Nghị quyết kịp thời, hợp lòng dân
– Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN), người lao động (NLĐ) và đời sống Nhân dân. Cùng với các giải pháp quyết liệt phòng, chống dịch thì Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm đến việc hỗ trợ DN và NLĐ cũng như những người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch. Theo đó, đã có 2 nghị quyết quan trọng được ban hành và triển khai thực hiện kịp thời, hợp lòng dân, đó là Nghị quyết 42/NQ-CP (năm 2020) với gói cứu trợ 62.000 tỷ đồng và Nghị quyết 68/NQ-CP (năm 2021) với gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng. Tại tỉnh Lạng Sơn, thực hiện 2 nghị quyết trên, các cấp, ngành, địa phương đã đảm bảo triển khai hỗ trợ kịp thời, minh bạch, đúng người, đúng đối tượng, không để người dân nào bị bỏ lại phía sau.
Ban hành kịp thời, triển khai nhanh chóng
Còn nhớ đợt bùng dịch đầu tiên ở nước ta vào đầu năm 2020 đã ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân. Sau hơn 3 tháng cả nước căng mình chống dịch, từ thực tế khó khăn của các địa phương, ngày 9/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân, đối tượng chính sách xã hội gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Trong 20 ngày triển khai nhanh chóng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến ngày 29/4/2021, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện chi trả cho 4 nhóm đối tượng: hộ nghèo; cận nghèo; bảo trợ xã hội và người có công. Đến ngày 5/5/2020, sau gần 1 tháng triển khai Nghị quyết 42 thì toàn tỉnh đã chi trả trên 161,3 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 98,4%, là một trong 8 tỉnh chi trả hỗ trợ sớm nhất cả nước.
Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Lộc Bình ký kết hợp đồng tín dụng với Hợp tác xã Tiến Đạt
Đối với 3 đối tượng được hỗ trợ chi trả trong đợt 2 gồm: NLĐ bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương; NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm; hộ kinh doanh cá thể có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh, UBND tỉnh đã giao quyền cho các địa phương thực hiện rà soát, xem xét thẩm định và trình tỉnh hỗ trợ kịp thời.
Năm 2021, đợt dịch thứ tư bùng phát trong cả nước vào cuối tháng 4/2021 đến nay thực sự phức tạp do hình thành ổ dịch tại nhiều tỉnh, thành, số ca mắc trong cộng đồng tăng cao, thậm chí có ngày số ca mắc của cả nước lên đến trên 10 nghìn ca khiến cho các DN phải tạm dừng hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh, NLĐ bị ngừng việc hoặc thất nghiệp, đời sống Nhân dân các tỉnh có dịch vô cùng khó khăn. Trước thực tế đó, ngày 1/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP và ngày 7/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 23/2021/QĐ-TTg về thực hiện một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động (NSDLĐ) gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Ngay sau khi có Nghị quyết 68 và Quyết định 23, UBND tỉnh đã triển khai đến các sở, ngành, đoàn thể liên quan, chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, lập danh sách đối tượng thụ hưởng theo 12 chính sách hỗ trợ cụ thể cho NSDLĐ, NLĐ và người dân gặp khó khăn do dịch. Từ ngày 8/7 đến 20/8/2021, toàn tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ chi trả gần 5 tỷ đồng, trong đó có 533 lao động được hỗ trợ do tạm ngừng việc, 542 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động nghỉ việc không hưởng lương với tổng số tiền hỗ trợ trên 2,35 tỷ đồng; hỗ trợ 699 hộ kinh doanh với tổng số kinh phí 2,097 tỷ đồng; 24 hướng dẫn viên du lịch với tổng kinh phí trên 89 triệu đồng; 47 lao động tự do với kinh phí 70,5 triệu đồng; 222 đối tượng là trẻ em, các F0, F1 đang điều trị COVID-19 và thực hiện cách ly y tế với trên 198 triệu đồng…
Ngoài ra, BHXH đã kịp thời giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho các đơn vị DN đủ điều kiện, điều chỉnh giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; xác nhận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đối với 30 đơn vị, 705 lao động; xác nhận danh sách lao động ngừng việc cho 25 đơn vị với 888 lao động…
Ông Đặng Xuân Tuấn, Trưởng phòng LĐTBXH – Dân tộc huyện Hữu Lũng cho biết: Trong đợt dịch vừa qua, Hữu Lũng là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề, đời sống người dân, người lao động và DN trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, khi Nghị quyết 68 được ban hành với nhiều quy định, yêu cầu được nới lỏng hơn so với Nghị quyết 42 thực hiện năm 2020 thì phòng chuyên môn chúng tôi tiến hành triển khai thuận lợi hơn rất nhiều. Khâu rà soát, thống kê đối tượng và các căn cứ phân loại đối tượng thụ hưởng cũng rõ ràng hơn trước nên tiến độ rất nhanh, sau khi huyện trình tỉnh thì cơ quan chuyên môn của tỉnh và các ngành liên quan cũng thẩm định nhanh để kịp thời giải quyết khó khăn cho DN và NLĐ trên địa bàn. Kết quả, đến nay, huyện đã lập danh sách trình tỉnh và được phê duyệt hỗ trợ cho 508 NLĐ ngừng việc; 416 NLĐ tạm hoãn hợp đồng lao động nghỉ việc không lương; 564 hộ kinh doanh với tổng kinh phí chi trả trên 3,9 tỷ đồng.
