Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10
Trong các ngày 03, 04 và 05 tháng 11 năm 2011, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10 năm 2011, thảo luận và quyết nghị những vấn đề sau:1. Về các báo cáo: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2011; tình hình thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ; tình hình thiệt hại, kết quả công tác phòng, chống bão, lụt và các biện pháp khắc phục, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân tại các tỉnh bị ảnh hưởng bão, lũ; tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 10 và Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 9 năm 2011; công tác cải cách hành chính tháng 10 năm 2011; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tháng 10 năm 2011 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Tổng Thanh tra Chính phủ trình.a) Trước sự tàn phá của thiên tai, lũ lụt gây thiệt hại nặng nề tại...
Trong các ngày 03, 04 và 05 tháng 11 năm 2011, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10 năm 2011, thảo luận và quyết nghị những vấn đề sau:
1. Về các báo cáo: Tình hình kinh tế – xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2011; tình hình thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ; tình hình thiệt hại, kết quả công tác phòng, chống bão, lụt và các biện pháp khắc phục, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân tại các tỉnh bị ảnh hưởng bão, lũ; tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 10 và Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 9 năm 2011; công tác cải cách hành chính tháng 10 năm 2011; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tháng 10 năm 2011 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Tổng Thanh tra Chính phủ trình.
a) Trước sự tàn phá của thiên tai, lũ lụt gây thiệt hại nặng nề tại nhiều địa phương trong cả nước, nhất là các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, nhân dân cả nước và cả hệ thống chính trị đã quan tâm, chia sẻ với đồng bào vùng bị thiên tai về những khó khăn, mất mát. Chính phủ biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của chính quyền, nhân dân, lực lượng vũ trang đã tích cực, chủ động, kịp thời tham gia cứu hộ, cứu nạn có hiệu quả, hạn chế thiệt hại và khắc phục hậu quả thiên tai. Cho đến hết tháng 10 năm 2011, Chính phủ đã hỗ trợ vùng bị lũ lụt với tổng số tiền là 397 tỷ đồng, 1.300 tấn gạo, tạm ứng 47 tỷ đồng hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi; đang tiếp tục xem xét hỗ trợ các địa phương để cứu đói, khôi phục và phát triển sản xuất.
Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục làm tốt công tác phối hợp, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai; hỗ trợ kịp thời cho những gia đình mất nhà cửa, tài sản; huy động các lực lượng, phương tiện để cứu trợ kịp thời cho người dân ở các địa bàn còn bị cô lập; triển khai các biện pháp khôi phục cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch, bệnh, nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống nhân dân.
Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, rà soát, xác định mức hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai cho các địa phương kịp thời và sát mức độ thiệt hại thực tế.
b) Chính phủ thống nhất nhận định: Tình hình kinh tế – xã hội tháng 10 và 10 tháng tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Lạm phát được kiềm chế và tiếp tục giảm, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 0,36%, thấp nhất kể từ đầu năm và là tháng thứ 3 liên tiếp có mức tăng dưới 1%; chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá được điều hành phù hợp; kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao so cùng kỳ năm trước và gấp hơn 3 lần chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội thông qua, tỷ lệ nhập siêu 10 tháng khoảng 10,8%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu Nghị quyết 11/NQ-CP; tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng nhẹ, vốn đăng ký tăng thêm tăng 38% so cùng kỳ. Các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế được quan tâm chỉ đạo và đạt một số kết quả tích cực. Chính sách bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục được thực hiện tốt, công tác giải quyết việc làm, ổn định đời sống của người lao động được quan tâm; nhiều chính sách xã hội được triển khai, góp phần thiết thực giảm bớt khó khăn và từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là vùng đồng bào chịu ảnh hưởng của thiên tai, các xã bãi ngang, ven biển và hải đảo, các huyện nghèo thuộc Chương trình 30a. Quốc phòng được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục được chú trọng và có tiến bộ. Hoạt động đối ngoại đạt nhiều kết quả.
Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn: Lạm phát và lãi suất tuy đã giảm dần nhưng còn cao; sản xuất kinh doanh của một bộ phận khá lớn doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn; sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng chậm lại, hàng tồn kho gia tăng; thị trường chứng khoán sụt giảm, thị trường bất động sản trầm lắng; thiên tai, lũ lụt xảy ra bất thường, dịch bệnh diễn biến phức tạp; đời sống nhân dân vùng thiên tai, một bộ phận dân cư có thu nhập thấp, công nhân trong các khu công nghiệp, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Trong những tháng cuối năm, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán, áp lực lạm phát sẽ gia tăng, sức ép tỷ giá lớn, thiên tai, dịch bệnh tiềm ẩn nhiều bất ổn, khó lường. Tình hình kinh tế thế giới được dự báo chưa có nhiều tín hiệu khả quan.
