Nghệ thuật sử dụng lực lượng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
Cách đây 70 năm, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ có nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân hết sức quan trọng là nghệ thuật sử dụng lực lượng tác chiến.
Sử dụng lực lượng tạo thế, tạo lực
Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị họp, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội được chỉ định làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng Mặt trận Điện Biên Phủ.
Trước khi Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra, trên cơ sở nắm chắc tình hình và để tạo thuận lợi cho trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh cho các đơn vị chủ lực phối hợp mở đợt tiến công mạnh mẽ trên các chiến trường. Ta đã hình thành 5 đòn tiến công chiến lược: Lai Châu; Trung Lào; Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia; Tây Nguyên; Thượng Lào. Với 5 đòn chiến lược trên, chẳng những ta tiêu diệt nhiều địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn mà còn làm phá sản âm mưu tập trung lực lượng cơ động của Navarre ở vùng đồng bằng, buộc chúng phải phân tán khắp nơi để đối phó với ta.
Đồng thời với các đòn tiến công của bộ đội chủ lực ở mặt trận chính diện, các mặt trận sau lưng địch từ Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bình-Trị-Thiên đến Đồng bằng Bắc Bộ, quân và dân ta cũng đẩy mạnh hoạt động tác chiến bằng lối đánh táo bạo. Tại đây, ta sử dụng một bộ phận chủ lực tiến sâu vào vùng địch hậu, phối hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích, tiêu hao và tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, đẩy mạnh đấu tranh, phá kế hoạch bình định, thu hẹp vùng địch tạm chiếm, mở rộng vùng tự do. Đây là sự phối hợp chiến lược rộng khắp, tạo điều kiện rất thuận lợi cho Mặt trận Điện Biên Phủ.
Với nghệ thuật sử dụng lực lượng linh hoạt, khoa học và sáng tạo, các hoạt động quân sự trên các chiến trường phối hợp đã tạo thế, tạo lực cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, đẩy bộ chỉ huy của tướng Navarre phải hành động theo ý định của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Khối cơ động chiến lược của địch-“quả đấm mạnh” đã bị dàn mỏng, giam chân ở khắp các chiến trường Đông Dương, làm cạn kiệt lực lượng ứng cứu cho Điện Biên Phủ, làm so sánh tương quan lực lượng nghiêng hẳn về phía ta.
Tạo ưu thế tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm
Đến trước ngày ta nổ súng tiến công Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tại đây Pháp đã xây dựng 49 cứ điểm để hình thành các cụm cứ điểm kiên cố, vững chắc. So sánh lực lượng chiến đấu giữa ta và địch tại Điện Biên Phủ: Về bộ binh, ta gấp 2 lần quân địch; về pháo binh, ta và địch xấp xỉ nhau, nhưng chúng hơn hẳn ta về máy bay, cơ giới và hệ thống công sự liên hoàn, vững chắc. Tình hình trên cho thấy bên phòng ngự lợi hơn bên tiến công. Vì vậy, để bảo đảm chắc thắng khi tiến công vào tập đoàn cứ điểm này, ta đã chọn phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, nhằm tập trung ưu thế binh hỏa lực đánh từng trận hay một số trận gối đầu liên tiếp, tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch.
Theo đó, trong đợt 1 chiến dịch, ta đã tập trung ưu thế binh hỏa lực tiêu diệt 8 cụm cứ điểm ngoại vi phía Bắc. Tỷ lệ binh lực trong trận Him Lam: Địch 1/ta 3; trận đồi Độc Lập: Địch 1/ta 4,5; trận Bản Kéo: Địch 1/ta 3. Về pháo binh, trong trận then chốt mở đầu chiến dịch (trận Him Lam), so sánh pháo cối trực tiếp chi viện đánh vào mục tiêu, ta hơn địch gấp 10 lần. Nếu tính cả nhiệm vụ chế áp các mục tiêu khác, ta cũng gấp 2,6 lần. Ta tập trung tiêu diệt mỗi cụm cứ điểm trong một đêm nên pháo binh có điều kiện tập trung hỏa lực chi viện cho bộ binh trong từng trận đánh.
Sau thắng lợi giòn giã của đợt l, nguyên tắc và kinh nghiệm tập trung binh hỏa lực đã không được vận dụng đầy đủ vào cuộc tiến công cụm điểm cao phía Đông, khi bước vào đợt 2. Trên thực tế, mặc dù so sánh tương quan lực lượng ta-địch, về bộ binh ta gấp 3,6 lần, về pháo binh gấp 8,4 lần, nhưng trong khi sử dụng, một số đơn vị mới chỉ tập trung hỏa khí mà chưa tập trung được hỏa lực, nên chưa đủ sức áp đảo. Đây chính là lý do để Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định tạm dừng đợt 2, đồng thời chỉ đạo các đơn vị tổ chức một số hoạt động bổ sung, củng cố lại lực lượng, tạo thế, lực mới, chuẩn bị thật kỹ để đánh các trận tiếp theo.
Bước vào đợt 3 chiến dịch, khi thời cơ xuất hiện, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định huy động mọi lực lượng, thực hiện tổng công kích. Trên các hướng, mũi, toàn bộ lực lượng của ta đang từ thế vây lấn được lệnh nhanh chóng chuyển sang tổng tiến công và hợp điểm tại phân khu trung tâm của tập đoàn cứ điểm.
