LSO-Nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh ta đang trên đà phát triển, hướng tới mở rộng sản xuất hàng hóa. Nhu cầu về vốn để sản xuất, kinh doanh trong dân theo đó ngày càng lớn hơn. Nghị định 41/2010/NĐ-CP, ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã góp phần quan trọng vào giải quyết những khó khăn về vốn, đem đến cơ hội để những người nông dân ở nông thôn thực hiện ước mơ làm giàu.Với chủ trương cho vay mọi đối tượng khách hàng, trong đó chủ yếu và luôn ưu tiên cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn(NN&PTNT) tỉnh đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn. Ngay sau khi có Nghị định 41/2010/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT tỉnh đã bám sát các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của tỉnh, tăng cường đội ngũ cán bộ bám sát các địa bàn thôn, xã để...
LSO-Nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh ta đang trên đà phát triển, hướng tới mở rộng sản xuất hàng hóa. Nhu cầu về vốn để sản xuất, kinh doanh trong dân theo đó ngày càng lớn hơn. Nghị định 41/2010/NĐ-CP, ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã góp phần quan trọng vào giải quyết những khó khăn về vốn, đem đến cơ hội để những người nông dân ở nông thôn thực hiện ước mơ làm giàu.
Với chủ trương cho vay mọi đối tượng khách hàng, trong đó chủ yếu và luôn ưu tiên cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn(NN&PTNT) tỉnh đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn. Ngay sau khi có Nghị định 41/2010/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT tỉnh đã bám sát các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của tỉnh, tăng cường đội ngũ cán bộ bám sát các địa bàn thôn, xã để thực hiện chương trình vốn đầu tư phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngân hàng tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, bằng các tờ rơi, áp phích, đặc biệt là phối hợp với địa phương để phổ biến chính sách tín dụng trong các buổi họp dân ở thôn, bản. Tại trụ sở UBND các xã, Ngân hàng có bảng thông tin cụ thể về đối tượng vay, lĩnh vực được vay, thời hạn vay, mức vay… để mọi người dân đều biết. Bám sát cơ sở thôn, xã không chỉ để tuyên truyền, mở rộng nguồn vốn cho vay, mà qua đó, Ngân hàng trực tiếp nắm được tình hình sử dụng vốn, nhu cầu vốn trong dân, và hơn hết là nắm được tâm tư, nguyện vọng từ phía khách hàng để thực hiện đầu tư đảm bảo có hiệu quả.
|
Sản xuất gạch bê tông ở Bình Phúc (Văn Quan) |
Nghị định 41/2010/NĐ-CP mở rộng các đối tượng được vay vốn, gồm: các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình, hộ kinh doanh trên địa bàn nông thôn; chủ trang trại; các tổ chức và cá nhân cung ứng các dịch vụ phục vụ trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản; các doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp hoặc kinh doanh trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, cung ứng dịch vụ phi nông nghiệp có cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn nông thôn. Với các lĩnh vực cho vay đa dạng như: cho vay các chi phí sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, cho vay phát triển ngành nghề tại nông thôn, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn… Trên cơ sở những quy định đó, để Nghị định 41/2010/NĐ-CP thực sự phát huy hiệu quả kinh tế, đội ngũ cán bộ Ngân hàng còn thực hiện nghiêm túc những biện pháp kiểm tra, thẩm định các phương án, dự án vay vốn nhằm đảm bảo đối tượng, mục đích, lĩnh vực vay và hướng dẫn sử dụng vốn. Qua đó, Ngân hàng thực hiện đúng các quy định của Nghị định, đảm bảo nguồn vốn đầu tư và tạo điều kiện cho vay thuận lợi đối với mọi đối tượng khách hàng. Với các biện pháp tích cực tuyên truyền, đưa vốn về cơ sở, từ tháng 6/2010 đến nay, Ngân hàng đã giải ngân cho vay 198,6 tỷ đồng với trên 2.300 khách hàng. Trong đó, cho vay kinh doanh sản phẩm, dịch vụ phục vụ nông, lâm nghiệp và thủy sản 92,7 tỷ đồng, cho vay chi phí sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trên 24 tỷ đồng, cho vay sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ phi nông nghiệp trên địa bàn nông thôn 15 tỷ đồng, cho vay đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn 14,2 tỷ đồng….
Nguồn vốn cho vay đã thực sự giúp người dân ở khu vực nông thôn nhanh chóng khắc phục những khó khăn về vốn. Người nông dân có điều kiện đầu tư nuôi trồng phát triển kinh tế hộ gia đình, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp tại vùng nông thôn có điều kiện mở rộng các dịch vụ, cơ sở sản xuất, kinh doanh… Từ nguồn vốn đó, Ngân hàng đã góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Lăng Bích
Ý kiến ()