Để bảo đảm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế – xã hội chủ yếu của năm 2011, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương kiên trì thực hiện các mục tiêu, giải pháp đã được đề ra trong Kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ từ đầu năm đến nay; nhất quán các chính sách kinh tế vĩ mô, đồng thời theo dõi sát tình hình, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với thực tế để tiếp tục kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và giữ mức tăng trưởng hợp lý, trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau:
– Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, hiệu quả, theo sát tín hiệu thị trường; thực hiện các biện pháp kiểm soát, ổn định tỷ giá VND/USD và lãi suất liên ngân hàng; có kế hoạch điều chỉnh giảm lãi suất huy động và cho vay phù hợp với diễn biến lạm phát; điều hành tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán hợp lý (khoảng 12 – 13% cho cả năm 2011); tập trung tín dụng cho các nhu cầu thiết yếu trong sản xuất, kinh doanh, ưu tiên cho chế biến nông sản, thủy sản để xuất khẩu và tiêu thụ, tập trung hỗ trợ vốn để khôi phục và phát triển sản xuất tại các địa phương bị thiên tai tàn phá nặng nề; có biện pháp hạn chế nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và tiền gửi của nhân dân; chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11 năm 2011.
– Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có các biện pháp quyết liệt để kiểm soát thị trường vàng và ngoại tệ.
– Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương rà soát tình hình thị trường bất động sản, đề xuất giải pháp cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15 tháng 11 năm 2011.
– Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, kết hợp với chính sách tiền tệ chặt chẽ; tập trung kiểm tra, chỉ đạo các địa phương phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước năm 2011, kết hợp quản lý chi tiêu tiết kiệm và hiệu quả để giảm bội chi; chỉ đạo, điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước; thực hiện các biện pháp quyết liệt để ổn định thị trường giá cả, nhất là trong các tháng cuối năm; nghiên cứu, đề xuất việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và kéo dài thời gian miễn, giảm, dãn thuế cho các doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11 năm 2011; khẩn trương xây dựng đề án tái cơ cấu các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11 năm 2011.
– Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tích cực tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; có chính sách ưu tiên thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam; quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1617/CT-TTg ngày 19 ngày 9 tháng 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác đầu tư nước ngoài; tổ chức quán triệt, triển khai khẩn trương, quyết liệt thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giám sát đầu tư từ vốn Ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, bảo đảm bố trí vốn tập trung, cơ cấu lại để nâng cao hiệu quả đầu tư, ưu tiên các dự án hoàn thành sớm, các công trình phòng, chống, khắc phục hậu quả lũ lụt, đối ứng ODA, các chương trình an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, an ninh quốc phòng; đồng thời với việc giảm đầu tư công, tích cực huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội; khẩn trương xây dựng đề án tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11 năm 2011.
– Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu; kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu và hàng hóa trong nước đã sản xuất được; tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, bảo đảm cân đối đủ hàng hóa cho nhu cầu sản xuất và đời sống, không để khan hiếm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán; phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương xử lý nghiêm việc đầu cơ găm hàng, thao túng giá; kiên quyết xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, trốn thuế.
– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chủ động phòng chống thiên tai, nhất là tại khu vực miền Trung đang thời kỳ lũ chính vụ; tu bổ đê bao, bờ bao vùng Đồng bằng sông Cửu Long để bảo đảm kế hoạch sản xuất; đồng thời chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trong cả nước; tích cực, chủ động phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, phát triển chăn nuôi, chuẩn bị nguồn cung thực phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
– Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác y tế dự phòng và an toàn thực phẩm; chủ động các biện pháp phòng, chống, khống chế, xử lý kịp thời dịch bệnh, đặc biệt là bệnh tay chân miệng.
– Các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, tập trung vào các vùng bị ảnh hưởng thiên tai, vùng nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn, người nghèo, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm giải quyết chính sách về việc làm trong điều kiện các doanh nghiệp khó khăn, phá sản; kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc điều chỉnh mức lương tối thiểu đối với khu vực doanh nghiệp.
– Các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến giải phóng mặt bằng và các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường đầu tư như: thuế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị và trình các đề án trong chương trình công tác, khắc phục tình trạng nợ đọng các văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực; tăng cường công tác quản lý nhà nước, quyết liệt, chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành; tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là khiếu nại đông người, kéo dài; tiếp tục chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng; thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ bảo đảm chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
– Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm kiềm chế, giảm tai nạn giao thông. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chủ động chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại hai thành phố theo Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và Uỷ ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thống nhất xây dựng phương án giảm ùn tắc giao thông tại hai thành phố.
– Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin, truyền thông quán triệt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đã đề ra; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đúng định hướng, tích cực, khách quan với phương thức và thời lượng phù hợp; tăng cường tính công khai, minh bạch. Các thành viên Chính phủ chủ động cung cấp và công bố thông tin trên các phương tiện truyền thông về các chủ trương, chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành thuộc lĩnh vực Bộ, cơ quan quản lý để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
– Các thành viên Chính phủ tích cực chuẩn bị nghiêm túc việc trả lời chất vấn, chủ động giải trình trước Quốc hội về các vấn đề liên quan cũng như về sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nói chung và trong từng lĩnh vực nói riêng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương đánh giá tình hình kinh tế – xã hội, thu chi ngân sách Nhà nước năm 2011, chuẩn bị triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2012, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị chung của Chính phủ vào cuối năm 2011.
