Nghị định 06: “Cú hích” của giáo dục mầm non
(LSO) – Sau một thời gian Nghị định 06 về hỗ trợ chính sách ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo và các chính sách hỗ trợ cho giáo viên mầm non được triển khai thực hiện đã tạo thêm động lực cho giáo viên và là “cú hích” của giáo dục mầm non.
Nghị định 06/2018/NĐ-CP, ngày 5/1/2018, quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo. Theo đó trẻ em đang học tại lớp mẫu giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non vùng dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, được hỗ trợ tiền ăn trưa bằng 10% mức lương cơ sở/trẻ/tháng. Đồng thời, bổ sung thêm chế độ hỗ trợ đối với đối tượng là trẻ em mầm non thuộc các hộ cận nghèo, là đối tượng cũng gặp rất nhiều khó khăn khi đến lớp, qua đó giúp các em duy trì chuyên cần, được chăm sóc, giáo dục tốt tại trường.
Cô Hoàng Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Hồng Thái, huyện Văn Lãng chia sẻ: Trường nằm trên địa bàn xã có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn nên các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với trẻ em mầm non, đặc biệt là khi các chính sách theo Nghị định 06 được triển khai và thực hiện đã phần nào giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh khi đưa con đến trường.
Học sinh Trường Mầm non Sơn Ca, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng trong giờ ăn trưa
Thực tế, với 231 trường mầm non trên toàn tỉnh, các chính sách này đã tác động sâu sắc đối với phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn, vùng núi cao, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tăng tỉ lệ huy động trẻ đến trường và tỉ lệ chuyên cần; nâng tỉ lệ trẻ em được chăm sóc giáo dục 2 buổi/ngày. Theo thống kê từ đầu năm học 2018 – 2019, tỉ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,91%; 100% các trường tổ chức học 2 buổi/ngày; 231/231 trường mầm non trên toàn tỉnh đều tổ chức ăn bán trú cho trẻ. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
Còn đối với giáo viên mầm non, trong tổng số hơn 4.249 giáo viên mầm non toàn tỉnh thì chỉ có 3.655 người trong biên chế, còn lại 594 giáo viên trong diện lao động hợp đồng (hợp đồng 44). Các giáo viên mầm non thường chịu nhiều áp lực về thời gian và cường độ làm việc, tuy nhiên, chế độ lương và thu nhập khác chưa tương xứng với công sức và áp lực nghề nghiệp, đặc biệt tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, các thôn/bản cách xa trung tâm. Bởi vậy, Nghị định 06 bổ sung chính sách hỗ trợ cho giáo viên mầm non trực tiếp dạy 2 buổi/ngày tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ghép từ 2 độ tuổi trở lên ở các điểm lẻ hoặc trực tiếp dạy tăng cường tiếng Việt tại các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có trẻ em là người dân tộc thiểu số tại các điểm lẻ ở các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.
Theo đó, không phân biệt là viên chức trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập hay tư thục đều được xếp và hưởng thang bậc lương theo chế độ hợp đồng lao động. Đặc biệt hơn nữa, theo quy định những giáo viên này còn được Nhà nước hỗ trợ tài liệu và chi phí tập huấn khi tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ. Hằng tháng được hỗ trợ thêm một khoản bằng tiền là 450.000 đồng đã góp phần ổn định thu nhập, đảm bảo đời sống cho một bộ phận rất lớn giáo viên mầm non đang chăm sóc trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non theo chế độ hợp đồng lao động khác, giúp giáo viên yên tâm công tác.
Bà Vi Thi Giao, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Nghị định 06/2018/NĐ-CP được ban hành, với những chính sách hỗ trợ cho đối tượng giáo viên mầm non đang dạy hợp đồng và giáo viên đang công tác ở những trường tư thục, sẽ động viên những thầy cô có thêm động lực cống hiến, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.
Ý kiến ()