Nghệ thuật tác chiến phòng không trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
Nhiệm vụ của Bộ đội Phòng không trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là bảo vệ đội hình chiến đấu của binh chủng hợp thành, khống chế không phận, triệt đường tiếp tế, tăng viện đường không, bảo vệ giao thông vận chuyển.
Lực lượng phòng không tham gia chiến dịch gồm: Trung đoàn Pháo cao xạ 367; một số tiểu đoàn và đại đội súng máy phòng không 12,7mm. Đây là lần đầu tiên ta sử dụng đến cấp trung đoàn phòng không và loại vũ khí mới có uy lực sát thương mạnh.
56 ngày đêm chiến đấu trên chiến trường Điện Biên Phủ, các lực lượng đã bắn rơi và phá hủy 62 máy bay các loại của địch, bắn bị thương hàng trăm chiếc khác, tiêu diệt và bắt sống nhiều phi công Pháp. Riêng Trung đoàn Pháo cao xạ 367 bắn rơi 52 chiếc và bắn bị thương 117 chiếc. Với sự ra đời của lực lượng phòng không và phát triển tác chiến phòng không trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, mặt trận đất đối không của ta đã hình thành và phát triển nhanh cả về lực lượng, bản lĩnh chính trị, cơ cấu tổ chức và trình độ tác chiến.
Giữ bí mật tuyệt đối và tạo thế trận bất ngờ
Với sự xuất hiện bất ngờ của pháo cao xạ trong chiến dịch, ta đã làm đảo lộn mọi tính toán của địch; làm cho phi công địch từ chỗ chủ quan chuyển sang hoang mang, lo sợ, buộc phải giải quyết nhiều vấn đề mới nảy sinh về kỹ thuật, chiến thuật và khó có thể khắc phục được trong thời gian ngắn. Để bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn, các đơn vị phòng không vừa đánh vừa rút kinh nghiệm; kết hợp giữa xây dựng trận địa hợp lý, vững chắc với sáng tạo cách đánh, giữa cơ động, phục kích và bám trụ; có thời điểm phải cải tạo địa hình, kéo pháo bằng tay, đưa pháo lên cao, ra giữa cánh đồng trống trải hay cơ động vào gần cứ điểm của địch để đánh địch. Không chỉ đánh địch ban đêm mà còn chủ động tiến công địch cả ban ngày; không chỉ tác chiến ở địa hình rừng núi mà còn đánh địch liên tục dài ngày ở địa hình trống trải, tạo điều kiện cho pháo binh, bộ binh và các lực lượng khác chiến đấu, đánh chiếm sân bay, thắt chặt vòng vây, thu hẹp vùng trời và cắt tiếp tế đường không của địch; dập tắt tia hy vọng cuối cùng của địch về mối liên hệ tiếp tế và tăng viện của hậu phương cho Điện Biên Phủ bằng đường không; làm cho tập đoàn cứ điểm của địch hoàn toàn bị cô lập giữa lòng chảo Điện Biên Phủ.
Tập trung lực lượng cho hướng chủ yếu, yểm trợ hiệu quả
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tuy lực lượng phòng không còn mỏng nhưng Bộ chỉ huy chiến dịch đã sử dụng lực lượng, bố trí đội hình, kịp thời chuyển hóa thế trận theo sự phát triển chiến đấu của các lực lượng binh chủng hợp thành trong từng đợt của chiến dịch; phân chia hỏa lực, giao nhiệm vụ cho từng tiểu đoàn đánh từng tốp máy bay địch; chỉ huy hỏa lực tập trung hoặc phân tán theo tình huống chiến dịch nhằm tạo mật độ hỏa lực phòng không dày để đánh địch đạt hiệu quả cao, bảo vệ đắc lực cho binh chủng hợp thành phát triển tiến công địch.
Đợt 1, lực lượng phòng không tập trung đánh địch bảo vệ binh chủng hợp thành tiến công đột phá tuyến phòng thủ vòng ngoài ở phía Bắc, Đông Bắc và Tây Bắc Mường Thanh. Sau trận mở màn chiến dịch thắng lợi, ta nhanh chóng di chuyển trận địa theo sát bộ binh, yểm trợ cho các Đại đoàn 312, Đại đoàn 308 đánh cụm cứ điểm Độc Lập, bao vây, bức hàng cụm cứ điểm Bản Kéo. Đợt 2, tập trung đánh địch bảo vệ binh chủng hợp thành tiến công chiếm giữ các cứ điểm và trụ vững đánh địch phản kích trên dãy đồi phía Tây-Tây Bắc Mường Thanh, đồng thời tiến hành khống chế đường không, cắt cầu hàng không, triệt tiếp tế đường không của địch. Đợt 3, các đơn vị phòng không đã cơ động triển khai áp sát cứ điểm phòng thủ của địch để bảo vệ cho binh chủng hợp thành tiến công đánh lùi các đợt phản kích và thắt chặt không phận, cắt đứt tiếp tế đường không của địch.
