Nghị định 41/2010/NĐ-CP: Xua tan “cơn khát” vốn cho nhà nông
LSO-Từ khi Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được ban hành đến nay, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã giải ngân được 5.570 tỷ đồng tạo điều kiện cho nhiều nông dân đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần vào quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
LSO-Từ khi Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn được ban hành đến nay, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã giải ngân được 5.570 tỷ đồng tạo điều kiện cho nhiều nông dân đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần vào quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Hoạt động vay vốn tại Ngân hàng Cổ phần thương mại Công thương Chi nhánh Lạng Sơn |
Trong những năm qua, nhu cầu về vốn sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn ngày càng tăng, tuy nhiên các chính sách tín dụng cho lĩnh vực này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đó. Trong bối cảnh ấy, năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2010/NĐ-CP với những cơ chế phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn cho sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn. Với cơ cấu 80% dân số làm nông nghiệp, tỷ trọng nông, lâm nghiệp chiếm khoảng 40% GDP của tỉnh, sự ra đời của Nghị định 41 đã tạo điều kiện cho nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh vay vốn mở rộng sản xuất.
Ngay sau khi Nghị định 41 được ban hành, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh đã triển khai thông tin, tuyên truyền phổ biến sâu rộng về chính sách cũng như tinh thần của Nghị định 41 đến từng phòng, điểm giao dịch tại các huyện, xã, giúp người dân nắm bắt được chính sách của Nhà nước và các quy định vay vốn phát triển nông nghiệp nông thôn, tăng cơ hội tiếp cận nguồn vốn mở rộng sản xuất. Cùng với đó, trong quá trình triển khai nghị định, NHNN tỉnh cũng tiến hành công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các tổ chức tín dụng, báo cáo tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền địa phương và NHNN Việt Nam. Đồng thời các tổ chức tín dụng đã khẩn trương triển khai và nghiêm túc thực hiện Nghị định 41 với những hành động thiết thực. Ông Nông Văn Như, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh cho biết: Thực hiện Nghị định số 41 của Chính phủ, đơn vị đã tổ chức hội nghị triển khai từ tỉnh đến các ngân hàng cơ sở, cấp phát trên 5.000 tờ rơi, áp phích để tuyên truyền, phổ biến về chính sách vốn. Trong quá trình thực hiện, đơn vị chủ động phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị – xã hội, đặc biệt là Hội nông dân, để tuyên truyền, hướng dẫn thủ tục cho vay đơn giản, rõ ràng; đa dạng hóa các hình thức cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, giám sát quá trình sử dụng vốn vay của khách hàng đảm bảo sử dụng an toàn, hiệu quả… Nhờ những nỗ lực của đơn vị, tính từ năm 2010, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh luôn chiếm tỷ trọng khá, hiện dư nợ đạt 1.994 tỷ đồng, chiếm 77%/tổng dư nợ toàn chi nhánh. Trong đó riêng Nghị định 41/2010/NĐ-CP, doanh số cho vay trong 3 năm đạt 1.282 tỷ đồng.
Nhờ có nguồn vốn tín dụng nông nghiệp, nông dân đã có thêm nguồn lực để phát triển sản xuất, đóng góp cho quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn cho biết: từ khi có Nghị định 41, hoạt động vay vốn phát triển nông nghiệp nông thôn của người dân trên địa bàn xã đã tăng lên đáng kể, tính đến hết tháng 9/2013, tổng dư nợ tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn của xã là 23 tỷ đồng, tăng gần 10 tỷ đồng so với năm 2010, mở rộng số hộ vay lên 161 hộ (năm 2010 là 112 hộ). Nhờ có nguồn vốn tín dụng nông nghiệp, người nông dân tại xã đã có thể mở rộng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các dự án nuôi trâu, bò, lợn,… đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên.
Với cơ chế cho vay phù hợp, trong ba năm qua chính sách về tín dụng nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đã đạt được những thành công đáng kể. Tính đến 31/8/2013, dư nợ tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn đạt 2.550 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2010 và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ toàn tỉnh. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực, các đối tượng vay vốn chủ yếu cho đầu tư cho phát triển nông – lâm nghiệp (bình quân dư nợ cho vay lĩnh vực này chiếm 47,5%), trong đó có một phần vốn nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển ngành nghề nông thôn, cho vay các dự án nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và phát triển kinh tế vườn đồi, mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, góp phần cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn,…
Có thể nói, thời gian qua, ngành ngân hàng trên địa bàn đã triển khai tốt Nghị định 41, góp phần xua tan cơn “khát” vốn của người nông dân. Nhờ nguồn tín dụng này nhiều hộ dân ở khu vực nông thôn đã thoát khỏi đói nghèo, chủ động phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng; tạo điều kiện khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương, đóng góp cho quá trình xây dựng nông thôn mới tại tỉnh nhà.
NHƯ TRANG
Ý kiến ()