Nghĩ khác về dạy con: "Gài kíp nổ vào tảng bê tông"
|
Hãy luôn “lắng nghe” và “tôn trọng” con cái. Ảnh minh họa: VNN
|
Có máy tính, có ipod, có điện thoại di động, có sàn nhảy, cá độ, cả ma túy… vậy mà cha mẹ lại yêu cầu đứa trẻ ngoan ngoãn như cha mẹ ngày xưa, và khi không kiểm soát được thì sẽ mắng mỏ, xỉ vả, xúc phạm. “Lắng nghe”, “tôn trọng” và “nhân bản”…, là những nguyên tắc để thành công trong giáo dục con cái.
Khép lại diễn đàn“có nên dạy trẻ bằng roi vọt”, VietNamNet đăng tải những tâm sự của TS tiến sĩ tâm lý học giáo dục lứa tuổi, chuyên ngành tâm lý học trẻ em và sư phạm (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) Nguyễn Lệ Hằng.” Đây chỉ là một lời chia sẻ chân thành với quý độc giả ở tư cách là một nhà nghiên cứu giáo dục và là một người mẹ trong hành trình nuôi dạy con cái đầy cam gomà hết sức vĩ đại”.
Những kẽ nứt của sự thay đổi
Tôi đã dành rất nhiều thời gian để đọc tất cả các phản hồi và theodõi sự lên, xuống của những con số, có một điều khiến tôi cảm thấy rất ngạc nhiên và bất ngờ mà chưa bao giờ trong suy nghĩ tôi có thể lường trước được.
Với một người làm công tác nghiên cứu về các vấn đề xã hội, chỉ dùng “lời nói” tác động đến dư luận xã hội, thì tỷ lệ thay đổi của dư luận là vài phần trăm đã là một điều rất đáng mừng. Nhưng tỷ lệ khảo sát (số người ủng hộ roi vọt từ 88% lúc ban đầu giảm xuống còn khoảng 60%) thì rõ ràng đây là một thành công lớn của VietNamNet.
Điều này chứng tỏ, trong tâm lý và nhận thức của độc giả sau một hồi va chạm, xung đột đến tận cùng đã xuất hiện những “kẽ nứt” của sự thay đổi.
Ngay cả trong ý kiến của những người ủng hộ đòn roi, tôi đã thấy xuất hiện một chút hoang mang, một chút nghi ngại, liệu mình làm điều đó có đúng không? Sự thay đổi của tỷ lệ ủng hộ/phản đối đó quả là một xu hướng rất tích cực ngoài sự mong đợi của một người làm công tác giáo dục.
Nếu một luận án tiến sĩ về vấn đề đòn roi phải mất 5 năm thực hiện, thì VietNamNet đã thực hiện “luận án”này rất thành công trong một thời gian ngắn nhất với đầy đủ những cứ liệu về cơ sở pháp lý, cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn, kinh nghiệm, chứng cứ, giải pháp… của độc giả cung cấp.
Một nhà nghiên cứu như tôi cũng không thể nói gì nhiều hơn là mọi người hãy in ra và đọc lại tất cả những trao đổi có giá trị này.
Đừng tự mình mắc kẹt
Ở đây, tôi chỉ muốn được độc giả chia sẻ cách tiếp cận vấn đề.
Nên chăng, chúng ta đừng để suy nghĩ của mình bị mắc vào thế kẹt với cách phân định phương Tây, phương Đông, truyền thống hay hiện đại.
Một nhận thức có thể thay đổi khi có nền tảng kinh tế xã hội thay đổi và một suy nghĩ mới ra đời cũng phải có điều kiện của nó.
Nếu chúng ta cứ đặt mình vào thế kẹt thì tự chúng ta đã làm mình mất đi cơ hội tiếp cận với các vấn đề tiên tiến, và cả các vấn đề lạc hậu.
Khi độc giả cùng chia sẻ cách tiếp cận như vậy thì chúng ta sẽ thấy được nhiều hơn những giải pháp, trong đó có cả những giải pháp mà chúng ta chưa bao giờ thực hiện.
Chúng ta cũng đừng để cách tiếp cận “kẹt” trong thế lựa chọn chỉ có đúng hoặc sai vì nếu cứ cứng nhắc thì chúng ta sẽ không bao giờ đi đến được tận cùng vấn đề.