2. Chính phủ thảo luận và cho ý kiến về Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2011 – 2016 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình.
Việc xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ phải dựa trên cơ sở cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 3 khóa XI, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm thực hiện thành công các đột phá chiến lược, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong ba lĩnh vực là xây dựng thể chế, nguồn nhân lực và phát triển hạ tầng, tạo đà cho phát triển đất nước.
Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020 và Kế hoạch 5 năm 2011 – 2015 khẩn trương đề xuất những nhiệm vụ, đề án, chính sách lớn của ngành, lĩnh vực được phân công quản lý, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp vào Chương trình hành động. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ hoàn chỉnh dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
3. Chính phủ thảo luận và cho ý kiến về Đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước giai đoạn 2011 – 2020 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình.
Việc xây dựng đề án phải bám sát quan điểm, mục tiêu, định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 2011 – 2020, trong đó chú trọng khâu đột phá chiến lược đã được xác định. Từ quan điểm đó, phạm vi trọng tâm của đề án tập trung vào ba nhóm lĩnh vực: Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị lớn – hệ thống hạ tầng thủy lợi – hệ thống hạ tầng điện theo hướng đồng bộ, liên ngành, liên vùng; đồng thời có định hướng hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin, các khu kinh tế và y tế, giáo dục…phù hợp, lâu dài. Các giải pháp, cơ chế chính sách cơ bản là: Đổi mới chính sách, mở rộng hình thức đầu tư theo hướng thu hút sự tham gia của các nguồn lực xã hội, xác định những tiêu chí đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước; đổi mới mô hình quản lý, vận hành, khai thác hạ tầng; đặc biệt coi trọng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch phục vụ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và thủ tục triển khai dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng.
Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn chỉnh đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Bộ Chính trị.
4. Chính phủ thảo luận và cho ý kiến về Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình.
Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, rà soát các nhiệm vụ chiến lược, lồng ghép phù hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, hoàn chỉnh Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu trình Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành trong tháng 11 năm 2011.
5. Chính phủ thảo luận và cho ý kiến về Báo cáo tình hình thực hiện quy hoạch khoáng sản và giải pháp tăng cường quản lý hoạt động khoáng sản; tình hình khai thác, chế biến và xuất khẩu khoảng sản làm vật liệu xây dựng; công tác cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản và những biện pháp chấn chỉnh, tăng cường quản lý; dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 25 tháng 4 năm 2011 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; dự thảo Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 do Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình.
Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước của các Bộ, cơ quan, địa phương về quy hoạch, quản lý, khai thác, xuất khẩu khoáng sản trên phạm vi cả nước có nhiều cố gắng. Song công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, nhất là khoáng sản biển còn hạn chế; quy hoạch và quản lý quy hoạch khoáng sản còn bộc lộ yếu kém; tình trạng khai thác trái phép gây mất an ninh trật tự và hủy hoại môi trường; tình trạng xuất khẩu khoáng sản ở dạng nguyên liệu thô, xuất khẩu trái phép gây thất thoát, khó kiểm soát; trình độ, công nghệ khai thác yếu kém dẫn đến mất an toàn lao động, lãng phí tài nguyên; cơ chế, chính sách quản lý về tài chính, tái đầu tư, khôi phục môi trường trong khai thác khoáng sản chưa hợp lý; phân công, phân cấp quản lý nhà nước về khoáng sản còn chồng chéo, chậm được khắc phục.
Để chấn chỉnh và khắc phục những tồn tại trong thời gian qua, Chính phủ yêu cầu:
– Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành Luật Khoáng sản, trình Chính phủ ban hành trong năm 2011; chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương liên quan tiến hành tổng kiểm tra hoạt động khoáng sản trên toàn quốc, tiếp tục đề xuất giải pháp quản lý khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản có hiệu quả.
– Bộ Tài nguyên và Môi trường lập quy hoạch điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản; Bộ Công Thương bổ sung, điều chỉnh, lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản; Bộ Xây dựng bổ sung, điều chỉnh, lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng; Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh theo chức năng nhiệm vụ bổ sung, lập quy hoạch khoáng sản và hoàn thành khoanh định khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn trong năm 2012.
– Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng rà soát, điều chỉnh tiêu chuẩn xuất khẩu theo hướng tăng hàm lượng chế biến tạo ra giá trị gia tăng đối với từng loại khoáng sản. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, điều chỉnh thuế tài nguyên và thuế suất thuế xuất khẩu khoáng sản theo hướng khuyến khích chế biến sâu, không xuất khẩu quặng thô; tăng cường kiểm tra, xử lý việc xuất lậu và gian lận thương mại trong xuất khẩu khoáng sản. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chỉ đạo kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn xuất lậu khoáng sản qua biên giới.
– Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan khẩn trương chuẩn bị, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý trong lĩnh vực hoạt động khoáng sản trong tháng 11 năm 2011; Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 25 tháng 4 năm 2011 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 và Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()