyên được đổi mới về nội dung và hình thức, thu hút sự tham gia của đông đảo kiều bào. Các cơ quan liên quan đã vận động và tạo điều kiện cho một số nhân vật có tầm ảnh hưởng tại một số quốc gia (Hoa Kỳ, Australia…) về nước nhằm thu hẹp sự khác biệt, tạo sự chuyển biến tích cực trong một bộ phận kiều bào còn định kiến.
Mặt khác, công tác chăm lo, hỗ trợ cộng đồng NVNONN củng cố địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống ở sở tại ngày càng được chú trọng. Trong trao đổi với lãnh đạo các nước, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Ngoại giao luôn đề nghị chính quyền sở tại có những biện pháp hỗ trợ cụ thể, tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt ổn định cuộc sống, hội nhập tốt vào xã hội sở tại. Tại những địa bàn cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn, hay còn xảy ra xung đột, thiên tai, Đảng, Nhà nước có chỉ đạo, Bộ Ngoại giao triển khai công tác phối hợp với các cơ quan liên quan, các hội đoàn NVNONN thường xuyên có biện pháp hỗ trợ kịp thời; quan tâm, đẩy mạnh công tác hỗ trợ bà con, qua đó từng bước tạo những chuyển biến tích cực, giúp bà con nâng cao địa vị pháp lý, hội nhập và ổn định cuộc sống ở sở tại, kịp thời triển khai công tác bảo hộ công dân và hỗ trợ cộng đồng.
Kiều hối đã vượt qua dòng vốn FDI giải ngân và vốn viện trợ nước ngoài ODA
Song song với đó, công tác phát huy nguồn lực của NVNONN đóng góp cho sự phát triển của đất nước được đẩy mạnh. Các cơ quan trong và ngoài nước đã phối hợp tổ chức thành công nhiều hội thảo, hội nghị, diễn đàn doanh nghiệp, thành lập mạng lưới liên kết trí thức, doanh nhân NVNONN, thành lập các cơ chế để NVNONN tham gia đóng góp ý kiến vào những vấn đề lớn của đất nước; hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho kiều bào khi về nước đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học; triển khai huy động NVNONN tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài.
Trong 20 năm qua, sự trở về đầu tư, kinh doanh trong nước của các doanh nhân NVNONN ngày càng nổi bật hơn. Dòng kiều hối đổ về Việt Nam đã có sự dịch chuyển từ tiêu dùng, hỗ trợ gia đình sang đầu tư, kinh doanh trong nước. Kiều hối năm 2023 đạt 16 tỷ USD, tăng 32% so với năm 2022, bất chấp những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới hậu đại dịch COVID-19. Tổng lượng kiều hối từ 1993 – 2023 đạt khoảng 230 tỷ USD, tương đương với nguồn vốn FDI đã giải ngân trong cùng kỳ. Đặc biệt, từ năm 2020, kiều hối về Việt Nam đã vượt qua dòng vốn FDI giải ngân và vốn viện trợ nước ngoài ODA, góp phần cải thiện cán cân thanh toán, ổn định kinh tế vĩ mô, giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Về dự án đầu tư trực tiếp (FDI), tới tháng 11/2023, kiều bào từ 32 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư 421 dự án tại 42/63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD. Bên cạnh đó, có hàng nghìn doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa của NVNONN tham gia đầu tư, hoạt động tại Việt Nam trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Lan tỏa tình yêu tiếng Việt, yêu quê hương, đất nước tới thế hệ trẻ kiều bào
Đặc biệt, công tác giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng được quan tâm. Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan trong và ngoài nước đã hỗ trợ sách giáo khoa, tài liệu dạy và học tiếng Việt, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên kiều bào, vận động chính quyền sở tại đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy của các trường phổ thông, đại học, cử các đoàn văn nghệ trong nước đi biểu diễn phục vụ kiều bào... Đặc biệt, triển khai Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN (ngày 8/9 hằng năm), Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan đại diện tổ chức hoạt động tìm kiếm sứ giả tiếng Việt, hỗ trợ các hội đoàn tổ chức các lớp học tiếng Việt dành cho con em kiều bào, động viên những người có kinh nghiệm đứng lớp giảng bài cho các em, qua đó lan tỏa tình yêu tiếng Việt, rộng hơn là tình yêu quê hương, đất nước tới thế hệ trẻ kiều bào.
Cuối cùng, công tác thông tin đối ngoại đối với NVNONN được đổi mới về tư duy, nội dung và hình thức. Đa số các cơ quan thông tấn, báo chí lớn đều có chương trình, chuyên trang, chuyên mục dành cho NVNONN với nội dung ngày càng phong phú. Các cổng và trang điện tử của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các tỉnh, thành phố có nhiều cải tiến, trở thành kênh thông tin quan trọng để kiều bào nắm bắt các chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như tình hình đất nước. Phương thức thông tin cho cộng đồng được thực hiện đồng bộ, sâu rộng với nhiều hình thức, nhiều loại ngôn ngữ, chú trọng việc phát triển nội dung trên nền tảng số. Đáng chú ý, ngày càng nhiều phóng viên kiều bào về nước tác nghiệp, đưa tin, góp phần giúp cộng đồng nắm được những thông tin chính xác, khách quan về tình hình trong nước.
Có thể nói Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác NVNONN đã tạo ra bước ngoặt lớn trong công tác NVNONN được xây dựng trên nền tảng chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là NVNONN là một bộ phận không tách rời, một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam và tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Có thể khẳng định, trải qua 20 năm triển khai, đến nay Nghị quyết số 36-NQ/TW vẫn còn nguyên ý nghĩa và giá trị, thể hiện tầm nhìn của Đảng về công tác NVNONN, là kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban ngành, địa phương và xã hội trong triển khai công tác đối với NVNONN.
Ý kiến ()