Bằng nghệ thuật sử dụng lực lượng tập trung tạo ưu thế hơn hẳn địch, ta đã tạo thế trận có lợi để giành thắng lợi trong từng trận đánh, từng cứ điểm, cụm cứ điểm ngoại vi, bóc vỏ từ ngoài vào trong, giành thắng lợi quyết định.
Tác chiến hiệp đồng chi viện hiệu quả cho bộ binh
Đây là lần đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ta đã tổ chức tốt tác chiến hiệp đồng binh chủng giữa các lực lượng pháo binh, pháo cao xạ và các lực lượng bảo đảm chi viện hiệu quả cho bộ binh tiến công địch.
Ngay trước khi mở màn chiến dịch, mọi con đường dẫn đến Điện Biên Phủ đã bị ta cắt đứt, nên để tiếp tế cho địch ở đây đều phải thực hiện bằng đường không. Vì vậy, nhiệm vụ cắt cầu hàng không, khống chế hỏa lực không quân địch là hết sức quan trọng. Trong khi lực lượng pháo binh khống chế sân bay, máy bay tiếp tế của địch không thể hạ cánh, thì lực lượng pháo cao xạ vừa làm nhiệm vụ bảo vệ các trọng điểm giao thông, vừa khống chế không phận chiến dịch, buộc địch phải thả dù tiếp tế ở độ cao lớn trong khu vực ngày càng bị thu hẹp, nên có gần một nửa số dù tiếp tế của địch rơi sang trận địa của ta hoặc rơi vào khoảng trống giữa ta và địch.
Đó là thời cơ xuất hiện phong trào đoạt dù, góp phần triệt đường tiếp tế của địch. Lực lượng pháo cao xạ khống chế không phận còn làm hạn chế đáng kể hỏa lực từ không quân địch, hạn chế thương vong của bộ đội.
Tác chiến rộng khắp, căng kéo, kìm giữ, triệt tiêu khả năng chi viện của địch
Cùng với nổ súng tiến công Điện Biên Phủ, quân và dân ta đẩy mạnh các hoạt động phối hợp ở các địa phương, các chiến trường: Nam Bộ, Bình-Trị-Thiên, miền Nam Trung Bộ, cực Nam Trung Bộ, chiến trường Lào và Tây Bắc Campuchia. Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân tại các chiến trường phối hợp này chuyển sang đợt tiến công mới với sự kết hợp của nhiều phương thức đấu tranh, nhiều loại hình tác chiến và tiếp tục giành những thắng lợi to lớn.
Đặc biệt, tại Đồng bằng Bắc Bộ-hậu phương chiến lược trực tiếp của Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã đẩy mạnh hoạt động quân sự, binh địch vận đã gây cho địch rất nhiều khó khăn trong tiếp tế cho Điện Biên Phủ.
Để duy trì sức chiến đấu cho Điện Biên Phủ, ngoài việc tăng cường lực lượng, hằng ngày quân đồn trú ở đây cần được tiếp tế từ 200 đến 300 tấn hàng các loại. Nhưng do Điện Biên Phủ rất xa hậu phương, đường bộ đã bị ta khống chế, nên hầu hết hàng hóa tiếp tế đều phải vận chuyển bằng đường sắt, đường bộ, đường sông tập trung vào các kho dự trữ ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ trước khi đưa lên máy bay chuyển tới Điện Biên Phủ.
Thấy được chỗ yếu chí mạng của địch, ta chủ trương tìm mọi biện pháp triệt tiêu nguồn hàng hóa này. Theo đó, ta đã sử dụng lực lượng tại chỗ đẩy mạnh hoạt động chiến tranh du kích vùng sau lưng địch, chặn đứng các cuộc hành quân cướp bóc của chúng, tích cực đánh phá các kho tàng, sân bay; ngăn chặn, phá hủy giao thông vận chuyển; đẩy mạnh công tác địch vận phá rã hàng ngũ địch. Các hoạt động trên của quân và dân ta đã triệt phá nguồn tăng viện lực lượng, cơ sở vật chất và các phương tiện vận chuyển tiếp tế cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ngay từ hậu phương chiến lược trực tiếp của chúng.
Những hoạt động trên khắp các chiến trường phối hợp với Điện Biên Phủ làm cho quân Pháp gặp nhiều khó khăn trong việc bổ sung lực lượng và ứng cứu cho Điện Biên Phủ đang trong cơn hấp hối khi bị quân ta từng bước siết chặt vòng vây, tiến công tiêu diệt.
Như vậy, cùng với bước phát triển của nghệ thuật quân sự Việt Nam, nghệ thuật sử dụng lực lượng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng có bước phát triển nhảy vọt. Bộ Tổng Tư lệnh đã rất linh hoạt, sáng tạo trong việc sử dụng các lực lượng trên các hướng, các chiến trường phối hợp cả trước và trong thời gian tiến hành chiến dịch để triệt nguồn tiếp tế, cô lập địch ở Điện Biên Phủ. Với phương châm “đánh chắc, tiến chắc” tạo điều kiện cho chiến dịch tập trung lực lượng với ưu thế hơn hẳn địch từng trận, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch.
Ý kiến ()