Thứ 7, 23/11/2024 16:12 [(GMT +7)]
Nghị định 34: Tăng mức phạt - tăng ý thức
Thứ 2, 10/05/2010 | 08:49:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Ngày 2/4/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5/2010. Nghị định này thay thế Nghị định số 146/2007/NĐ-CP ngày 14/9/2007 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và Nghị định số 67/2008/NĐ-CP ngày 29/5/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 42 Nghị định số 146/2007/NĐ-CP).
So với Nghị định 146/2007/NĐ-CP, Nghị định số 34/2010/NĐ-CP đã bổ sung nhiều điểm mới phù hợp hơn với thực tế giao thông hiện nay; đồng thời, quy định chế tài mạnh hơn đối với các hành vi vi phạm, tăng thêm quyền xử phạt cho các cơ quan chức năng, áp dụng thí điểm chế tài mạnh hơn đối với một số vi phạm trong khu vực nội thành của các đô thị loại đặc biệt… nhằm tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, tăng cường việc đảm bảo ATGT đường bộ. Đơn cử như mức phạt đối với người điều khiển mô tô không mang theo giấy đăng ký xe hoặc giấy phép lái xe sẽ từ 60.000 – 80.000 đồng, không có hoặc không mang giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực sẽ bị phạt từ 80.000 – 120.000 đồng (mức phạt cũ từ 40.000 – 60.000 đồng).
Lực lượng CSGT Công an tỉnh tăng cường công tác kiểm tra trên quốc lộ 1A. |
Bên cạnh đó, để giải quyết vấn đề như hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy sẽ bị phạt từ 100.000 – 200.000 đồng (mức áp dụng đối với hành vi này tại các thành phố lớn là 300.000 – 500.000 đồng). Đặc biệt, theo Nghị định 34, mức xử phạt về lỗi phóng nhanh, vượt ẩu, đi trái làn đường… sẽ tăng mạnh hơn so với trước. Đối với Lạng Sơn – địa phương hiện đang phát triển về số lượng xe máy điện, xe đạp điện, Nghị định 34 khi có hiệu lực sẽ mang lại những hiệu quả thiết thực (từ ngày 20/5, người điều khiển, người ngồi trên xe máy điện, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm (MBH), hoặc đội MBH không cài quai đúng quy cách sẽ bị xử phạt từ 100.000đồng – 200.000đồng).
Ông Hoàng Văn Tình, Phó Giám đốc Sở GT-VT cho biết: Nghị định 34/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ ban hành ngày 2/4 có hiệu lực vào ngày 20/5 tới đây hiện đang được Uỷ ban ATGT Quốc gia cũng như Ban ATGT các cấp tập trung tuyên truyền và yêu cầu xử lý nghiêm 5 hành vi vi phạm, là những dấu hiệu xấu của “văn hóa giao thông” – những nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Ông Tình cho biết thêm, mức phạt theo quy định được xây dựng dựa vào mức thu nhập bình quân, khả năng thanh toán và chi trả của người dân. Nhìn chung mức phạt lần này nhiều người cho rằng là phù hợp. Trên thực tế, mặc dù đã được tuyên truyền nhiều, nhưng vẫn còn một số bộ phận người tham gia giao thông chưa tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ, vì thế, mức phạt lần này tăng là nhằm “tăng ý thức” khi tham gia giao thông.
Đúng như vậy, trong quý I-2010, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn xảy ra 40 vụ tai nạn giao thông, làm chết 33 người, bị thương 55 người, so với cùng kỳ giảm 2 người chết và tăng 4 người bị thương. Nhìn chung, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn được kiềm chế, giảm về số vụ và số người chết, nhưng câu chuyện về thực hiện “văn hóa trong giao thông” vẫn còn là vấn đề đáng bàn. Cụ thể như vẫn còn nhiều người tham gia giao thông không thắt đai an toàn, đi vượt quá tốc độ cho phép, đi ngược chiều, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông và rất nhiều trường hợp không đội MBH. Về vấn đề này, theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh: năm 2009, trong tổng số 38.182 trường hợp mô-tô vi phạm trật tự ATGT trên địa bàn toàn tỉnh thì có gần 9.000 trường hợp không đội MBH. Ngay trong quý I/2010, trong 2.793 trường hợp vi phạm thì đã có tới 300 trường hợp không đội MBH. Cũng vậy, năm 2009, trong tổng số 65.500 trường hợp vi phạm thì có tới 6.303 trường hợp chạy quá tốc độ quy định, nguy hiểm hơn là trong số này hầu hết là người điều khiển ô tô vi phạm, đây là nguyên nhân dẫn đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Chính vì vậy, hiện Nghị đình 34 đã mở rộng thẩm quyền xử phạt đối với một số lực lượng. Điều này theo lãnh đạo Ban ATGT tỉnh, việc mở rộng phạm vi được xử lý một số hành vi cho lực lượng công an cơ sở như công an xã, công an huyện, thanh tra giao thông…, phù hợp với tình hình ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông ở một số bộ phận người dân còn kém, nếu không có chế tài mạnh thì hiệu quả thực thi pháp luât sẽ không cao.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()