Vì vậy, cách tốt nhất theotôi, là chúng ta nên nhìn nhận vấn đề như nó vốn có, và lọc lựa, tìm cách phân tích tâm lý chính bản thân đời sống của mình và đời sống tinh thần đứa trẻ để tỉnh táo lựa chọn những giải pháp tốt nhất.
Ngay cả những ý kiến cho rằng: “Tiến sĩ ơi, bà chỉ nói lý thuyết”,thì tôi cho rằng, cả độc giả lẫn người viết đều đang nói “lý thuyết” vì bản thân lời nói chính là lý thuyết, kể cả những dẫn chứng lấy ra từ thực tế.
Tại sao chúng ta không thử cởi mở xem xét nó như thế nào, có điều gì hợp lý, điều gì không hợp lý, có nên áp dụng điều gì không?
Nếu cứ khăng khăng coi nó là lý thuyết suông và phủ nhận nó thì lại một lần nữa chúng ta chặn đi mọi cơ hội để mình tiếp xúc với những vấn đề mới, trái ngược với “truyền thống”.
Trong một xã hội đầy biến động như hiện nay thì ranh giới giữa lý thuyết và thực tiễn đang dần trở nên không rõ ràng trong tâm tưởng nhiều người.
Vấn đề không phải là thực tiễn và lý thuyết, mà nằm ở lời nói và hành động.
Tất nhiên, nói thì rất dễ mà làm thì mới khó.
Với tư cách cá nhân tham gia vào diễn đàn này, tôi chỉ có nguyện vọng duy nhất là làm cho mọi người thay đổi một chút nhận thức về cách giáo dục con trẻ.
Nếu ai đã từng đánh con thì hãy mơ hồ: liệu mình làm thế có đúng không?
Những người không đánh đòn mà con cái vẫn ngoan thì có phần nào đồng cảm với những người đã sử dụng đòn roi, vì ở xã hội Việt Nam, “cái roi” có tính chất lịch sử của riêng nó.
Còn để thay đổi hành vicủa cha mẹ đối với con cái thì cần cả một quá trình vận động rất lớn của cả xã hội, báo chí, luật pháp…
Đọc một số phản hồi, tôi vẫn cảm nhận có sự bất lực của người cha, người mẹ trong cách dạy dỗ con cái khi cuộc sống đang có quá nhiều cám dỗ và quá nhiều giá trị đang bị đảo lộn.
Các bậc phụ huynh không có một cơ sở lý luận, thực tiễn vững vàng để “bấu víu”, xã hội chưa có một cuộc vận động “nên hay không nên sử dụng đòn roi” trên mọi phương diện để “đả thông” tư tưởng của các bậc phụ huynh.
Cơ sở pháp lý về vấn đề sử dụng roi vọt cũng chưa hình thành, mặc dù Việt Nam là quốc gia thứ 2 tham gia ký Công ước về quyền trẻ em.
Nói một cách hình ảnh, nếu nhận thức về vấn đề roi vọt của độc giả như một tảng bê tông thì tôi hy vọng những vấn đề mình đã chia sẻ sẽ gài trong tâm tưởng quý vị như một ngòi nổ, rất có thể nó sẽ tạo những kẽ nứt dù rất nhỏ.
Những chiếc roi lời nói
Một điều nữa khiến tôi rất ngạc nhiên là trong diễn đàn này, chúng ta chủ yếu bàn về những cái roi vật lý, có rất ít ý kiến đề cập đến những cái roi lời nói, những cái roi tinh thần.
Trong khi, đó lại là những cái roi “âm ỉ” nhất mà chúng ta đang tùy tiện hàng giờ, hàng ngày “quất” vào đời sống tinh thần con cái mình.
Đó là những lời la hét, mắng mỏ, đó là những lời chửi bới nặng nề xúc phạm đến nhân cách của những đứa con, đến mức, nếu bây giờ hỏi những đứa trẻ là chúng đang cần điều gì nhất, thì tôi chắc rằng rất nhiều em sẽ òa khóc mà trả lời: “Xin cha mẹ hãy lắng nghe con”.
Chưa bao giờ, đời sống dinh dưỡng, thể chất, sức khỏe, vật chất của những đứa trẻ VN được đáp ứng đầy đủ như bây giờ, nhưng nghịch lý là đời sống tâm lý, đời sống tinh thần của chúng có xu hướng trở nên ốm yếu hơn.
Xã hội đang có quá nhiều điều hấp dẫn, cuốn hút sự quan tâm của trẻ mà bản thân cha mẹ không thể kiểm soát được.
