Nghệ thuật minh họa đồng hành cùng báo chí
Nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (1925-2023), Triển lãm “Nghệ thuật minh họa báo chí, xuất bản Việt Nam 2023” vừa khai mạc tại Hà Nội, là điểm hẹn thú vị đối với công chúng yêu mỹ thuật cũng như độc giả của sách, báo, tạp chí. Sự đa dạng và giàu cảm xúc đã chứng minh tranh minh họa là một yếu tố không thể thiếu góp phần làm nên thành công của các tác phẩm và ấn phẩm báo chí.
Khách tham quan triển lãm và trao đổi với họa sĩ. |
Trong lần thứ ba được Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, triển lãm giới thiệu hơn 1.000 minh họa của 55 họa sĩ đến từ các báo, tạp chí và đơn vị xuất bản trên cả nước. Đó là những cái tên xuất hiện thường xuyên trong phần hình ảnh minh họa sách; hoặc các chuyên mục văn nghệ (thơ, truyện ngắn, truyện dài kỳ, tản văn), phóng sự, ký sự, bình luận, giải trí… trên báo. Mỗi tác giả với cá tính, kinh nghiệm khác nhau mang đến những phong cách, ngôn ngữ tạo hình khác nhau.
Tham quan triển lãm, những ai yêu mến tờ tuần báo Văn Nghệ có dịp chiêm ngưỡng nét vẽ quen thuộc của các họa sĩ Đỗ Dũng, Phạm Minh Hải…; họa sĩ Nguyễn Đăng Phú cũng là một gương mặt quen khi cộng tác với ấn phẩm Hà Nội mới cuối tuần hàng chục năm.
Bên cạnh minh họa của các họa sĩ chuyên nghiệp, gạo cội, triển lãm còn mang đến những sáng tác của nhiều họa sĩ trẻ. Chẳng hạn như họa sĩ Bùi Việt Duy (sinh năm 1991, Bắc Giang), người minh họa sách giáo khoa môn Tiếng Việt, Ngữ văn của Nhà xuất bản Giáo dục và minh họa lịch với chất liệu văn hóa Việt Nam; nữ họa sĩ Lê Anh (sinh năm 1988, Vĩnh Phúc), Chủ nhiệm Câu lạc bộ nghệ sĩ trẻ – Hội Mỹ thuật Việt Nam gây ấn tượng với những bức vẽ về hình ảnh phụ nữ và trẻ em…
Phát biểu tại lễ khai mạc, họa sĩ Lê Tiến Vượng, Chi hội trưởng Chi hội Đồ họa 2 (Hội Mỹ thuật Việt Nam) chia sẻ: “Minh họa báo chí Việt Nam đã đồng hành cùng báo chí từ gần hai thế kỷ (tờ báo đầu tiên ở Gia Định xuất bản năm 1865).
Lặng lẽ và âm thầm, các họa sĩ đã để lại dấu ấn cá nhân của mình qua các tác phẩm minh họa. Với họ, minh họa vừa là cái duyên, cái thú, vừa là cái nghiệp mà mỗi họa sĩ phải tự tạo nên cho mình”. Trong dòng lịch sử, không ít họa sĩ mà sau này được coi như những danh họa của mỹ thuật Việt Nam cũng có những năm tháng gắn liền với công việc vẽ tranh minh họa cho các báo, tạp chí.
Các tờ Văn Nghệ, Văn nghệ Quân đội, Văn nghệ Công an… có tranh minh họa khá nhiều, kích thước lớn, phóng khoáng và bay bổng, chủ yếu minh họa cho các sáng tác văn học. Có thể kể đến các họa sĩ thành danh đã góp sức trên các ấn phẩm này như Lê Văn Đệ, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Đinh Minh, Văn Đa, Quang Thọ, Nguyễn Nghiêm cho đến Nguyễn Thụ, Huy Oánh, Vũ Giáng Hương, Ngọc Thọ, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Văn Cao, Sĩ Ngọc…
Theo nhiều người trong nghề, người vẽ minh họa báo chí thường được các ban biên tập lựa chọn từ các họa sĩ có bản lĩnh, tay nghề vững vàng, và đặc biệt là phải có khả năng phóng tác tức thì. Vì thời gian sản xuất tờ báo rất nhanh, có tờ ra hằng ngày nên nhiều họa sĩ phải ngay lập tức vẽ sau khi nhận được bản thảo “đặt hàng”. Do vậy minh họa báo chí là công việc đầy áp lực, đòi hỏi họa sĩ phải có “tác phong báo chí” để cho ra đời nhanh nhất những bức họa vừa bảo đảm tính thẩm mỹ, vừa phù hợp với nội dung câu chuyện, bài báo và tính chất mỗi tờ báo.
