Nghị định mới: Nhiều vấn đề về BOT, BT sẽ được xử lý
Những vấn đề của dự án BOT, BT thời gian qua sẽ được hạn chế nhiều khi Nghị định mới về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực và sẽ được giải quyết căn cơ khi có Luật về PPP.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa |
Trong đó, vấn đề chỉ định thầu “đúng quy trình” được kỳ vọng sẽ bị chặn từ gốc.
Mới đây, khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề chỉ định thầu các dự án BOT, BT, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã giải thích rằng, quá trình thực hiện tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu, có nhiều dự án đã công khai rộng rãi nhưng chỉ có 1 nhà đầu tư quan tâm nên phải chỉ định thầu.
Tại Hội nghị phổ biến Nghị định 63/2018/NĐ-CP do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng khẳng định Nghị định 63 có nhiều quy định hạn chế chỉ định thầu.
Trong đó, đối với dự án BT, Nghị định 63/2018 yêu cầu xác định rõ quỹ đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư được xác định và phê duyệt trong báo cáo nghiên cứu khả thi, làm cơ sở để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.
Quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2000 hoặc 1/500 (nếu có) của quỹ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư phải được lập và phê duyệt theo quy định của pháp luật trước khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt.
Quy định này sẽ giúp công trình BT khi đưa ra đấu thầu được tính toán gần với thị trường, tránh đội giá. Quỹ đất đối ứng cũng đã có quy hoạch, rõ mục đích sử dụng, vì thế giá đất cũng gần thị trường, tránh việc định giá quỹ đất đối ứng thấp. Đặc biệt, việc đã xác định được quỹ đất ngay khi đấu thầu sẽ giúp giảm rủi ro cho nhà đầu tư.
Quy định quan trọng khác sẽ hạn chế chỉ định thầu và việc nhà đầu tư lập đề xuất dự án, theo ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ KH&ĐT, là đối với dự án do nhà đầu tư đề xuất, phần Nhà nước tham gia trong dự án PPP gồm vốn góp của Nhà nước và vốn thanh toán cho nhà đầu tư sẽ chỉ được bố trí khi dự án không áp dụng chỉ định thầu đối với nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Như vậy, dự án do nhà đầu tư đề xuất muốn được bố trí phần vốn này thì phải đấu thầu cạnh tranh.
Ngoài ra, nhiều quy định khác về công khai thông tin từ bước chuẩn bị đầu tư đến hợp đồng dự án, giám sát quá trình thực hiện hợp đồng cũng sẽ giúp dự án BOT, BT minh bạch hơn, dễ giám sát hơn.
Theo ông Trần Việt Dũng, Chánh Văn phòng Cục Quản lý đấu thầu, Nghị định 63/2018 quy định rõ hơn về thẩm quyền, trình tự, thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án PPP (bao gồm cả trường hợp dự án có sử dụng hoặc không sử dụng vốn đầu tư công) trên cơ sở đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư công.
Trong đó, quy định rõ hơn trình tự, thủ tục triển khai dự án PPP sử dụng công nghệ cao với mục đích tạo sự linh hoạt trong quá trình triển khai và giảm thời gian, chi phí trong giai đoạn lập dự án.
Nghị định cũng mở rộng nguồn vốn được sử dụng làm phần Nhà nước tham gia thực hiện dự án, ngoài vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, vốn trái phiếu chính quyền địa phương, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; sẽ có thể sử dụng nhiều nguồn lực khác để tham gia, hỗ trợ nhà đầu tư trong dự án PPP, như giá trị quyền sử dụng đất, tài sản công, tài sản kết cấu hạ tầng, quyền kinh doanh khai thác công trình, dịch vụ…
Vốn thanh toán cho nhà đầu tư đối với các dự án PPP cũng quy định mở hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành và UBND cấp tỉnh linh hoạt trong việc sử dụng cũng như thuận lợi hơn cho nhà đầu tư tham gia dự án PPP.
Đặc biệt, theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, Nghị định 63 đã rút ngắn giai đoạn chuẩn bị đầu tư với nhiều thủ tục được đơn giản hóa trong đó có việc bãi bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Đồng thời, để khắc phục lỗ hổng tạo tham nhũng, thất thoát trong dự án PPP do thiếu thông tin minh bạch, Nghị định 63 đã bổ sung điều khoản về công khai thông tin hợp đồng dự án, gồm thời hạn và nội dung thông tin được công khai.
Ngoài ra, Nghị định 63 cũng quy định rất rõ tỷ lệ nguồn vốn chủ sở hữu, vốn huy động của nhà đầu tư thực hiện dự án theo hình thức PPP trong đó, nhà đầu tư chịu trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án theo hợp đồng dự án đã ký kết.
Cụ thể, đối với dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 20% tổng vốn đầu tư.
Ðối với dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư được xác định theo nguyên tắc: Ðối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 20%; đối với phần vốn từ hơn 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10%. Phần Nhà nước tham gia trong dự án PPP không tính vào tổng vốn đầu tư để xác định tỷ lệ vốn chủ sở hữu…
“Quy định này được đưa ra nhằm sàng lọc năng lực tài chính của nhà đầu tư tham gia dự án PPP, tránh trường hợp dự án bị kéo dài do nhà đầu tư không có khả năng huy động nguồn lực tài chính cho dự án khiến dự án chậm triển khai, kéo dài như trong thời gian qua”, ông Trần Việt Dũng nhấn mạnh.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()