Xây dựng nền tư pháp gần dân, tạo thuận lợi cho nhân dân
Thảo luận về Dự án Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) (sửa đổi), đề cập đến chức năng, nhiệm vụ của Viện KSND (Điều 2), nhiều ý kiến đề nghị quy định tại điều này cần bám sát và thể chế hóa đầy đủ quy định của Hiến pháp. Một số ý kiến đề nghị làm rõ nội hàm khái niệm “thực hành quyền công tố”. Việc quy định nội dung thực hành quyền công tố bao gồm xác định tội phạm và người phạm tội là chồng chéo với chức năng của Cơ quan điều tra (CQĐT), không phù hợp Kết luận số 92 của Bộ Chính trị. Đồng thời, có ý kiến đề nghị làm rõ nội hàm khái niệm “kiểm sát hoạt động tư pháp”, vì theo Dự thảo Luật thì bao gồm cả kiểm sát hoạt động xét xử của Tòa án. Đại biểu Hồ Văn Năm (Đồng Nai) cho rằng, quy định của Dự thảo Luật cần tạo điều kiện cho Viện KSND tăng cường kiểm sát giai đoạn điều tra để bảo đảm việc điều tra đúng pháp luật, chống oan sai, làm cơ sở để truy tố…
Đề cập về mô hình tổ chức Viện KSND (khoản 4 – Điều 41), đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) và nhiều đại biểu đồng tình phương án giữ nguyên mô hình tổ chức Viện KSND cấp huyện như hiện nay, không tán thành tổ chức mô hình Viện KSND khu vực. Vì ở cấp huyện thường giải quyết 90% vụ án xảy ra, nên việc tổ chức mô hình như hiện nay sẽ tạo thuận lợi cho Viện KSND phối hợp các cơ quan pháp luật tiến hành hoạt động công tố gắn với công tác điều tra…, góp phần xây dựng nền tư pháp bảo đảm gần dân, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân khi tiếp xúc với cơ quan tư pháp. Nếu tổ chức Viện KSND khu vực sẽ không phù hợp, vì địa bàn rộng, việc phối hợp giữa Viện KSND với các cơ quan tư pháp sẽ không bảo đảm yếu tố kịp thời trong giải quyết thông tin tố giác, tin báo tội phạm, hành vi vi phạm… Tuy nhiên, về vấn đề này, đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) cho rằng, thành lập Tòa án nhân dân khu vực và Viện KSND khu vực là phù hợp, là sự đột phá để xây dựng nền tư pháp hiện đại với ưu điểm tập trung nguồn lực, không tăng biên chế, không xây dựng trụ sở mới; sử dụng trụ sở cũ của tòa án và Viện KSND cấp huyện làm nơi tiếp nhận tin báo, thụ lý đơn…
Chủ tịch nước trình QH xem xét Công ước và Nghị định thư Cape Town
Đầu giờ làm việc buổi chiều, QH đã nghe Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đọc Tờ trình về việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town. Đây là điều ước quốc tế được xây dựng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động tài trợ vốn và cho thuê các trang, thiết bị tàu bay một cách hiệu quả, đem lại lợi ích kinh tế cho các quốc gia thành viên, nhất là các quốc gia đang phát triển. Đồng thời tạo khuôn khổ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ tại các quốc gia thành viên, cũng như khuyến khích việc cấp tín dụng và tạo điều kiện tiếp cận nguồn vay ưu đãi của các hãng hàng không. Gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town là điều kiện để các hãng hàng không Việt Nam được hưởng các ưu đãi từ quốc gia sản xuất tàu bay, các tổ chức tín dụng, đáp ứng nhu cầu, quy hoạch phát triển của ngành hàng không Việt Nam và sự phát triển kinh tế.
