Nghị lực của một cựu chiến binh
Là người dân tộc Mường, Nguyễn Như Khoa sinh ra và lớn lên ở vùng sâu, xóm Dì, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc (Hòa Bình). Nơi đây một bên là núi, một bên là sông, giao thông đi lại rất khó khăn, xa chợ, xa trường gần 20 km. Người dân quê anh quanh năm làm nương, làm rẫy, quăng chài, thả lưới bắt cá ở trên sông, tự cung, tự cấp. Mùa giáp hạt người dân đào củ mài, củ vớn trên núi để sinh sống.Đến năm 1969, gia đình anh di cư xuống xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy để sinh sống với ước mơ chỉ cần có bát cơm ăn, quần áo mặc và anh được đi học gần trường.Thương bố mẹ, Khoa lên núi chặt củi, xuống suối mò cua, bắt ốc bán, kiếm tiền mua gạo, mua sắn và cố gắng đi học hết cấp hai. Tháng 6-1973, Khoa tình nguyện lên đường nhập ngũ, vào đơn vị Đại đội 16, Trung đoàn 19, Sư đoàn 968, Quân đoàn 3 Tây Nguyên. Sau hai tháng huấn luyện, anh đã tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào và chuyển sang Tây Nguyên tham gia...
|
Đến năm 1969, gia đình anh di cư xuống xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy để sinh sống với ước mơ chỉ cần có bát cơm ăn, quần áo mặc và anh được đi học gần trường.
Thương bố mẹ, Khoa lên núi chặt củi, xuống suối mò cua, bắt ốc bán, kiếm tiền mua gạo, mua sắn và cố gắng đi học hết cấp hai. Tháng 6-1973, Khoa tình nguyện lên đường nhập ngũ, vào đơn vị Đại đội 16, Trung đoàn 19, Sư đoàn 968, Quân đoàn 3 Tây Nguyên. Sau hai tháng huấn luyện, anh đã tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào và chuyển sang Tây Nguyên tham gia các trận đánh của chiến dịch Hồ Chí Minh. Khoa bị thương ngày 25-3-1975 ở trận Cheo Reo, Phú Bổn. Gần hai năm sống và chiến đấu ở chiến trường, Khoa được cấp trên bốn lần tặng bằng khen, kỷ niệm chương chiến dịch Hồ Chí Minh, kỷ niệm chương do nước bạn Lào trao tặng.
Năm 1982, Nguyễn Như Khoa hoàn thành nghĩa vụ, xuất ngũ về địa phương, xây dựng gia đình và sinh được ba con (hai trai, một gái). Đến nay, người con trai đầu bị bệnh béo phì, lấy vợ đã năm năm không có con, bác sĩ kết luận anh bị vô sinh. Con trai thứ hai bị u ở tai, mụn nhọt đầy người. Con gái út chỉ cao 1,4 m. Nguyên nhân, do anh Khoa bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin. Các con anh đều ở với bố mẹ, chưa được hưởng chế độ gì. Bản thân Nguyễn Như Khoa bị u máu ở gan, áp huyết cao, thường xuyên phải uống thuốc.
Trước khó khăn chung của xóm và sự túng thiếu của gia đình, ruộng ít lại đông khẩu ăn, đã bao nhiêu đêm anh Khoa trăn trở, không biết làm gì để vượt qua đói nghèo. Là cựu chiến binh, thương binh, nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, luôn có ý thức thấm sâu lời dạy của Bác Hồ “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”, “Thương binh tàn nhưng không phế”, anh quyết tâm đi tìm các mô hình làm kinh tế giỏi trong và ngoài tỉnh để học tập, áp dụng phù hợp điều kiện ở địa phương. Anh Khoa xác định, chỉ có trồng rừng và trồng cây ngắn ngày, chăn nuôi gia súc, gia cầm mới thúc đẩy được kinh tế gia đình. Vậy là anh đến các thôn bản có nhiều diện tích đồi núi trống mà người dân không làm được, để ký hợp đồng thuê và về bàn với vợ con đi vay vốn của họ hàng và ngân hàng để đầu tư xây dựng trang trại. Mới đầu, do số tiền vay còn giới hạn, anh Khoa trồng 100 ha cây keo, xoan, lát, sấu và trồng xen cây ngắn ngày như: sắn, khoai, ngô, đậu, lạc, mỗi năm thu hoạch hàng trăm tấn. Sau mấy năm có lãi, anh tiếp tục đầu tư thêm, mở rộng diện tích và xây dựng chuồng trại để nuôi 40 con bò, 100 con dê, 80 con lợn, hàng trăm con gà. Đến nay, anh Khoa mua ba xe vận tải, hai xe khách, một máy xúc, một máy chế biến nông sản, có cửa hàng thu mua sản phẩm và thành lập Hợp tác xã Bình Minh do anh làm chủ nhiệm. Hợp tác xã có khoảng 30 xã viên, phần lớn là con em cựu chiến binh, lương hằng tháng 2.000.000 đồng/người. Do vậy các xã viên đều phấn khởi, làm tốt mọi việc được giao. Từ việc làm giàu chính đáng, Nguyễn Như Khoa tham gia Hội Chữ thập đỏ của thị trấn, thực hiện công tác nhân đạo “Lá lành đùm lá rách” để ủng hộ người nghèo với số tiền hàng chục triệu đồng một năm. Anh đã hướng dẫn cho hơn 50 gia đình cựu chiến binh cách làm kinh tế để thoát nghèo và cho họ vay không lấy lãi hơn 200 triệu đồng.
Với cương vị là Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin huyện Yên Thủy, anh Khoa luôn tích cực đến từng nhà nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn để động viên về tinh thần, giúp đỡ về vật chất. Ngoài việc làm kinh tế giỏi, anh Khoa còn hăng hái tham gia các phong trào do địa phương tổ chức, động viên vợ, con chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng. Năm nào gia đình anh Khoa cũng được tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()