Bảo vệ giao thông, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật
Điện Biên Phủ ở xa hậu phương và các căn cứ, đường vận tải ít và xấu, khả năng hậu cần tại chỗ rất mỏng, mọi nhu cầu nhân lực, vật lực cho tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn đều phải huy động, vận chuyển từ xa đến. Hiểu rõ những khó khăn trên, trong đợt 2 chiến dịch, địch tập trung lực lượng không quân đánh phá ác liệt, liên tục ngày đêm để phá hoại và chặn các tuyến vận tải của ta lên mặt trận. Đặc biệt, tại các trọng điểm giao thông tạo ra nhiều điểm chết làm tắc nghẽn toàn bộ hệ thống giao thông, gây khó khăn lớn cho ta về bảo đảm hậu cần chiến dịch. Bộ tư lệnh chiến dịch đã kịp thời tăng cường thêm Tiểu đoàn 396 pháo cao xạ 37mm để hình thành thế trận bảo vệ giao thông từ hậu phương đến trung tuyến và hỏa tuyến; đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa chiến đấu cơ động và bám trụ, tập trung lực lượng bảo vệ các trọng điểm nên đường giao thông vận chuyển chiến dịch liên tục thông suốt.
Trong điều kiện rừng núi có nhiều góc che khuất, các đơn vị phòng không đã căn cứ vào nhiệm vụ chiến đấu, đặc điểm về địch, địa hình và kinh nghiệm thực tiễn chiến đấu để nghiên cứu, tìm ra cách đánh sáng tạo, hợp lý; vận dụng linh hoạt những hình thức chiến thuật để đánh địch có hiệu quả; tìm mọi biện pháp cơ động bám sát đội hình bộ binh, thực hiện đánh địch trên không; sẵn sàng đánh địch mặt đất để yểm trợ, chi viện cho bộ binh tiến công. Để bảo vệ giao thông vận chuyển trên các đoạn đường đèo, các đơn vị phòng không đã cơ động đưa súng, pháo phòng không lên các mỏm núi cao, bám sát mục tiêu cần bảo vệ; đồng thời đặt các trận địa chốt trên những hướng máy bay địch thường bay qua và cơ động phục kích hai bên sườn đèo, bắn rơi nhiều máy bay địch, bảo vệ các đoạn đường xung yếu trên các tuyến đường vận tải chiến dịch.
Để khống chế và thu hẹp không phận, tiến tới triệt hẳn nguồn tiếp tế và tăng viện đường không của địch, ngay từ đầu chiến dịch, Bộ đội Phòng không đã triển khai ở nhiều hướng và bắt đầu thế bao vây vùng trời Điện Biên Phủ. Đồng thời, để khoét sâu thêm chỗ yếu của địch, Bộ chỉ huy chiến dịch đã chỉ đạo đưa các đại đội súng máy phòng không 12,7mm của Trung đoàn Pháo cao xạ 367 và các tiểu đoàn phòng không thuộc các đại đoàn bộ binh cơ động xuống cánh đồng Mường Thanh, tiến gần các cứ điểm của địch nhằm không cho thả dù tiếp tế, buộc máy bay địch phải nâng độ cao, bay đêm nên việc thả dù không chính xác, tạo điều kiện cho bộ đội ta đoạt dù của không quân địch và tiến hành tổng công kích giành thắng lợi hoàn toàn.
Củng cố và duy trì sức chiến đấu thường xuyên, liên tục
Để thực hiện nhiệm vụ tác chiến có hiệu quả trong suốt quá trình chiến dịch, Bộ đội Phòng không thường xuyên củng cố và duy trì sức chiến đấu liên tục bằng các hình thức, biện pháp khác nhau, như: Lợi dụng địa hình rừng núi, ngụy trang che giấu trận địa, sở chỉ huy nhằm tránh địch oanh tạc để bảo toàn lực lượng. Xây dựng hệ thống công sự, hầm hào hoàn chỉnh để hạn chế thương vong trước hỏa lực của không quân, pháo binh địch, bảo đảm cho bộ đội có điều kiện chiến đấu dài ngày, liên tục cả ngày lẫn đêm. Khắc phục mọi khó khăn, vận động nhanh cùng bộ binh tiếp cận địch để hạn chế khả năng đánh phá của không quân và pháo binh địch. Thường xuyên chủ động cơ động, tạo được thế có lợi bất ngờ đánh địch, đồng thời địch không đánh trúng trận địa của ta.
Lực lượng phòng không kết hợp vừa chiến đấu, vừa huấn luyện tân binh ngay tại mặt trận nên đã kịp thời bổ sung quân số và có lực lượng dự trữ đến cuối chiến dịch để tiếp tục chiến đấu. Trong hoàn cảnh chiến đấu ác liệt, khẩn trương, các đơn vị luôn phát huy vai trò công tác Đảng, công tác chính trị, động viên tinh thần cho bộ đội vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm chiến đấu thắng lợi.
Nghệ thuật sử dụng phòng không trong các chiến dịch của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ đã góp phần làm phong phú nghệ thuật chiến dịch Việt Nam và làm cơ sở cho sự phát triển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Những bài học kinh nghiệm về nghệ thuật tác chiến phòng không trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Ý kiến ()