Họa sĩ Hà Huy Chương (Hải Dương), một tác giả có gần 20 năm gắn bó với tranh cổ động và tranh minh họa văn-thơ, đã trải lòng: “Vẽ minh họa là đồng hành với tác giả văn học. Cơ bản câu chuyện thế nào thì họa sĩ vẽ như thế, vẽ cho sáng rõ vấn đề mà nhà văn viết ra.
Tuy nhiên vẽ chân phương hay thậm xưng, chất thơ hay biểu đạt, vẽ vượt ra khỏi câu chuyện hay không… cũng còn phụ thuộc vào cảm nhận, cảm xúc của họa sĩ. Chính vì vậy minh họa còn có giá trị riêng, đôi khi từ những minh họa cũng có thể trở thành tác phẩm độc lập”.
Nhiều họa sĩ đồng tình với ý kiến này bởi chính họ đã từng sáng tác tác phẩm mỹ thuật độc lập từ ý tưởng, cảm hứng khi vẽ minh họa cho báo. Chẳng hạn, từ một bức tranh minh họa trên báo, đầu năm 2023, họa sĩ Công Quốc Hà đã vẽ hoàn thiện tác phẩm “Tình yêu Tây Nguyên” (kích thước 85x170cm, chất liệu acrylic).
Hiện nay, mảng tranh minh họa vẫn luôn thiết yếu trong các ấn phẩm dành cho thiếu niên, nhi đồng, như: Họa mi, Nhi đồng, Thiếu niên Tiền phong, Rùa vàng, Mặt trời nhỏ…
Bên cạnh đó, nhiều tờ báo duy trì đều đặn mời họa sĩ vẽ minh họa là Tuần báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ Quân đội, Nhân Dân hằng tháng, Văn nghệ Công an, tạp chí Nhà văn và Tác phẩm…
Ấn phẩm Nhân Dân hằng tháng (Báo Nhân Dân) còn tổ chức nhiều cuộc triển lãm, ra mắt sách về tranh minh họa trên báo một cách chuyên nghiệp và hấp dẫn, nhận được nhiều sự quan tâm, tán thưởng của bạn đọc cũng như giới họa sĩ.
Các họa sĩ đương đại tham gia vẽ minh họa báo chí có thể kể đến như: Thành Chương, Phạm Minh Hải, Đỗ Phấn, Hoàng Phượng Vĩ, Đào Hải Phong, Đỗ Dũng, Phạm Hà Hải, Lương Xuân Đoàn, Lê Trí Dũng, Hà Trí Hiếu, Vũ Đình Tuấn, Lê Tiến Vượng, Hữu Khoa, Mai Hoa, Lâm Thao, Kim Duẩn, Minh Hải, Đình Lương, Công Quốc Hà, Đặng Tiến, Ngô Xuân Khôi…
Đặc biệt, họa sĩ Thành Chương được nhiều độc giả biết đến với sức sáng tạo dồi dào để lại dấu ấn đậm nét. Họa sĩ còn là người rất tâm huyết với minh họa báo chí và đã dìu dắt một số họa sĩ trẻ bước chân vào con đường này.
Đến xem triển lãm, đạo diễn, họa sĩ, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Hà Bắc cho biết: “Triển lãm cho tôi rất nhiều cảm xúc, bởi ở đây quy tụ nhiều họa sĩ giỏi với phong cách riêng. Những năm gần đây, tôi nhận thấy đồ họa đã rất phát triển, đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt về nghệ thuật minh họa báo chí, điều đó đã thể hiện được sự tìm tòi và sáng tạo không ngừng nghỉ của các họa sĩ.
Qua triển lãm này, rất có thể các tòa soạn, các nhà xuất bản sẽ có thêm những đánh giá chuyên môn về xu hướng mỹ thuật để thiết kế, sáng tạo cho các loại ấn phẩm của mình. Bên cạnh đó là thu hút nhiều hơn các tác giả trẻ tham gia và theo đuổi lĩnh vực nghệ thuật minh họa báo chí, cũng như thiết kế các trang bìa sách, giúp thị trường đồ họa Việt Nam ngày càng đổi mới phong phú, đa dạng và nâng cao chất lượng hơn nữa”.
Nguồn:https://nhandan.vn/nghe-thuat-minh-hoa-dong-hanh-cung-bao-chi-post758932.html
Ý kiến ()