Nghị định số 116: Khơi thông dòng vốn đầu tư cho ‘tam nông’
Sau gần 9 tháng triển khai thực hiện, Nghị định số 116/2018/NÐ-CP của Chính phủ đã tháo gỡ rất nhiều vướng mắc cho cả người vay vốn sản xuất kinh doanh và ngân hàng, trong đó có Agribank, đồng thời mang lại kết quả khả quan ở các địa phương về nhu cầu vốn trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn có hiệu lực từ tháng 10/2018 là văn bản pháp luật đã thực sự khơi thông dòng vốn đầu tư cho lĩnh vực ‘tam nông’.
Với nhiều quy định mang tính đột phá như: Tăng mức cho vay và tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay; bổ sung quy định quản lý dòng tiền cho vay trong liên kết sản xuất nông nghiệp nhằm hạn chế rủi ro tín dụng và tạo cơ sở pháp lý khuyến khích tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay vốn… Nghị định số 116 đã giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế đối với chính sách cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Đặc biệt, việc nâng hạn mức vay không thế chấp tài sản từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng cho khách hàng cư trú ngoài khu vực nông thôn; tăng từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng cho khách hàng cư trú trong khu vực nông thôn, thực sự là bước nhảy vọt về cơ chế cho vay, giúp khách hàng tiếp cận gói vay thuận lợi.
Tại địa bàn tỉnh Hải Dương, Nghị định số 116/2018/NÐ-CP đã phát huy tối đa hiệu quả khi Agribank Hải Dương triển khai thực hiện.
Theo đó, ngoài hàng loạt biện pháp nâng cao chất lượng nghiệp vụ, Agribank Hải Dương tiếp tục đẩy mạnh việc ký kết phối hợp với Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; thành lập các tổ vay vốn nhằm đưa dòng vốn nhanh nhất, thuận lợi và hiệu quả nhất đến bà con nông dân. Qua đó giúp bà con có vốn để chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh và phục vụ đời sống, hạn chế được nạn “tín dụng đen” ở nông thôn.
Việc phối hợp hoạt động giữa Agribank Hải Dương và các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn không chỉ gắn kết các hội viên với nhau, làm cho hoạt động hội các cấp phát triển mà còn giúp Agribank Hải Dương ngày càng hoàn thiện quy trình cho vay và tinh gọn thủ tục cho vay. Ngoài ra, Agribank Hải Dương đã và đang phát triển các sản phẩm dịch vụ tiện ích như mở tài khoản thanh toán hoặc tài khoản thẻ ATM cho những khách hàng đủ điều kiện để cung cấp dịch vụ chuyển tiền, thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông, khi khách hàng chưa có tiền để thanh toán, Agribank có thể cho vay qua hình thức thấu chi… đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Agribank Hải Dương luôn là đơn vị dẫn đầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh về thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi đối với cho vay nông nghiệp, nông thôn. Hằng năm, mức tăng trưởng tín dụng đạt trên 10% trong khi tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 0,37%. Tính đến 30/4/2019, tổng nguồn vốn huy động đạt 21.465 tỷ đồng, tổng dư nợ đạt 12.655 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt 9.980 tỷ đồng, chiếm 81,3%/tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.
Bên cạnh đó, từ tháng 3/2019, Chi nhánh đã triển khai chương trình cho vay tiêu dùng đạt 29 tỷ đồng.
Nói về hoạt động cho vay của Chi nhánh, lãnh đạo Agribank Hải cho hay, với những món vay dưới 100 triệu đồng, Agribank có thể giải ngân trong ngày; những món vay 200-300 triệu bà con sẽ được giải ngân sau 2-3 ngày.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()