Tờ trình của Chủ tịch nước cho biết: Việc gia nhập Công ước và Nghị định thư sẽ gặp phải những khó khăn về nhân lực trong việc xét xử các tranh chấp phát sinh, cũng như việc bảo vệ các quyền lợi của các doanh nghiệp theo quy định của Công ước và Nghị định thư Cape Town (trình độ năng lực cũng như kinh nghiệm thực tiễn của đội ngũ thẩm phán tại Tòa án nhân dân chưa đáp ứng được yêu cầu khi thực thi Công ước và Nghị định thư). Khi gia nhập Công ước, Chính phủ có kiến nghị tuyên bố đối với một số nội dung của Công ước và Nghị định thư, cũng như kiến nghị về việc thực hiện Công ước và Nghị định thư. Do Công ước và Nghị định thư có một số điều khoản hoặc trái, hoặc và chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, căn cứ quy định tại khoản 14 Điều 70 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sửa đổi năm 2013, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề đối với trang, thiết bị tàu bay.
Báo cáo Thẩm tra về Công ước và Nghị định thư Cape Town của Ủy ban Đối ngoại của QH cho biết: Ủy ban tán thành Tờ trình của Chủ tịch nước và Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town…
Quản lý, sử dụng hiệu quả vốn của Nhà nước
Thảo luận Dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, nhiều đại biểu nêu rõ: Thời gian qua, việc phân công, phân cấp quản lý vốn và tài sản tại các doanh nghiệp giữa các cơ quan quản lý nhà nước còn chồng chéo, trùng lặp và không rõ phạm vi, dẫn đến khó xác định trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm, quy định các hành vi bị cấm, xử lý vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) còn thiếu và không đồng bộ. Vì vậy, làm giảm hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước đối với DNNN nói chung cũng như hoạt động giám sát của Nhà nước đối với việc sử dụng các nguồn lực thuộc sở hữu nhà nước đầu tư tại DNNN.Để khắc phục những hạn chế nêu trên, các đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) và một số đại biểu khác đề nghị, Dự thảo Luật cần có những quy định cụ thể về DNNN, không thể đồng nhất doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ và doanh nghiệp hỗn hợp, nhất là, cần xác định đúng vai trò đại diện chủ sở hữu của Nhà nước ở đây là người làm thuê hay làm chủ. Bên cạnh đó, hiệu quả đầu tư tiền vốn của Nhà nước cần được quy định cụ thể hơn để khi xảy ra lỗ, thất thoát thì phải có cá nhân, tập thể chịu trách nhiệm. Dự thảo Luật cần làm rõ trách nhiệm của người ra quyết định đầu tư và quyền của đại diện chủ sở hữu, đồng thời xác định cụ thể việc bồi thường khi ra quyết định đầu tư sai…
Một số đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật còn quy định chung chung, chưa cụ thể, chưa rõ về các lĩnh vực được phép đầu tư của DNNN.Vì vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu đưa ra những quy định chặt chẽ hơn, tránh hiện tượng hợp thức hóa, lách luật để chạy đua đầu tư. Ngoài ra, cần làm rõ khái niệm, tiêu chí để có thể khẳng định như thế nào là một DNNN hoạt động hiệu quả tốt. Một số quy định về huy động vốn, về người đại diện phần góp vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp khác trong Dự thảo Luật còn lỏng lẻo, cần được rà soát kỹ và chặt chẽ hơn.
Đối với việc giám sát quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tôi thấy vai trò, cơ chế của QH được quy định trong Dự thảo Luật còn quá mờ nhạt. QH, các đại biểu QH cần được báo cáo, cần nắm rõ vốn của Nhà nước đầu tư như thế nào, hiệu quả đến đâu… QH cần giám sát cụ thể, chặt chẽ vấn đề này, không thể giám sát chung chung, không thể đứng bên lề các hoạt động đầu tư nguồn vốn của Nhà nước… Đại biểu TRẦN DU LỊCH
(TP Hồ Chí Minh)
Với đề án tổ chức Tòa án nhân dân và Viện KSND khu vực theo địa hạt tư pháp là kéo theo giới hạn địa lý hành chính sẽ mở rộng. Như vậy, quãng đường người dân đi đến công đường sẽ xa hơn, đi lại vất vả và chi phí tốn kém, nhất là trong điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn, gây ra nhiều bất cập cho nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo. Do đó, nếu thành lập Viện KSND khu vực cho phù hợp với mô hình của Tòa án sơ thẩm khu vực như trong Dự thảo Luật Tổ chức Viện KSND (sửa đổi) là chưa phù hợp. Đại biểu BẠCH THỊ HƯƠNG THỦY
(Hòa Bình)
Ý kiến ()