Nghị định 15: Giảm 90% thủ tục, tiết kiệm 10 triệu ngày công
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp cho rằng việc thực thi Nghị định 15 sẽ giảm trên 90% chi phí hành chính, giúp tiết kiệm 10 triệu ngày công, 3.700 tỷ đồng. Trên hết, Nghị định đã thể hiện sự thay đổi tư duy quản lý, quyết tâm cao độ của Chính phủ và Bộ Y tế trong việc cải cách.
Đông đảo doanh nghiệp dự Hội Nghị |
Ngày 2/2, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP).
Ngày 23/2, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cùng các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định số 15/2018/NĐ-CP với sự tham gia đông đảo của các hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp cùng các chuyên gia kinh tế.
Tại Hội nghị, đại diện Cục An toàn thực phẩm cho biết, Nghị định 15 gồm 13 chương, 44 điều, với 11 nội dung chính được điều chỉnh so với Nghị định 38. Đây là một trong rất ít các nghị định có hiệu lực ngay từ ngày ký, ngày 2/2, thể hiện quyết tâm cao độ của Chính phủ và Bộ Y tế trong việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cải thiện môi trường kinh doanh cho DN.
Một trong những nội dung được cộng đồng DN, cá nhân kinh doanh thực phẩm đặc biệt chú ý là quy định về thực hiện tự công bố sản phẩm. Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP nhấn mạnh: “Thay vì phải xin xác nhận từ cơ quan Nhà nước, nay các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm được tự công bố”.
Khi tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của tổ chức, cá nhân và DN chỉ cần “nộp 1 bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền”.
Đặc biệt, ông Phong cho biết, ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó.
Theo đại diện Cục ATTP, với Nghị định mới này, Bộ Y tế chỉ yêu cầu các DN phải đăng ký bản công bố sản phẩm với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi, phụ gia thực phẩm có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định.
Ngoài ra, Nghị định 15 cũng thể hiện sự phân công, phân cấp mạnh mẽ trong trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP nhằm giảm tải áp lực quản lý cho các cơ quan cấp bộ, ngành, tránh chồng chéo trong quản lý, đồng thời nâng cao hiệu quả thực hiện.
Đồng thời, trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP của địa phương cũng được tăng cường. Ông Nguyễn Thanh Phong cho biết: “Nghị định 15 không quy định trực tiếp cho đơn vị nào của địa phương quản lý mà giao cho UBND tỉnh, thành phố quyết định, dựa theo tình hình thực tế của từng địa phương. Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu các địa phương nhanh chóng thực hiện, không để thời gian chuyển tiếp ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN”.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Hội nghị |
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, việc ban hành Nghị định 15 là nỗ lực của Bộ Y tế theo phương châm 10 chữ ‘vàng’ của Chính phủ năm 2018: Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả. Nghị định đã thay đổi căn bản về phương thức quản lý ATTP từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng cách thức quản lý rủi ro và bắt kịp trình độ quản lý của các nước phát triển.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề cập đến sự thay đổi cơ bản về quản lý thực phẩm nhập khẩu, chỉ kiểm tra xác suất trên lô hàng và hồ sơ chứ không kiểm tra cảm quan như trước đây.
Thay đổi này, theo ông Long sẽ tiết kiệm rất lớn TTHC, không còn đại diện 3 bộ quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm thường trực ở cửa khẩu nữa mà chỉ có hải quan.
“Nghị định 15 quan tâm nhất là chỉ tiêu về mặt an toàn, Bộ Y tế sẽ ban hành danh mục các chất cần được kiểm nghiệm xét nghiệm trước khi lưu thông, đồng thời cũng đang dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về ATTP, dự kiến khai trương vào 6/2018 ”, Thứ trưởng Long cho biết.
Về phần mình, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc chia sẻ tâm tư của nhiều DN khi cho rằng Nghị định 15 chính là “món quà” đầu năm đầy ý nghĩa mà Chính phủ, Bộ Y tế dành cho cộng đồng DN.
“Nghị định 15 thay thế cho Nghị định 38, đặt dấu chấm hết cho quá trình gian nan, gian khổ, hết sức hành chính, hình thức, không nâng cao được ATTP mà chỉ gây tốn kém cho xã hội. Đây là cuộc ‘cách mạng’ trong lĩnh vực ATTP”, ông Lộc nhấn mạnh.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, việc thực thi Nghị định 15 sẽ giảm trên 90% chi phí hành chính, giúp tiết kiệm 10 triệu ngày công, 3.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên hết, Nghị định đã thể hiện sự thay đổi tư duy quản lý, từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phân quyền mạnh mẽ hơn và nâng cao trách nhiệm của DN lên đến 100% đối với sản phẩm của mình để bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng.
“Chúng tôi đánh giá rất cao vai trò của Chính phủ, Bộ Y tế trong việc tiếp thu ý kiến của cộng đồng DN, nỗ lực đưa ra Nghị định mới này. Hi vọng các bộ, ngành lĩnh vực khác còn lưỡng lự, băn khoăn hãy học tập cách làm của Bộ Y tế, mang lại những món quà đầy trách nhiệm như vậy để khuyến khích, tạo động lực cho sản xuất và mang lại lợi ích cho người dân”, đại diện VCCI bày tỏ.
Về phía DN, ông Diệp Hồng Khôn, đại diện Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cũng cho biết, so với Nghị định 38, Nghị định 15 thể hiện chuyển biến rất tích cực trong quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Trong đó, chuyển biến quan trọng nhất là Nghị định đã cho phép DN được tự công bố với một số sản phẩm. Điều này tạo sự chủ động cho DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiết kiệm chi phí, thời gian.
“Chúng tôi cho rằng yêu cầu 100% trách nhiệm, hay quản lý hậu kiểm không phải là một áp lực mà lại trở thành động lực để các DN tuân thủ pháp luật, nỗ lực tạo ra những sản phẩm chất lượng đưa đến người tiêu dùng. Bởi vì nếu DN tuân thủ đầy đủ quy định về ATTP của Nghị định 15 thì sẽ tạo được niềm tin cho người tiêu dùng, cho cơ quan quản lý về chất lượng, tính an toàn của sản phẩm của mình”.
Đại diện Vinamilk tin tưởng, Nghị định 15 là một tín hiệu rất lạc quan trong công tác cải cách hành chính của Nhà nước. Hi vọng các lĩnh vực khác còn có những TTHC không cần thiết, tốn kém thời gian, chi phí cũng sẽ được cải cách theo tinh thần của Nghị định 15 để bảo đảm DN được chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tiết kiệm chi phí để tập trung tạo ra những sản phẩm phù hợp với thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của DN.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()