Có máy tính, có ipod, có điện thoại di động, có sàn nhảy, cá độ, cả ma túy… vậy mà cha mẹ lại yêu cầu đứa trẻ ngoan ngoãn như cha mẹ ngày xưa, và khi không kiểm soát được thì sẽ mắng mỏ, xỉ vả, xúc phạm.
Chương trình học nặng nề đang đè lên vai đứa trẻ cũng là một cái roi đang quất vào đời sống tinh thần của chúng, vì hiểu đến tận cùng, sự lao động quá sức về tinh thần này có khác nào sự lao động quá sức về thể xác của những đứa trẻ phương Tây trong thời kỳ tư bản tích lũy “nguyên thủy” những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Trong kinh nghiệm cá nhân, tôi luôn luôn có một sự tiết chế để không dùng những lời lẽ xúc phạm đến nhân cách của con, nhưng có thể cho phép ngữ điệu thay đổi tùy từng lúc.
Ngữ điệu có thể “nựng” con hay nghiêm khắc với chúng. Khi thấy những đứa con có một nhận thức chưa phù hợp thì bao giờ tôi cũng chuẩn bị một cuộc nói chuyện “đàng hoàng” và bắt đầu bằng việc lắng nghe vì sao con lại lựa chọn hoặc hành xử như vậy?
Có những khi sự chọn lựa của con cái lại có lý hơn kinh nghiệm của cha mẹ, vậy chúng ta phải bắt đầu bằng việc LẮNG NGHE.
Khi trẻ có đủ lý lẽ để bảo vệ quan điểm thì chúng ta hãy “nương” theochúng rồi hãy “uốn”. Hầu hết các cha mẹ hay định kiến và ít cởi mở.
Tôi nghĩ, các bậc phụ huynh sẽ thành công nếu chịu lắng nghe và chịu cởi mở với những vấn đề mà con cái trình bày, hơn là cứ khăng khăng áp đặt con theomột cái khuôn mà mình cho là đúng.
Không cần dùng đến “roi vọt’
Nếu các bậc cha mẹ tự “vật lộn” với chính mình và thực sự yêu thương, quan tâm đến đứa trẻ thì chúng ta sẽ thấy xung quanh đời sống phức tạp mà đa dạng này có vô số những biện pháp dạy con mà không cần dùng đến roi vọt.
Một lần tình cờ, tôi có nói chuyện với một anh lái xe taxi, con một người nông dân ở Bắc Ninh và anh kể với tôi rằng, chưa bao giờ bị bố đánh và đến lượt mình, anh cũng không bao giờ đánh con.
Tất nhiên, trước đó anh là một đứa trẻ rất nghịch ngợm.
Anh kể: mỗi lần anh gây lỗi, người cha luôn im lặng, nhưng sau mỗi bữa cơm, ông lại ngồi nói chuyện với vợ với ý trách cứ là bà không biết dạy con, và cuộc nói chuyện này được cố ý để anh con trai nghe thấy.
Cậu lái xe tất nhiên là rất yêu thương mẹ, cảm thấy oan ức vì mình mà mẹ bị trách oan như vậy, và dần dần cậu đã tự điều chỉnh mình để mẹ không còn bị bố “đổ tội” nữa.
Một người bạn nữa của tôi đang phải chịu một sức ép kiếm sống ghê gớm, nhưng trước những cơn giận run người vì con cái, bao giờ chị cũng tự nói trong đầu: “Mình không thể trở thành một người mẹ tồi” và coi nó như một sự chỉ dẫn trong hành xử.
Các biện pháp thì rất nhiều, không gia đình nào là giống gia đình nào, nhưng tồn tại một nguyên tắc là TÔN TRỌNG trẻ, không dùng roi trong bất cứ một tình huống nào.
Thay đổi nhận thức là một việc rất khó khăn và đòi hỏi cả một quá trình, và chỉ khi nào nhận thức thay đổi thì chúng ta mới hy vọng thay đổi hành vicủa mình.
Mưu sinh để tồn tại đã là một cuộc chiến cam go, nhưng còn một sứ mệnh, một trách nhiệm cam gohơn là việc nuôi dạy những đứa con ngày càng trở nên NHÂN BẢN hơn. Sự nghiệp nuôi dạy con cái đòi hỏi phải có tầm nhìn là vì vậy…
Ý kiến ()