Nghị lực của một thương binh “Tàn nhưng không phế”
Ông Kiềng Duy Thông |
Ông Kiềng Duy Thông sinh năm 1956 ở khối 3, thị trấn Cao Lộc, nhập ngũ năm 1974. Ông tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ; tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nam – Campuchia, sau đó tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Qua những năm tháng tham gia chiến đấu ở chiến trường, ông đã hai lần bị trọng thương, nhưng vẫn luôn giữ vững tinh thần chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Nhờ đó, ông được Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu và huân chương các loại.
Kết thúc chiến tranh, năm 1980 ông được điều về công tác tại Phòng Tổ chức cán bộ, đào tạo và lao động tiền lương, Ty Xây dựng tỉnh Lạng Sơn (nay là Sở Xây dựng). Năm 1991, ông xin nghỉ việc về sinh sống tại khối 3, thị trấn Cao Lộc. Ông Thông cho biết: Sau khi về nghỉ, tôi đã tích cực học hỏi kinh nghiệm phát triển sản xuất của bà con quanh vùng. Ban đầu tôi mua máy xay đậu đỗ để làm đậu bán và tận dụng chế phẩm chăn nuôi lợn. Cùng với đó, tôi đầu tư chăn nuôi gà, vịt nhằm cải thiện đời sống và tăng thêm thu nhập. Từ việc sản xuất nhỏ, đến khi có nguồn vốn lớn hơn, tôi đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất chăn nuôi.
Năm 2004, ông chuyển hướng sản xuất từ chăn nuôi lợn sang nuôi gia cầm, đầu tư đất trồng rừng (trồng thông và bạch đàn) và thuê đất làm ruộng, trồng rau sạch bán cho thị trường thành phố. Nhờ mạnh dạn đầu tư, giờ đây gia đình ông đã có cuộc sống ổn định. Ông Kiềng Duy Thông cho biết: Trong quá trình làm kinh tế, tôi đã nhiều lần gặp thất bại, nhưng với ý chí của người lính “không lùi bước trước khó khăn, gian khổ”, tôi luôn cố gắng tìm cách vươn lên. Do kinh tế ban đầu còn eo hẹp, cộng với sức khỏe yếu, nên tôi chủ động tìm cách làm kinh tế theo phương thức lấy ngắn nuôi dài, gom dần vốn để đầu tư sản xuất. Nhờ cách làm đó mà đến nay kinh tế gia đình đã ngày càng khấm khá hơn.
Bên cạnh phát triển kinh tế, trong các hoạt động xã hội tại khu dân cư, ông Thông còn thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, thường xuyên vận động người thân và hàng xóm giữ gìn an ninh chính trị, trật tự toàn xã hội, tích cực tham gia các hoạt động về xây dựng làng, xóm xanh – sạch – đẹp. Bản thân luôn gương mẫu và giáo dục con cháu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Sống hòa thuận và yêu thương, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, dạy bảo các cháu về đạo lý văn hóa, truyền thống của gia đình, được bà con, hàng xóm, khối phố tin yêu và quý trọng. Nhờ đó, gia đình hằng năm luôn được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
Ý kiến ()