tle=”Nghị lực vượt lên nỗi buồn khiếm thị”> Anh Lợi (giữa) cùng các nhân viên Công ty Nhân Ái. – Bận rộn với công việc mưu sinh, lo công ăn việc làm cho 30 nhân viên, Lợi tất bật từ sáng đến tối. Thế nhưng khi kể về cuộc đời mình, Lợi vẫn giữ được sự tự tin và bản lĩnh vững vàng của một người khiếm thị đã vượt qua muôn vàn khó khăn.
Vượt lên số phận
Ở Đà Nẵng, nhắc đến Công ty TNHH Nhân Ái, ai cũng trầm trồ thán phục bởi nghị lực vượt khó của đôi vợ chồng khiếm thị Nguyễn Tấn Lợi – Lê Thị Thanh Thủy. Từ hai bàn tay trắng với bao chồng chất khó khăn trong cuộc sống của một đôi vợ chồng khiếm thị, Lợi và Thủy đã tựa vào nhau để cùng xây dựng một gia đình hạnh phúc và tạo được công ăn việc làm cho 30 nhân viên có chung cảnh ngộ.
Năm nay 28 tuổi, Giám đốc Lợi đã có trong tay một “cơ ngơi” tuy không lớn nhưng là niềm tự hào của gia đình vì “hai đứa đã tự làm chủ được cuộc sống và thành người có ích cho xã hội”.
Trong ký ức của mình, Lợi vẫn không thể quên được nỗi buồn khi biết mình là người khiếm thị, do bị nhiễm chất độc hóa học từ cha mình. Lớn lên và biết suy nghĩ, Lợi vừa thương gia đình vừa ái ngại cho chính bản thân mình. Câu hỏi, làm gì để sống, làm gì để tồn tại khi phía trước mặt là bóng đêm vĩnh viễn ? Câu hỏi ấy chỉ được giải thoát khi Lợi được đưa về học tại trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu Đà Nẵng. Và rồi cuộc đời Lợi đã “tự sang trang”, hạnh phúc tìm đến khi anh gặp và quen Thủy tại ngôi trường Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu này, Thủy cũng là người khiếm thị, quê ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Hồi đó, Lợi vừa học văn hóa, vừa học thêm nghề massage để tìm việc làm thêm, trang trải cho cuộc sống, Thủy, vừa học văn hóa, vừa học đàn organ. Ở đâu có hội nghị, hội thảo cần người đánh đàn organ, Thủy đều tìm mọi cách để được biểu diễn. Lợi chuyên tâm vào nghề massage và nuôi ước mơ thành lập một cơ sở massage dành cho người khiếm thị.
Vượt qua sự can ngăn của gia đình vì “hai đứa mù lấy nhau thì làm sao mà sống”, năm 2004, một đám cưới đầm ấm được tổ chức. Rồi hai vợ chồng tích góp tiền mua được một căn nhà tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Thủy còn thi vào học ngành Thanh nhạc, trường Trung cấp Nghệ thuật Đà Nẵng.
Năm 2007, Công ty TNHH Nhân Ái nằm trên đường Tôn Đức Thắng, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng ra đời trong niềm vui khôn tả của vợ chồng Lợi. Đây là công ty đầu tiên tại Đà Nẵng ra đời với mục đích tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật.
“Hồi đó, khó khăn vô cùng nhưng tôi nghĩ rằng, nếu mình không làm được, không mở được công ty để tạo cơ hội cho những người khiếm thị như mình có việc làm, thì ai sẽ làm đây? Tự hỏi mình như thế, tôi đã quyết phải làm, và làm tới cùng để đạt được thành công”, Lợi tâm sự.
Lợi bắt đầu xây dựng “thương hiệu” riêng cho công ty mình bằng cách về lại trường Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, tìm những bạn học chung, những em có học nghề massage hoàn cảnh tương tự, rồi đưa về công ty, bồi dưỡng thêm cho họ về kỹ thuật massage, ý thức phục vụ khách hàng và đặt uy tín, trách nhiệm lên hàng đầu. Không chỉ dừng lại ở đó, Lợi và Thủy đã cùng bàn bạc, lên kế hoạch mở thêm các cơ sở mới của công ty, hiện tại có bốn cơ sở của Công ty TNHH Nhân Ái, với ngành nghề kinh doanh là massage, cho thuê phông màn, dựng rạp…
Trong những năm lăn lộn với việc kinh doanh tìm kiếm cơ hội để tạo uy tín cho công ty, năm 2008, cho ra mắt đội ca nhạc khuyết tật TP Đà Nẵng. Đội do Thủy “cầm quân”, vừa làm nhạc công, vừa là ca sĩ chính. Các tiết mục văn nghệ từ hát, nhạc, diễn xuất, phụ họa đều do các em ở trường Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu biểu diễn. Trung bình, mỗi tháng đội văn nghệ đi biểu diễn 4-5 lần. Và tiếng đàn, tiếng hát của các em đã về tận vùng sâu, vùng xa của Đà Nẵng và vùng núi của tỉnh Quảng Nam để biểu diễn.
“Tôi thấy mình hạnh phúc vì đã chinh phục được bản thân, và truyền cho những người cùng cảnh ngộ thêm hy vọng và niềm tin trước cuộc sống. Hai vợ chồng chẳng có thời gian giận hờn, trách móc gì nhau. Chỉ tận tâm làm việc, quên hết mệt mỏi hằng ngày bằng tiếng đàn, tiếng sáo, bằng chính nụ cười của các con”, Thủy thổ lộ.
Cùng đồng hành với vợ chồng Lợi là Nguyễn Văn Hải, cũng là người khiếm thị. Lợi và Hải học chung ở trường Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, nhưng may mắn hơn Lợi là mắt Hải vẫn nhìn rõ được đôi phần. Lợi nói rằng, số phận đã cho anh một người bạn, người đồng môn tốt như Hải, để hai người có thế chia sẻ với nhau ý tưởng, cùng tương trợ để giúp nhau vượt lên số phận.
Hải tâm sự: “Công ty như ngôi nhà của anh em chúng tôi. Là tổ ấm của những mảnh đời khuyết tật. Ở trong môi trường này, chúng tôi thấy bình yên và sống có mục đích. Anh chị em đều bảo ban nhau để làm việc tốt hơn, không ai hiểu mình bằng chính những người cùng cảnh ngộ”.
Và ước mơ
Vượt lên chính mình, vượt lên số phận, nhưng vợ chồng Lợi vẫn còn nỗi buồn riêng. Đứa con trai đầu của vợ chồng Lợi bị khiếm thị. Nhưng rồi ông trời đã ban cho Lợi niềm hạnh phúc lớn hơn khi cậu con trai thứ hai vừa chào đời khỏe mạnh. Lợi chia sẻ: “Đã có động lực để tôi tiếp tục làm thêm nhiều việc nữa. Trước mắt là tập trung đầu tư thêm về cơ sở vật chất cho các cơ sở massage, đội văn nghệ. Và vợ chồng đang ấp ủ giấc mơ mở thêm một đầu việc cho công ty đó là dịch vụ giặt ủi cho người khuyết tật. Cũng mong có được một nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước để có thêm điều kiện kinh doanh. Người sáng mắt làm kinh doanh đã khó, huống chi những người khiếm thị như tôi”.
Phía trước là ánh sáng, Lợi nói rằng rồi anh sẽ chạm được ước mơ!
Theo Nhandan
Theo Nhandan
Ý kiến ()