Nghị định 85/CP: Cuộc cách mạng cho việc ứng dụng hợp đồng điện tử
Với hợp đồng điện tử, việc xác thực ngay tại thời điểm ký khi đưa cho bên thứ ba sẽ không phải phát sinh thêm việc công chứng, từ đó giúp cho doanh nghiệp có thể giải quyết công việc nhanh chóng.
“Trong những năm qua Hợp đồng điện tử dần dần đi vào cuộc sống, tuy nhiên có những vướng mắc, trở ngại cần phải vượt qua. Bởi vậy, các quy định tại Nghị định 85/CP có thể là cuộc cách mạng cho việc ứng dụng hợp đồng điện tử tại Việt Nam, đó là tính xác thực của hợp đồng điện tử.”
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã chia sẻ như vậy tại Hội nghị “Phát triển hợp đồng điện tử tại Việt Nam-Triển khai Nghị định 85/2021/NĐ-CP,” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 16/6 tại Hà Nội.
Tăng bảo mật, giúp tiết kiệm chi phí
Năm 2022, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 01/2022/TT-BCT ngày 18/1/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 47/2014/TT-BCT và Thông tư số 59/2015/TT-BCT, quy định các hướng dẫn đối với quy chế hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử; hình thức công bố danh sách các thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam.
Dự kiến, trong năm 2022, người dân, doanh nghiệp sẽ có thể sử dụng hợp đồng điện tử thay thế hoàn toàn cho hợp đồng truyền thống với giải pháp chứng thực của các Tổ chức cung cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử được cấp đăng ký bởi Bộ Công Thương.
Theo ông Đặng Hoàng Hải, hợp đồng điện tử không chỉ được dùng cho việc xác thực hợp đồng giữa hai bên mà còn có thể dùng cho bên thứ ba là Ngân hàng, Tài chính, thuế…
Đặc biệt, Nghị định 85/CP sẽ đưa ra một cơ chế xác thực hợp đồng và cơ chế này giúp cho hợp đồng điện tử xác thực ngay tại thời điểm ký đồng thời bảo đảm tính toàn vẹn, tính bảo mật và khả năng lưu trữ lâu dài cũng như có thể cung cấp cho bên thứ ba mà không phải mất nhiều thời gian như hợp đồng giấy.
Ngoài ra, ông Hải nhấn mạnh việc xác thực ngay tại thời điểm ký như vậy khi đưa cho bên thứ ba sẽ không phải phát sinh thêm việc công chứng, từ đó giúp cho người dân, doanh nghiệp có thể giải quyết công việc được nhanh chóng.
“Cùng với tốc độ phát triển của thương mại điện tử thì khi Hợp đồng điện tử được lưu trữ toàn vẹn và đảm bảo tính bảo mật sẽ giúp cho các khiếu kiện hoặc xử lý tranh chấp được giải quyết một cách nhanh chóng và tính minh bạch cao, đây là điểm mạnh mà hợp đồng điện tử vượt xa các hợp đồng giấy,” ông Hải nói.
Hỗ trợ bên thứ 3 xác thực hợp đồng đã chứng thực
Song song với việc hoàn thiện hành lang pháp lý để cấp đăng ký cho các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã giao Trung tâm Tin học và Công nghệ số nghiên cứu, phối hợp cùng các doanh nghiệp công nghệ thông tin, viễn thông, hạ tầng số, để xây dựng các giải pháp hỗ trợ bên thứ 3 như ngân hàng, kiểm toán, cơ quan giải quyết tranh chấp, cơ quan thuế, các đơn vị liên quan khác; có thể kiểm tra, xác thực được giá trị như bản gốc của hợp đồng điện tử.
Theo đó, dù không lưu trữ nội dung hợp đồng, với việc áp dụng một quy trình khép kín, sử dụng mã băm, kết hợp chữ ký số, dấu thời gian, hợp đồng điện tử sau khi được chứng thực sẽ có khả năng tra cứu, xác thực tính toàn vẹn, tính chống chối bỏ của chủ thể ký và đảm bảo tính bảo mật thông tin cho nội dung hợp đồng.
Như vậy, bên thứ 3 sẽ không chủ động biết được nội dung hợp đồng điện tử đã ký, nhưng khi bên thứ 3 được cung cấp tài liệu hợp đồng điện tử đã được ký và chứng thực, thì việc tra cứu, xác minh giá trị như bản gốc của hợp đồng điện tử sẽ được thực hiện dễ dàng.
Nói thêm về việc này, ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chia sẻ, vừa qua Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã hỗ trợ các doanh nghiệp tích hợp kỹ thuật Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam.
Theo đó, đã có 17 đơn vị gửi công văn, hồ sơ đề nghị cấp đăng ký, trong đó, 6 đơn vị đã tiến hành khảo sát và tích hợp với Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam để đảm bảo đáp ứng các tiêu chí nghiệp vụ, tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống khi kết nối, tích hợp.
Cụ thể, mỗi giao dịch hợp đồng điện tử sẽ có gắn kèm với các quy chế về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, xử lý các yếu tố phát sinh trong quá trình giao kết và thực thi hợp đồng.
Điều này giúp cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các bên thứ 3 có một cơ quan trung gian đủ tin cậy để giải quyết các vấn đề phát sinh khi thực hiện giao kết, hợp đồng dưới dạng điện tử.
“Dự kiến trong tháng 6, đầu tháng 7, các đơn vị đầu tiên đảm bảo đủ các yêu tố vận hành dịch vụ sẽ được cấp đăng ký,” ông Lê Đức Anh thông tin.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết với việc hành lang pháp lý cho hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử tại Việt Nam đã được hoàn thiện, Bộ Công Thương đã giao Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp cùng các cơ quan quản lý Nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các tổ chức trọng tài thương mại, các cơ quan giải quyết tranh chấp; các nhà cung cấp dịch hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; các tổ chức chứng thực chữ ký số, dấu thời gian và các Tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng hợp đồng điện tử.
Các đơn vị cũng nghiên cứu, xây dựng các giải pháp hỗ trợ, phát triển, ứng dụng hợp đồng điện tử rộng rãi tại Việt Nam, thực hiện chủ chương của Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển thị trường.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân yêu cầu việc phát triển hợp đồng điện tử tại Việt Nam cần phải đáp ứng đủ các tiêu chí đóng vai trò xây dựng và phát triển thị trường ứng dụng thực tế, từ đó đáp ứng nhu cầu thiết yếu để hoàn tất quy trình ứng dụng thương mại điện tử, công nghệ thông tin trong hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, cần kết nối các nền tảng công nghệ, các hạ tầng số tin cậy của Chính phủ đến các doanh nghiệp, tổ chức, người dùng thông qua các giao dịch thương mại.
“Các Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (CeCA) sau khi được cấp đăng ký có thể cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử với quy trình đảm bảo tính bảo mật, chống chối bỏ, toàn vẹn dữ liệu và sẵn sàng khả năng kiểm tra, xác thực giá trị như bản gốc của hợp đồng điện tử,” Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh./.
Ngày 25/9/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85/2021/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử, quy định chi tiết về hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử; hoàn thiện hành lang pháp lý đối với các điều kiện, nghĩa vụ và quy trình đăng ký hoạt động đối với các Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử (CeCA-Certified eContract Authority). |
Ý kiến ()