Nghị lực của người lính bị nhiễm chất độc da cam
LSO- Hơn 40 năm trôi qua kể từ khi đất nước hòa bình, nhưng nỗi ám ảnh chất độc da cam (dioxin) vẫn còn hiện hữu trong rất nhiều gia đình. Nhiều nạn nhân chất độc da cam phải bươn chải vừa nuôi sống bản thân, gia đình, vừa lo cho nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba. Không gục ngã trước khó khăn, với ý chí và nghị lực của người lính, ông Nguyễn Văn Thùng, thôn Lù Thẳm, xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng đã vươn lên trở thành tấm gương phát triển kinh tế tại địa phương.
Năm 1971, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên 18 tuổi Nguyễn Văn Thùng (sinh năm 1954) rời quê hương lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Năm 1976, ông phục viên trở về quê hương, mang trong mình “vết thương không chảy máu”, đó là nhiễm chất độc da cam.
Ông Thùng chia sẻ: Cuối năm 1976, tôi lập gia đình và ra ở riêng, được bố mẹ chia cho 2 sào ruộng, cuộc sống rất vất vả. Ban đầu, vợ chồng tôi gặp khó khăn về đường con cái, sau 6 năm chữa trị mới có con. May mắn thay, cả 4 người con đều phát triển bình thường. Cuộc sống dần đi vào ổn định, tôi luôn suy nghĩ làm thế nào để phát triển kinh tế, thoát khỏi cảnh nghèo đói.
Ông Nguyễn Văn Thùng bên vườn chuối của gia đình
Thời điểm đó, hầu hết thanh niên trong làng đều ra cửa khẩu bốc hàng thuê nhưng cơ thể của một người lính bị nhiễm chất độc hóa học dioxin khiến ông không đủ sức khỏe để làm những công việc nặng. “Những hôm trái gió trở trời, cơ thể tôi lại đau nhức, không tự đi lại được, có lúc tưởng không thể vượt qua. Nhưng lúc ấy, cứ nghĩ đã là người lính Cụ Hồ thì không được khuất phục trước khó khăn, thử thách nên tôi lại càng quyết tâm”. – ông Thùng tâm sự.
Nhận thấy cây chuối tây được trồng nhiều ở địa phương, nhưng mỗi nhà chỉ trồng vài khóm để phục vụ gia đình, chưa có ai đầu tư trồng chuối làm kinh tế nên ông bàn với vợ phát đồi, khe dọc để trồng chuối. Ông Thùng chia sẻ: Từ năm 2013, hai vợ chồng tôi lên phát đồi trồng thử 200 gốc, thấy cây phát triển tốt lại có hiệu quả kinh tế cao nên đến nay gia đình mở rộng trồng được trên 1.000 gốc chuối.
Hiện nay chuối có đầu ra ổn định, thương lái đến tận nơi thu mua. Vườn chuối của gia đình ông mỗi tháng cho thu 2 lần (vào mùng 1 và 15 âm lịch), mỗi lần trung bình từ 20 đến 30 buồng với giá bán trung bình 200 nghìn đồng/buồng. Gia đình ông có thu nhập ổn định khoảng 12 triệu đồng/tháng.
Ngoài cây chuối tây, gia đình ông Thùng trồng thêm 1.500 cây hồng Vành khuyên, hiện đã có khoảng 500 cây cho thu hoạch, mỗi năm thu trên 70 triệu đồng. Từ chuối tây và hồng Vành khuyên, mỗi năm, gia đình ông Thùng có thu nhập gần 200 triệu đồng, hiện gia đình ông xây được nhà ở khang trang và mua sắm đầy đủ vật dụng phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Ông Bế Đức Minh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hoàng Việt cho biết: Ông Nguyễn Văn Thùng là một hội viên tiêu biểu, đi đầu phong trào phát triển kinh tế ở địa phương. Là một trong những hộ đầu tiên của thôn đưa cây chuối lên đất đồi khô cằn trồng, hiện đã có nhiều hộ khác trong thôn học tập gia đình ông, trồng cây chuối để phát triển kinh tế. Không những thế, ông luôn sẵn sàng hỗ trợ cây giống và chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ khi có nhu cầu.
Ý kiến ()