Giải ngân nhanh, linh hoạt hình thức chi trả hỗ trợ
Sau hơn 1 tháng thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23 cho thấy việc triển khai tương đối thuận lợi vì đã giảm 2/3 thời gian, cắt giảm 2/3 thủ tục so với Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020, có nghĩa là thủ tục rất đơn giản, gọn nhẹ, thời gian rất nhanh chóng để người dân, DN và NLĐ tiếp cận được chính sách và được thụ hưởng khi đủ điều kiện và được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đơn cử như trước đây, Nghị quyết 42 quy định hỗ trợ cho hộ kinh doanh cá thể “có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm” tạm ngừng kinh doanh khiến cho các cán bộ thực hiện rà soát gặp nhiều khó khăn thì Nghị quyết 68 chỉ quy định đối tượng hộ kinh doanh cá thể bị tạm ngừng kinh doanh do dịch, cơ quan thuế xác nhận danh sách và chuyển sang cho ngành lao động để thực hiện rà soát, trình lãnh đạo UBND cùng cấp phê duyệt hỗ trợ. Hay như đối tượng lao động tự do, Nghị quyết 42 nêu phạm vi đối tượng rộng, vì vậy, các địa phương mất nhiều thời gian cho khâu rà soát, lập danh sách, thẩm định nhưng Nghị quyết 68 đã có hướng dẫn cụ thể hơn cho các địa phương. Theo đó, UBND tỉnh họp bàn với các ngành và đưa ra quyết định cụ thể, xác định các đối tượng lao động tự do phù hợp thực tế trên địa bàn để có căn cứ hỗ trợ chi trả theo nguồn ngân sách của địa phương.
Bà Bế Thị Tuyền, xã Bắc Hùng, huyện Văn Lãng cho biết: Tôi bán nước giải khát tại nhà. Do ảnh hưởng dịch nên vừa qua, tôi phải tạm nghỉ bán hơn 1 tháng. Sau khi cán bộ xã, huyện hướng dẫn làm thủ tục hỗ trợ lao động tự do bị ảnh hưởng dịch COVID-19, tôi đã được hỗ trợ 1,5 triệu đồng.
Nhân viên Bưu điện Cửa Đông chi trả hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội ảnh hưởng do dịch theo Nghị quyết 42 năm 2020
Để hỗ trợ nhanh, kịp thời cho NLĐ bị ảnh hưởng đủ điều kiện được hỗ trợ, Phòng LĐTB&XH các huyện, thành phố đã nhanh chóng tham mưu với UBND cùng cấp tổ chức chi trả trực tiếp. Trong trường hợp do dịch bệnh diễn biến phức tạp thì các đơn vị phối hợp với hệ thống ngân hàng thực hiện chi trả qua tài khoản của NLĐ. Bà Bùi Thị Quỳnh Anh, Trưởng Phòng LĐTB&XH thành phố Lạng Sơn cho biết: Vừa qua, thành phố đã kịp thời rà soát, lập danh sách và phê duyệt hỗ trợ 40 hộ kinh doanh gặp khó do COVID-19 trên địa bàn và 36 NLĐ tạm hoãn hợp đồng nghỉ việc không hưởng lương. Với NLĐ có tài khoản ngân hàng, chúng tôi đã chuyển khoản số tiền hỗ trợ đến tài khoản của NLĐ được thụ hưởng. Với DN và NLĐ không có tài khoản ngân hàng, thành phố đã tổ chức chi trả tiền mặt đảm bảo kịp thời, không để DN và NLĐ phải chờ đợi lâu.
Với việc cho NSDLĐ vay để trả lương ngừng việc và phục hồi kinh doanh, thời gian qua, hệ thống Ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh đã kịp thời tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các DN gặp khó khăn do dịch COVID-19. Ông Trần Việt Sơn, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết: Tính từ ngày 8/7 đến ngày 20/8/2021, chúng tôi đã ký kết hợp đồng tín dụng vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất và giải ngân cho 26 DN trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền cho vay gần 3,2 tỷ đồng để hỗ trợ trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 1.123 lượt NLĐ… Hiện nay, chúng tôi chỉ đạo các phòng giao dịch tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét, hướng dẫn các DN đủ điều kiện làm hồ sơ vay vốn theo chính sách của Nghị quyết 68 và Quyết định 23, đảm bảo giải ngân kịp thời để các DN vượt qua khó khăn, nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh.
Lời kết
Có thể thấy rằng, trên thực tế, những nghị quyết đã được Chính phủ triển khai “hợp lòng dân” thì nhanh chóng đến được với người dân. Người xưa vẫn thường nói “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, vì vậy, sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, các địa phương cho từng đối tượng cụ thể đã góp phần đưa các nghị quyết đi vào cuộc sống. Qua đó tiếp tục khẳng định và củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, khơi dậy tinh thần đoàn kết, truyền thống tương thân tương ái của cộng đồng và các tầng lớp Nhân dân trong mùa dịch
Ý kiến ()