Nghị lực của người phụ nữ nghèo
LSO- Với bản tính cần cù cùng ý chí vươn lên thoát nghèo, bà Hoàng Thị Mạc (sinh năm 1973), thôn Bản Pịt, xã Đông Quan, huyện Lộc Bình đã vượt qua khó khăn, làm kinh tế giỏi.
Nhìn khu đồi rộng hơn 2 ha trồng các loại cây ăn quả, ít ai biết được rằng trước kia đây chỉ là quả đồi cằn cỗi, không đem lại hiệu quả kinh tế. Để có được sự đổi thay ấy là sự hăng say trong lao động sản xuất, vất vả sớm hôm của ba mẹ con bà Hoàng Thị Mạc.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo, năm 1991, bà lập gia đình và có 2 người con, cuộc sống đang hạnh phúc thì chồng bà đột ngột qua đời (năm 1999), để lại cho bà 2 đứa con thơ dại. Mất đi trụ cột gia đình, ngần ấy năm bà Mạc bươn chải nuôi con, tìm hướng phát triển kinh tế.
Bà Mạc tâm sự: May mắn đến với gia đình tôi khi được tiếp cận nguồn vốn 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. Năm 2016, tôi và các con mạnh dạn khai phá đồi hoang, vườn tạp chuyển đổi sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Ban đầu, tôi lựa chọn trồng 120 cây chuối tiêu hồng trên đất dốc, do tôi chưa có kinh nghiệm nên cây chậm phát triển, quả bị sâu không bán được. Không nản chí, tôi tiếp tục học hỏi kinh nghiệm, đến nay, vườn chuối đã phát triển lên hơn 1.200 gốc, buồng chuối to, quả đều. Năm ngoái, gia đình thu về gần 100 triệu đồng từ bán chuối.
Bà Hoàng Thị Mạc chăm sóc vườn chuối
Trước khi được vay vốn để đầu tư trồng chuối, trên diện tích đồi rừng của gia đình, bà đã trồng được gần 1.000 cây vải thiều và mận cơm, khoảng 5 năm trở lại đây, cây đã cho thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm. Năm 2017, bà Mạc tiếp tục mở rộng diện tích cây ăn quả. Đến nay, gia đình bà có trên 350 cây cam đường Canh, 100 cây quýt, gần 100 cây táo đại, hơn 1.000 gốc dứa… Các loại cây ăn quả đang sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến sang năm sẽ bắt đầu bói quả.
Để tăng thu nhập, cuối năm 2017, gia đình bà đầu tư nuôi hơn 100 con thỏ. So với vật nuôi khác, thỏ khá dễ nuôi vì chỉ cần tận dụng thức ăn sẵn có là các loại rau, cỏ dại. Đồng thời, thỏ sinh sản nhanh, cho lợi nhuận cao. Hiện tại, giá 1 kg thỏ thương phẩm trên 100 nghìn đồng. Không dừng lại ở đó, đầu năm 2018, gia đình bà Mạc tiếp tục đào ao, nuôi cá với diện tích rộng gần 1.500 m2, thả các loại cá chép, trắm, trôi… Đồng thời, gia đình bà phát đồi rừng trồng được hơn 1.000 cây keo và xây chuồng trại nuôi hơn 300 con gà làng. Mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình bà Mạc cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.
Bà Vy Thị Phiên, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: Xuất phát từ một hộ nghèo nhất nhì thôn, nhưng nhờ ý chí vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, đến nay, gia đình bà Hoàng Thị Mạc đã xây dựng thành công mô hình kinh tế tổng hợp. Với sự cố gắng, nỗ lực đó, nhiều năm liền, gia đình bà Mạc được UBND huyện tặng giấy khen vì có thành tích trong phong trào phát triển kinh tế.
Ý kiến ()